Làng chài trắng đêm chờ tin cứu nạn các ngư dân mất tích

NDO - Trong đêm qua, rất đông người thân, bà con làng chài đã đến nhà thăm hỏi, động viên gia đình, thân nhân của các ngư dân bị chìm tàu ở huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam. Mưu sinh, gắn bó nghề biển, nhiều ngư dân đi trên hai tàu QNa 90129 và QNa 90927 có thâm niên hành nghề câu mực hơn 20 năm. Trông ngóng người thân, bà con làng chài mong chờ, hy vọng sẽ tìm thấy các ngư dân còn lại.
0:00 / 0:00
0:00
Dù đêm khuya nhưng người thân, bà con làng chài vẫn đến nhà động viên, chia sẻ cùng gia đình các ngư dân bị chìm tàu.
Dù đêm khuya nhưng người thân, bà con làng chài vẫn đến nhà động viên, chia sẻ cùng gia đình các ngư dân bị chìm tàu.

Đêm khuya, cơn mưa dai dẳng cả ngày vẫn không ngớt. Nhà chị Mai Thị Nghị, 42 tuổi, ở thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang, huyện Núi Thành vẫn đông người ngồi từ trong nhà ra ngoài sân. Người thân, bà con xóm chài ở lại nói chuyện, an ủi động viên chị Nghị. Gương mặt thất thần, chị ngồi trong góc nhà lo lắng.

Trắng đêm mong ngóng người thân

Chị Nghị cho biết, ngày 5/10, chồng chị là anh Đinh Văn Phương, 43 tuổi, xuất bến từ cảng cá Tam Giang lên tàu QNa 90129 để đi biển hành nghề câu mực. Thúng cùng các dụng cụ hành nghề câu theo anh Phương lên tàu đi biển dài ngày.

Đi cùng anh Phương trên tàu QNa 90129 có 54 lao động, do ông Lương Văn Viên, sinh năm 1976, làm thuyền trưởng. Tàu đưa 54 ngư dân cùng 45 thúng ra vùng biển khơi câu mực.

Xóm chài nơi gia đình chị Nghị sinh sống có 10 ngư dân chuyên làm nghề câu mực xa khơi. Hơn 20 năm theo nghề biển, anh Phương gắn bó với tàu QNa 90129 gần 8 năm qua.

Làng chài trắng đêm chờ tin cứu nạn các ngư dân mất tích ảnh 1

Chị Nghị mong muốn được tìm thấy chồng cùng các ngư dân trên biển.

Gia đình còn khó khăn, con gái lớn làm công nhân, chị Nghị ở nhà nội trợ, phụ giúp chồng và lo cho con trai nhỏ. Thấp thỏm, lo lắng cho những chuyến khơi xa của chồng, chị luôn cầu mong may mắn đến với gia đình và anh em thuyền viên. 12 ngày sau khi xuất bến thì tàu gặp nạn, hai ngư dân cùng xóm được cứu nạn, còn chồng chị vẫn chưa tìm thấy.

“Anh đi bạn với chủ tàu và anh em ngư dân. Mang thúng theo tàu, ra vùng biển thì thả thúng chèo để câu mực. Mùa này thì đi khoảng 1 tháng rưỡi đến 2 tháng thôi, nếu thời tiết xấu thì vào bờ sớm hơn. Giờ chỉ mong tìm kiếm được”.

Từ lúc nhận tin tàu QNa 90129 gặp nạn, chị Phạm Thị Liên, ở xã Tam Quang khóc suốt cả ngày. Mắt sưng, gương mặt bất an, chị thức trắng đêm chờ đợi thông tin cứu hộ cứu nạn.

Đang mang thai đứa con thứ ba hơn 6 tháng, chị Liên gắng gượng, chờ đợi hy vọng chồng thoát được tai nạn chìm tàu. Đêm khuya nhưng bà con, hàng xóm vẫn tập trung ở nhà chị chia sẻ nỗi lo, động viên mẹ con chị trong lúc khó khăn này.

Chị Liên cho biết, cha chị là ông Phạm Văn A và chồng là anh Nguyễn Ngọc Pháp, sinh năm 1985, cùng đi trên tàu QNa 90129 hành nghề câu mực. Gắn bó với tàu này hơn 10 năm, mỗi chuyến xa khơi, anh cùng thúng theo tàu lênh đênh trên biển từ 3-4 tháng. Mùa biển động, thời gian chuyến biển ngắn hơn.

Quê ở xứ Cù Lao xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, chị Liên theo chồng về làng biển Tam Quang, huyện Núi Thành. Làm nghề may, chăm lo cho hai con trai đang học lớp 11 và lớp 4, cuộc sống vợ chồng chị còn nhiều khó khăn.

Chuyến đi khơi lần này xuất bến chưa được bao lâu chị nhận hung tin tàu của chồng, cha cùng nhiều ngư dân gặp nạn. Cha chị đã được cứu vớt, còn chồng vẫn chưa tìm thấy.

Lo lắng cho em trai hiện vẫn mất tích, anh Nguyễn Ngọc Nhật buồn bã: “Gia đình mong muốn sớm tìm được Pháp. Chúng tôi biết các ngành chức năng đã tích cực huy động lực lượng, tàu thuyền ra cứu nạn. Điều đó cũng động viên, an ủi chúng tôi và gia đình anh em ngư dân”.

