1. Hôm ấy, khi vừa điểm tiếng trống chầu kết thúc một canh hát, vừa kịp khoác tà áo ngũ thân đứng lên khỏi chiếu hoa thì quan viên Châu Hải Đường đã bị đào nương Bạch Vân, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Ca trù Hà Nội níu lại. Ở đất Hà thành này, người yêu cổ nhạc không ai lạ gì ca nương Bạch Vân, người đã khơi lại mạch nguồn ca trù sau những năm đứt đoạn, ròng rã bao năm tầm sư để thọ giáo những ngón nghề. Thế mà hôm nay, chị ngỡ ngàng mỗi khi vị quan viên lạ mặt điểm trống. Những khổ song châu (hai tiếng tom vào mặt trống), liên châu (ba tiếng tom) hay xuyên tâm (tom-chát-tom, tiếng chát là tiếng vào thành trống), chính diện (chát-tom-chát) đều mang phong thái đĩnh đạc, của một người có dư thừa nội lực, lại vừa có độ “phiêu” cùng với tiếng hát, tiếng đàn. Đào nương Bạch Vân hỏi dồn quan viên theo học cầm chầu của nghệ nhân nào, đã được bao năm...
Cái ngạc nhiên của ca nương Bạch Vân, cũng là cái ngạc nhiên của tất cả những ai sành ca trù. Nghệ thuật ca trù có ba nhạc cụ: Cỗ phách trong tay ca nương; đàn đáy đệm cho ca nương hát và trống chầu. Khi vào canh, khách sẽ lên cầm chầu. Thuở xưa, cầm chầu đều là những bậc tao nhân, mặc khách, hay những nhà nho - tài tử. Sang đến nửa đầu thế kỷ 20, khi ca trù phát triển mạnh ở các đô thị, đối tượng thưởng thức ca trù mở rộng hơn khi Nho giáo đi vào những ngày tàn. Nhưng để “thưởng” ca trù, quan viên cũng cần phải có “vốn liếng” để có thể nhập vai một “nhạc công”. Để tham gia cuộc chơi ấy, người ta phải học, phải hành. Những đổi thay của xã hội khiến ca trù, khiến phách sênh một phen lỡ nhịp đến mấy mươi năm. Mãi đến đầu những năm 2000, ca trù mới lần hồi trở lại. Khi ấy, trên sập gụ, chiếu hoa, cũng có đủ bộ ba: Ca nương, kép đàn, quan viên. Nhưng quan viên theo nghĩa nguyên gốc đã “tuyệt chủng”. Quan viên thế hệ mới đã thành “chuyên nghiệp hóa”. Những người cầm chầu là người của chính các câu lạc bộ, giáo phường “diễn” cho công chúng xem. Thế nhưng quan viên họ Châu lại không thuộc giáo phường, câu lạc bộ nào. Quan viên Châu Hải Đường vốn là tác giả của hàng chục đầu sách dịch, biên soạn, chủ yếu về cổ học, và cũng là người “thưởng” ca trù giống như các bậc tao nhân, mặc khách, những lãng tử độ nào...
Dịch giả, nhà nghiên cứu Châu Hải Đường tên thật là Lê Tiến Đạt. Anh sinh ra vào quãng giữa năm 1970, khi bút lông, mực tàu đã thành dĩ vãng từ lâu lắm. Nhưng ông nội anh lại giỏi chữ Hán. Thế là, một cách tự nhiên, anh tiếp xúc với những con chữ tượng hình từ khi còn thơ bé. Tình cờ một lần, anh đọc được cuốn thơ ca trù của cụ. Một lần khác, khi đến hiệu sách, anh thấy có một cuốn sách về ca trù. Cậu bé Đạt lúc đấy đã mạnh dạn bỏ tiền túi ra mua, chỉ đơn giản bởi: “Chắc ông nội sẽ thích lắm”. Ai dè, đó lại là chữ “duyên” với ca trù, mà trước hết là thơ của ca trù. Bởi sau này, càng học Hán tự, anh thẩm thấu và càng mê thơ ca trù. Đến lúc gặp các nghệ nhân của Giáo phường Ca trù Thăng Long, Châu Hải Đường được các nghệ nhân hướng dẫn. Anh dần ngộ ra và bắt đầu mạnh dạn cầm roi chầu để thử “chát-tom”.
