Lạng Sơn ưu tiên cải thiện chất lượng giáo dục tại vùng biên

Phần lớn các trường học trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn là trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, điều kiện phát triển giáo dục còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, thời gian qua, ngành giáo dục cũng như các địa phương của tỉnh đã quan tâm, ưu tiên các nguồn lực đầu tư xây dựng trường, lớp học và trang thiết bị trường học, từng bước tháo gỡ khó khăn, nâng cao chất lượng giáo dục.
0:00 / 0:00
0:00
Giờ học tại Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Thiện Hòa, huyện Bình Gia.
Giờ học tại Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Thiện Hòa, huyện Bình Gia.

Những ngày cuối năm học 2022-2023 chúng tôi có mặt trong giờ học nội dung giáo dục địa phương của Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Thiện Hòa, huyện Bình Gia cũng là lúc cô giáo Hoàng Thị Thủy cùng các em học sinh đang tái hiện lại lễ hội Phài Lừa - nơi hội tụ những giá trị nhân văn của địa phương. Cô Thủy cho biết, căn cứ vào năm nhuận, ngày 4/4 âm lịch năm nay, người dân xã Hồng Phong và các xã lân cận nơi con sông Bắc Giang chảy qua địa phận huyện Bình Gia lại tưng bừng tổ chức lễ hội Phài Lừa - một lễ hội truyền thống đã có từ lâu đời, với mục đích cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tốt tươi. Với sự hướng dẫn của giáo viên, học sinh không chỉ có những hiểu biết sâu sắc về lễ hội này mà còn được tham gia vào các vai của lễ hội.

Với hình thức dạy học mang tính thực tế, giáo viên không chỉ dạy cho các em hiểu biết về truyền thống lịch sử, văn hóa địa phương, dân tộc, mà các em còn dễ dàng nắm vững nội dung, kiến thức bài học so với trước đây. "Nếu như trước đây dạy nội dung giáo dục địa phương chưa có tài liệu giảng dạy, thì hiện nay, nội dung này đã được biên soạn công phu, có thêm tranh, ảnh, giáo viên kết hợp trình chiếu video cho nên các em có thể quan sát, trải nghiệm tốt hơn", cô Thủy chia sẻ.

Theo thầy giáo Lý Văn Thơ, Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Thiện Hòa, hiện nay, chất lượng giáo dục nhà trường phát triển khá toàn diện; những truyền thống văn hóa, lịch sử của địa phương đã tác động tích cực đến hoạt động giáo dục. Trong đó, một số lễ hội như: Phài Lừa, Lồng Tồng là nội dung được nhà trường giảng dạy cho học sinh từ nhiều năm. Nhất là từ khi triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, những vấn đề về văn hóa, lịch sử, truyền thống của địa phương được biên soạn khoa học, bài bản trong sách tài liệu giáo dục địa phương với sự hỗ trợ của Dự án THCS vùng khó khăn nhất, đã tạo thuận lợi cho công tác giảng dạy, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Thông qua việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, tài liệu dạy học, nhà trường có thêm điều kiện để đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng giáo dục theo yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới. Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Thiện Hòa được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 vào tháng 3/2023.

Rời vùng khó khăn xã Thiện Hòa, đến với Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và trung học cơ sở xã Thanh Lòa, huyện Cao Lộc, chúng tôi cảm nhận được sự quan tâm của ngành giáo dục cũng như chính quyền địa phương chăm lo cho sự nghiệp trồng người. Cô giáo Phạm Thị Hồng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, học sinh nhà trường đều là con em đồng bào dân tộc thiểu số, hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn; trong khi nhà trường chưa có nhà bán trú cho học sinh cho nên thường xuyên xảy ra tình trạng học sinh bỏ học. Sau khi trường, lớp được đầu tư xây dựng khang trang, sạch đẹp, có phòng bán trú, bếp ăn bán trú, thư viện... học sinh đi học chăm chỉ, không còn hiện tượng học sinh bỏ học. Nhà trường vừa được xây mới 12 phòng bán trú, một phòng thư viện kèm phòng đọc, một phòng bộ môn Vật lý kèm phòng thí nghiệm, một khu vệ sinh, một nhà bếp. Cùng với các hạng mục trước đây, những hạng mục công trình vừa được đầu tư, đưa vào sử dụng đã góp phần tạo các điều kiện thuận lợi giúp trường bán trú ngày càng phát triển toàn diện. Vì vậy, công tác tổ chức dạy học từng bước đi vào nền nếp, giáo viên có điều kiện đổi mới phương pháp dạy học, cha mẹ học sinh yên tâm, tin tưởng hơn khi đưa con đến trường học tập.

Với sự quan tâm của chính quyền địa phương, ngành giáo dục và các thầy giáo, cô giáo, thời gian qua, lĩnh vực giáo dục và đào tạo của tỉnh Lạng Sơn nói chung, giáo dục dân tộc nói riêng đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần tích cực nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Mạng lưới, quy mô trường, lớp học từng bước được sắp xếp hợp lý bảo đảm công tác giáo dục toàn diện; tăng cường hoạt động trải nghiệm, nghiên cứu khoa học cho học sinh. Chất lượng giáo dục dân tộc được duy trì ổn định. Học sinh hoàn thành chương trình mầm non đạt tỷ lệ hơn 99%; kết quả xếp loại học lực khá, giỏi cấp THCS đạt 65,1%, cấp THPT là 66,6%.

Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo tỉnh Lạng Sơn, Hoàng Quốc Tuấn cho biết: Năm học 2022-2023, toàn tỉnh có 670 trường học, trong đó hệ thống trường chuyên biệt được củng cố và mở rộng với 108 trường, gồm 97 trường phổ thông dân tộc bán trú, 11 trường phổ thông dân tộc nội trú. Ðối với giáo dục vùng khó khăn, nhờ sự quan tâm hỗ trợ của Bộ Giáo dục và Ðào tạo, tỉnh Lạng Sơn có tám trường cấp THCS vừa được đầu tư, hỗ trợ xây dựng phòng học, phòng học bộ môn, phòng thư viện, nhà ở cho học sinh bán trú, nhà công vụ giáo viên, nhà bếp; cung cấp thiết bị, sách tham khảo, tài liệu giáo dục địa phương. Ðến nay, các công trình giáo dục vùng khó khăn đã hoàn thành, đưa vào sử dụng đã giúp các trường có điều kiện đổi mới phương pháp giảng dạy và thu hút học sinh đến trường.