Ngay từ đầu tháng 4, quận Tây Hồ đã tổ chức chuỗi hoạt động kỷ niệm Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam với mục đích lan tỏa, phát triển văn hóa đọc, xây dựng thói quen đọc sách và nền tảng tri thức vững bền cho người dân. Tất cả các trường học trên địa bàn quận đều đăng ký tổ chức các hoạt động sôi nổi nhằm thu hút học sinh đến với niềm đam mê đọc sách báo. Các cộng đồng dân cư có phòng đọc tổ dân phố cũng nhộn nhịp chuẩn bị các hoạt động chào mừng.
Trong đó, nội dung thi xây dựng video clip về phát triển văn hóa đọc tại trường đã được các em học sinh tích cực tham gia chuẩn bị với nhiều hình thức thể hiện phong phú. Qua đó, thể hiện sự sáng tạo, dẫn dắt người xem đến với các hoạt động qua nhiều hình thức đa dạng; giúp các em học sinh thấy tầm quan trọng của sách, tự hào về thư viện của trường học - nơi cung cấp tri thức cho các em.
Ngày Sách và Văn hóa đọc cấp quận thật sự là một ngày hội với hơn 1.000 học sinh đến từ cả ba cấp học trên địa bàn quận tham gia. Không gian của Trung tâm Văn hóa-Thông tin và thể thao quận Tây Hồ trở thành nơi các em thể hiện tài năng, tình yêu với sách, văn hóa đọc qua nhiều nội dung từ trưng bày gian hàng giới thiệu, xếp sách nghệ thuật...
Những thông điệp như: "Sách hay cần bạn đọc"; "Sách quý tặng bạn"; "Tặng sách hay - mua sách thật"; "Sách hay: Mắt đọc - tai nghe", Ngày Sách và Văn hóa đọc quận Tây Hồ đã lan tỏa nét đẹp văn hóa đọc đến cộng đồng, nhất là các em học sinh. Dịp này, quận Tây Hồ trao giải thưởng cuộc thi vẽ với chủ đề "Tây Hồ quê hương em".
Các hoạt động lan tỏa tình yêu với sách, tôn vinh văn hóa đọc cũng diễn ra sôi nổi ở nhiều quận, huyện khác. Các quận Hoàng Mai, Thanh Xuân... tập trung tổ chức Ngày hội Sách và Văn hóa đọc ở trong trường học, gắn việc giới thiệu văn hóa đọc với giới thiệu nét đẹp về Thủ đô văn hiến, về tinh thần học tập suốt đời. Quận Hoàn Kiếm tổ chức chuỗi sự kiện "Ươm mầm tri thức - Kiến tạo tương lai" tại Phố Sách Hà Nội (phố 19/12) với chuỗi hoạt động phong phú, đa dạng, góp phần khẳng định Phố Sách là thương hiệu của tri thức và văn hóa.
Một trong những địa phương tổ chức hoạt động chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc quy mô nhất là huyện Đan Phượng. Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Đan Phượng phối hợp Phòng Giáo dục và Đào tạo, Xứ Đoài Thi quán tổ chức chuyên đề "Sách: Nhận thức - đổi mới - sáng tạo".
Chương trình được tổ chức với các hoạt động như nói chuyện chuyên đề, giao lưu với chủ đề văn hóa đọc sách, tuyên truyền giới thiệu sách, các hoạt động ngoại khóa... nhằm mang đến cho các em một không khí mới trong văn hóa đọc, một không gian sách với các hoạt động văn hóa vui tươi, bổ ích cho tất cả bạn đọc và những ai yêu quý sách. Thông qua đó khuyến khích các em học sinh khám phá niềm đam mê đọc sách, hướng tới một xã hội học tập, một nét đẹp trong đời sống xã hội.
Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Đan Phượng Bùi Thị Quyên khẳng định: "Trong đời sống tinh thần của mỗi chúng ta, sách đóng vai trò rất quan trọng. Do đó, ngành văn hóa và ngành giáo dục huyện Đan Phượng đã xây dựng và triển khai nhiều chương trình, kế hoạch thực hiện có hiệu quả phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng. Qua đó, hệ thống thư viện trên địa bàn huyện từng bước được đầu tư xây dựng và phát triển rộng khắp, cơ bản đáp ứng được nhu cầu đọc sách của người dân. Đến nay, Đan Phượng có một thư viện huyện, 16 tủ sách cơ sở xã, thị trấn, 40 thư viện trường học và 16 thư viện cộng đồng với hàng nghìn bản sách, đầu tài liệu, báo, tạp chí để phục vụ nhu cầu đọc của người dân".
Chuyên đề "Sách: Nhận thức - đổi mới - sáng tạo" còn là nơi tôn vinh những em học sinh có nhiều sáng tạo trong làm review với chủ đề "Cuốn sách tôi yêu" được tổ chức từ trước đó. Bên cạnh đó, bạn đọc và các em thiếu nhi còn được tham quan, trải nghiệm nhiều hoạt động như: Giới thiệu sách kèm hoạt cảnh minh họa, sổ tay bạn đọc đúc kết sách, tham gia các trò chơi trí tuệ...
Ngày Sách và Văn hóa đọc 2024 không còn là một ngày kỷ niệm đơn thuần, các hoạt động tôn vinh sách và văn hóa đọc được ngành văn hóa, ngành giáo dục tổ chức suốt trong tháng 4. Điều đó giúp cộng đồng, nhất là các em học sinh có điều kiện thẩm thấu những giá trị của văn hóa đọc, từ đó, từng bước xây dựng Hà Nội xứng tầm một Thủ đô của văn hóa đọc.