Chuyện nghe đơn giản thế nhưng để bắt đầu cầm chầu được cũng là một quãng đường dài. Trước hết, phải sành thơ ca trù. Mà muốn sành thơ ca trù, phải có vốn cổ học. Đối với phần âm nhạc, phải hiểu các khổ phách của ca trù, hiểu các khổ trống. Từ đó mới điểm câu, điểm khổ, khen chê phù hợp. Sau khi hiểu lề lối, quan viên Châu Hải Đường thường nghe những bài ca trù của các ca nương thuộc vào hàng kinh điển để học hỏi. Với anh, chỉ khi cầm chầu, người ta mới thật sự thưởng thức có chiều sâu, mới “nhập cuộc”. Còn không, chỉ là đứng ngoài để “nhìn vào” thế giới ca trù.
Nhà nghiên cứu, dịch giả Châu Hải Đường (trái), một quan viên nổi tiếng trong giới những người yêu ca trù hiện nay. |
2. Có lẽ, không phải ai cũng biết rằng nhiều bậc văn tài thời xưa cũng chính là những quan viên. Họ thưởng thức và sáng tác thơ để rồi chính những đào nương, kép đàn diễn xướng những bài thơ họ sáng tác. Những tên tuổi lẫy lừng phải kể đến Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Dương Khuê… Ca trù tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau: Hát cửa đình là hát thờ thánh, thường tổ chức trong lễ hội; hát mừng trong dịp các gia đình quyền quý có chuyện vui, thí dụ như chúc thọ, dịp tân xuân… Nửa đầu thế kỷ 20, hình thức ca quán phổ biến ở các đô thị lớn, nhất là Hà Nội. Ca trù thật sự trở thành một bộ môn nghệ thuật thính phòng. Với những bậc văn tài thời đó, thưởng thức ca trù là thú vui phổ biến những lúc giao du, gặp gỡ bạn bè. Thú chơi ca trù có thể tìm thấy trong nhiều áng văn của các văn nghệ sĩ trước năm 1945. Trong đó, cuộc chơi ca trù của các văn nhân được thuật lại rõ nét trong cuốn Đốt lò hương cũ (Nhà xuất bản Kim Đồng, 2021) của nhà thơ Đinh Hùng. Nhóm văn nhân gồm những Nguyễn Tuân, Khái Hưng, Thạch Lam, Nhất Linh… một lần cao hứng rủ nhau đi hát ả đào. Trong thời đại ấy, hai từ “nghe hát” được xem như đồng nghĩa với “cầm chầu”. Thí dụ như khi nữ chủ nhân Bạch Liên (đào Sen) của ca quán đẩy chiếc trống đến trước nhà văn Nhất Linh và thưa: “Xin lời ông anh nghe hát ạ!”, tức là khi Bạch Liên mời nhà văn Nhất Linh lên đánh trống chầu. Cũng trong canh hát đó, với Thạch Lam, khi ca nương tặng riêng bài hát cho ông, thì đích thân ông phải cầm roi chầu để “tom, chát”. Khi nhận lấy roi và trống, ông coi đó là “nghe” bằng tai lẫn đầu và ngực (trí óc và trái tim). Cả Nhất Linh và Thạch Lam vốn đều không sành ca trù, nhưng trong cuộc chơi ấy, cả hai đều cầm chầu không những đạt mà còn có chỗ hay. Lý giải về điều này, nhà nghiên cứu Châu Hải Đường cho biết: “Chuyện các văn nhân thời đó đi thưởng thức ca trù cho ta hình dung khá rõ nét về không gian của biểu diễn nghệ thuật ca trù thời đầu thế kỷ 20. Tôi cho rằng, trong câu chuyện ấy, dù Thạch Lam vốn không sành ca trù, nhưng vẫn có thể cầm chầu là bởi lúc đó nhà văn sống trong một không khí mà ca trù phổ biến, ngoài cái gọi là điểm trống bằng “linh giác” như tác giả nói thì việc nghe nhiều khiến ông cầm chầu trở nên rất tự nhiên”.
Chính việc trở thành một quan viên không phải là chuyện dễ dàng nên sau nửa thế kỷ đứt đoạn, nay khi phục hưng nhạc ả đào, việc tìm được một quan viên cầm chầu chuẩn mực đúng nghĩa trở nên khó khăn hơn bao giờ. Thực tế, ngày càng có nhiều ca nương, kép đàn. Nhưng quan viên đúng nghĩa vẫn là của hiếm. Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền - tác giả cuốn “Ả đào: Một khảo cứu về lịch sử và hệ âm luật” (Nhà xuất bản Văn học, 2024), cuốn sách về ca trù công phu nhất từ trước tới nay, từng than thở: “Trong các cuộc trình diễn hiếm hoi của các câu lạc bộ, giáo phường, vai trò cầm chầu phần lớn lại do chính tự thân đào kép thay nhau đảm nhiệm. Bởi tầng lớp khán giả/quan viên tham dự cuộc chơi như xưa vẫn chưa hình thành. Ở chiều cạnh khác, những khán thính giả thế hệ mới muốn theo đòi thú chơi nghệ thuật tao nhã của cha ông lại không biết phải làm gì, bắt đầu từ đâu? Họ cũng chẳng có bao nhiêu cơ hội để tiếp cận với thực tiễn, trong khi những chỉ dẫn trên thư tịch lại quá ít ỏi và mơ hồ”.
