Theo báo cáo của Ban quản lý Khu kinh tế, Lào Cai có 3 khu công nghiệp là Bắc Duyên Hải, Đông Phố Mới, Tằng Loỏng và Khu cửa khẩu quốc tế Kim Thành, với 169 dự án, tổng vốn đăng ký gần 26.000 tỷ đồng.
Hiện tại, có 138 dự án đang hoạt động, 2 dự án xây dựng, 3 dự án đang hoàn thiện thủ tục và 13 dự án đang dừng thực hiện, 6 dự án đã chấm dứt và thu hồi dự án nhưng chưa thanh lý được tài sản.
Sản xuất đồng kim loại thương phẩm ở Khu công nghiệp Tằng Loỏng - Lào Cai. (Ảnh: QUỐC HỒNG) |
Do tác động của dịch Covid-19, cùng với chính sách “Zezo Covid-19” của Trung Quốc và thay đổi chính sách biên mậu, thắt chặt các hoạt động tại các cửa khẩu phụ, lối mở nên hoạt động kho bãi, dịch vụ duy tu bảo dưỡng sửa chữa xe ô-tô tại các khu công nghiệp Bắc Duyên Hải và Đông Phố Mới gặp nhiều khó khăn, giảm sút mạnh so với trước đây.
Tại khu công nghiệp Bắc Duyên Hải và Đông Phố Mới, nhiều dự án hoạt động cầm chừng và bị ngân hàng phong tỏa tài sản thế chấp. Tại khu công nghiệp Tằng Loỏng, Nhà máy Gang thép Việt-Trung dừng hoạt động từ tháng 5/2022, làm cho hơn 1.200 lao động không có việc làm, hơn 200 lao động nghỉ việc, ảnh hưởng lớn đến giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh, vì Nhà máy Gang thép Việt-Trung chiếm 15,47% giá trị sản xuất công nghiệp của Khu công nghiệp then chốt Tằng Loỏng.
Về cửa khẩu, từ đầu năm 2023, hoạt động xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu Việt Nam-Trung Quốc được khôi phục toàn diện. Hai bên đã bàn bạc, thống nhất thay đổi phương thức giao nhận hàng hóa qua cửa khẩu, thúc đẩy hoạt động thương mại điện tử qua biên giới, công tác chiêu thương thu hút doanh nghiệp hai bên…, hướng tới khôi phục hoàn toàn hoạt động giao thương như trước thời điểm diễn ra đại dịch Covid-19.
Tại Hội nghị, lãnh đạo Ban quản lý Khu kinh tế Lào Cai và các doanh nghiệp thẳng thắn trao đổi, thống nhất các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, tập trung vào xây dựng hạ tầng, xử lý môi trường, cải cách thủ tục hành chính nhằm thúc đẩy sản xuất công nghiệp và giao thương xuất, nhập khẩu qua Cửa khẩu quốc tế Lào Cai.
Các doanh nghiệp kiến nghị giảm đơn giá hoặc tỷ lệ tính tiền thuê đất ngang bằng với các địa phương trong khu vực; phát triển kinh tế tuần hoàn trong phạm vi khu công nghiệp Tằng Loỏng với mục tiêu biến rác thải đầu ra của ngành này thành nguồn nguyên liệu đầu vào của ngành khác hay thực hiện tuần hoàn trong nội tại của mỗi doanh nghiệp.
Thông quan hàng hóa xuất khẩu ở Cửa khẩu đường bộ Kim Thành-Lào Cai. (Ảnh: QUỐC HỒNG) |
Ông Vương Trinh Quốc, Trưởng ban quản lý Khu kinh tế Lào Cai cam kết tiếp tục đầu tư hoàn thiện hạ tầng các khu cửa khẩu thu hút các doanh nghiệp về Lào Cai để thực hiện xuất, nhập khẩu sang thị trường Trung Quốc. Rà soát, chấn chỉnh các lực lượng quản lý tại khu vực Cửa khẩu quốc tế; nâng cao đạo đức công vụ, không được gây phiền hà, sách nhiễu cho các doanh nghiệp; giảm bớt các điểm, trạm khai báo trong khu vực cửa khẩu, các khoản thu không chính thức làm chậm quá trình thông quan và tăng chi phí của doanh nghiệp. Hoàn chỉnh phần mềm cửa khẩu số; triển khai 3 hợp phần đầu tư Trung tâm hành chính công, đầu tư bãi KB2 để sớm đưa vào vận hành Cổng dịch vụ công tại cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành theo hướng số hóa quy trình, thủ tục, công khai minh bạch những quy trình hàng xuất, hàng nhập, sắp xếp phương tiện; hình thành cơ chế một cửa, một cửa liên thông.
Mục tiêu là duy trì tốc độ phát triển sản xuất tại các khu công nghiệp, góp phần đưa tổng giá trị sản xuất công nghiệp trong toàn tỉnh năm 2023 lên hơn 51.100 tỷ đồng. Đẩy mạnh hoạt động xuất, nhập khẩu qua các cửa khẩu, khu vực thí điểm xuất nhập khẩu, đạt tổng giá trị xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu năm 2023 là 5 tỷ USD.