Làng chài trắng đêm chờ tin cứu nạn các ngư dân mất tích ảnh 2

Anh Nguyễn Ngọc Nhật, anh ruột ngư dân Nguyễn Ngọc Pháp thay mặt gia đình cảm ơn sự hỗ trợ của ngành chức năng tìm kiếm người thân mất tích.

Hiểm nguy nghề câu mực trên thuyền thúng

Tối 16/10 đến 1 giờ sáng 17/10, khi đang hoạt động tại vùng biển Trường Sa thì hai tàu QNa 90129 và QNa 90927 bị lốc xoáy chìm tàu. Tính đến sáng 18/10, vẫn còn 13 ngư dân mất tích.

Các ngư dân đi trên hai tàu chìm đều ngụ ở hai xã Tam Quang, Tam Giang và thị trấn Núi Thành, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam; trong đó, nhiều nhất là xã Tam Quang với 7 ngư dân vẫn chưa được tìm thấy.

Chuyên hành nghề câu mực xa khơi, các ngư dân đều có thâm niên hơn 20 năm trên biển. Anh Đinh Văn Minh, người thân của ngư dân Đinh Văn Phương lo lắng, mong chờ tàu cứu nạn sớm tìm thấy Phương và các ngư dân mất tích.

Sinh năm 1979, anh Minh có gần 20 năm theo nghề câu mực. Anh Minh chia sẻ, ngư dân làng chài các xã ven biển như Tam Quang, Tam Giang huyện Núi Thành chuyên hành nghề câu mực đêm. Sau khi đưa ngư dân và thúng từ đất liền ra đến vùng biển đánh bắt hải sản, chủ tàu sẽ thả ngư dân và thúng theo từng khu vực khác nhau.

Mỗi nhóm sẽ có từ 3-5 ngư dân, mỗi người một thúng cùng câu mực quanh khu vực biển để gần và hỗ trợ nhau khi cần. Chuyến câu đêm bắt đầu từ 4 giờ chiều hôm trước đến 4 giờ sáng hôm sau, chủ tàu sẽ đi đón ngư dân, thúng và chuyển tất cả mực câu được trong đêm về tàu.

“Mỗi thúng và ngư dân đều có định vị và một bộ đàm liên lạc với tàu. Anh em ngư dân câu mực nguyên đêm vậy, trôi ở đâu tàu cũng tìm thấy vì có định vị. Nhiều khi nguy hiểm không lường được, nhất là gặp lốc xoáy. Ban ngày thì còn chạy tránh được chứ lốc xoáy ban đêm thì khó tránh”, anh Minh buồn bã.

Làng chài trắng đêm chờ tin cứu nạn các ngư dân mất tích ảnh 3

Gần 20 năm làm nghề câu mực, với anh Đinh Văn Minh, lốc xoáy là một trong những nguy hiểm khó phòng, tránh của ngư dân khi đánh bắt trên biển.

Theo kinh nghiệm của nhiều ngư dân đánh bắt hải sản trên biển, lốc xoáy là một trong những mối nguy hiểm đối với tàu thuyền đánh bắt khơi xa. Vào mùa biển động, khi có áp thấp, dự báo bão thì vùng biển thường xuất hiện lốc xoáy. Chỉ xảy ra trong thời gian 5-7 phút nhưng lốc xoáy gây nguy hiểm cho ngư dân, tàu thuyền đang hoạt động trên biển.

Ông Nguyễn Tấn Trị, ở xã Tam Giang, huyện Núi Thành có 17 năm làm nghề câu mực đêm ở vùng biển Trường Sa. Mỗi năm, các tàu hành nghề câu mực có 2-3 chuyến ra khơi, mỗi chuyến đánh bắt thường kéo dài 3-4 tháng.

Các ngư dân và chủ tàu thuyền phối hợp cùng chung phiên biển. Ở trên thúng lênh đênh giữa biển câu mực từ chiều hôm trước đến sáng hôm sau, tàu chạy vòng quanh đón ngư dân về tàu.

Làng chài trắng đêm chờ tin cứu nạn các ngư dân mất tích ảnh 4

Bà con làng chài trắng đêm cùng gia đình ngư dân mong chờ tin ngư dân.

Sau một đêm, mỗi ngư dân thường câu được từ 7-9kg mực tươi, tương đương 2-3kg mực khô thành phẩm. Lênh đênh chuyến xa khơi nhiều tháng trên biển, mỗi chuyến tàu ngư dân câu được từ 5-6 tạ mực khô.

“Đi chung với chủ tàu nên chia tổn phí. Tiền tổn phí dầu mỡ, ăn uống và nhiều chi phí sinh hoạt trên biển, thường chiếm ½. Sau khi trừ xong hết thì còn lại mình hưởng. Nghề này cực lắm, thức đêm câu mực cay mắt, rồi nhiều nguy hiểm khác nữa”, ông Trị thở dài.

Gắn bó bao đời với nghề biển, ngư dân làng chài vùng biển tỉnh Quảng Nam đi về trên những chuyến khơi xa mưu sinh lo cho cuộc sống gia đình, đối diện với hiểm nguy, rủi ro giữa biển khơi mênh mông. Niềm hy vọng từ sự nỗ lực của lực lượng cứu nạn và phép màu trên biển sẽ giảm bớt nỗi đau cho những ngư dân cả đời sống giữa biển khơi.