Sự kiện “Vọng khúc ca trù” diễn ra tối 14/4/2024 trên phố Lãn Ông, Hà Nội. (Ảnh BAN TỔ CHỨC) |
3. Trở thành quan viên khó là thế. Nhưng quý vật thì luôn được quý nhân tìm tòi. Cách đây chưa lâu, ở Hải Phòng, có một nhóm những người yêu cổ phong phục dựng một canh hát ca trù theo lề lối xưa tại tư gia nghệ nhân hát xẩm nổi tiếng đất cảng Đào Bạch Linh (tức Linh xẩm, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Xẩm Hải Phòng). Đó thật sự là một cuộc “chơi” ca trù. Khách mời có một số đào nương đến từ Giáo phường Ca trù Hải Phòng và đào nương Kim Ngọc (Giảng viên âm nhạc Đại học FPT, Hà Nội). Nhưng điều đáng chú ý lại nằm ở “nhà tổ chức”, một trong những người đứng ra tổ chức canh hát này là quan viên thế hệ 9x - Duy Linh. Duy Linh vốn mê hát xẩm. Nhưng sau này, nhận ra đẳng cấp ca trù, nhất là khi Linh học chữ Hán. Những ngôn từ trong ca trù có chiều sâu lớp lang, càng nghe, càng ngẫm, càng thấy cuốn hút. Từ năm 2016, Linh bắt đầu nghiên cứu sâu về ca trù, văn hóa ca trù, đặc biệt là kỹ thuật “điểm cổ” (điểm trống). Sau vài năm nghiên cứu, tìm hiểu, Linh đã bắt đầu mạnh dạn cầm chầu. Duy Linh chia sẻ: “Cầm chầu là cả một nghệ thuật, trước hết phải hiểu thơ ca trù. Trống chầu có nhiều khổ. Phải “chấm khổ”, “chấm câu” đúng lúc, đúng chỗ, phải điểm trống khích lệ ca nương đúng thời điểm để ca nương có thêm hưng phấn khi biểu diễn. Nhưng nếu điểm trống quá khuôn khổ thì sẽ trở nên cứng nhắc. Vậy nên vừa phải hiểu, vừa phải có sự đồng điệu với đào nương, kép đàn để có sự “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”. Khi đó, người cầm chầu mới có thể kết hợp với đào nương, kép đàn tạo thành chỉnh thể, tạo nên canh hát có hồn”. Đã có khá nhiều năm tìm hiểu, nhưng Duy Linh luôn tự nhận mình là người đi sau, còn phải học hỏi nhiều. Duy Linh không giấu giếm “tham vọng” sẽ trở thành một quan viên theo đúng lề lối xưa, để có thể thưởng thức ca trù một cách có chiều sâu.
Từ chỗ đã biến mất hoàn toàn những người biết nghe ca trù, bây giờ, đã có thêm những quan viên thế hệ mới. Tiến sĩ Phạm Thị Lan Anh, Trưởng phòng Quản lý Di sản (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) là người nhiều năm gắn bó với ca trù, nhiều lần tham gia tổ chức các Liên hoan ca trù chia sẻ, những năm trước, quan viên hầu như chỉ là người trong giáo phường, câu lạc bộ ca trù thay nhau lên cầm trống. Nhưng bây giờ, nhiều canh hát đã có những người xung phong lên cầm chầu. Trước kia, ca trù chỉ xuất hiện trên sân khấu khi có liên hoan, hội diễn, hay buổi trình diễn của các tổ chức thì nay đã có những canh hát mà người thưởng thức bỏ tiền ra nghe, đã có những cuộc chơi ca trù của các nhóm yêu cổ nhạc, cổ phong. Mới đây, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức một cuộc thi sáng tác thơ ca trù thể hát nói, rất nhiều bài thơ hay đã xuất hiện. Sự hình thành bước đầu của một lớp khán giả mới, hiểu biết về ca trù, là một dấu hiệu cho thấy sự hồi sinh có tính bền vững của loại hình di sản trình diễn độc đáo này.