Mỗi dịp lễ 23 tháng Chạp, người Hà Nội nói riêng và người Việt Nam nói chung có phong tục thả cá xuống sông, ao, hồ với quan niệm tiễn đưa cá chép và ông Táo về trời để báo cáo một năm đã qua và cầu nguyện những điều tốt đẹp tràn đầy hy vọng trong năm mới.
Tuy nhiên, không ít người dân khi thả cá và đồ cúng xuống nước thường thả cùng với túi nilon. Bên cạnh đó, hình ảnh người dân với lý do vội công việc, ném túi tro vàng trừ trên cầu xuống sông gây nên lớp bụi mù mịt trong không khí, làm đục dòng nước hay tình trạng túi đựng bị bỏ lại vương vãi bên bờ sông, bờ hồ, gây mất cảnh quan đô thị và làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến vệ sinh môi trường.
Với mong muốn nâng cao ý thức của người dân về tác hại của rác thải nhựa trong ngày lễ Ông Công ông Táo, nhóm bạn trẻ của Keep Hanoi Clean đã tiến hành lắp đặt các biển hiệu thông báo và bao tải phân loại rác tại các điểm người dân thường xuyên lui tới để thả cá trên địa bàn thành phố. Hai bao tải phân loại rác thải nhựa và rác thải loại khác vừa giúp thu om một cách dễ dàng những chiếc túi nilon, tránh trường hợp chúng bị thả xuống nước và trôi đi xa hơn, lại vừa giúp nhân viên vệ sinh môi trường thuận tiện trong việc phân loại rác thải.
Sau thành công của 5 năm trước, Keep Hanoi Clean tiếp tục tổ chức chuỗi hoạt động cộng đồng ý nghĩa này với mục tiêu giảm thiểu rác thải nhựa thải ra sông và ao hồ ở Hà Nội, nâng cao ý thức của xã hội - đặc biệt là giới trẻ - về tác hại của rác thải nhựa tại cầu Thăng Long, cầu Vĩnh Tuy, cầu Đông Trù, cầu Chương Dương, Hồ Tây, hồ Trúc Bạch và bến Chương Dương Độ (Bến du lịch tàu trên sông Hồng).
Em Trần Quốc Hào (16 tuổi, Trường THPT Marie Curie) chia sẻ sự hứng khởi của bản thân khi được tham gia vào hoạt động cộng đồng ý nghĩa này, nhằm góp phần vào việc gìn giữ hình ảnh của một Thủ đô Hà Nội xanh sạch, văn minh và tươi đẹp, cũng với đó và lan tỏa rộng rãi ý thức bảo vệ môi trường tới mọi người. “Em hy vọng với chút công sức nhỏ bé của mình có thể truyền tải thông điệp về nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt thanh lịch mỗi dịp Tết đến Xuân về, góp phần xây dựng hình ảnh văn minh của người Hà Nội”, em Hào tâm sự.
Bạn Trần Bảo Khánh (19 tuổi, Trường Đại học Anh Quốc Việt Nam) cho biết, phân loại rác đúng còn góp phần tiết kiệm tài nguyên, giảm chi phí cho công tác thu gom và xử lý rác thải nhựa, túi nilon. “Công tác bảo vệ môi trường có hiệu quả hay không, không chỉ nhờ vào các hoạt động tuyên truyền của các hội, nhóm, câu lạc bộ, mà còn xuất phát từ chính ý thức tự giác và sự hợp tác của người dân”, bạn sinh viên trẻ chia sẻ.
Anh Nguyễn Quang Hưng (40 tuổi, Cầu Giấy) đánh giá cao hoạt động cộng đồng ý nghĩa của nhóm tình nguyện viên trẻ Keep Hanoi Clean, điều này cho thấy sự quan tâm và ý thức trách nhiệm ngày càng lớn của giới trẻ đối với môi trường sống xung quanh bằng nhiều việc làm thiết thực.
Hoạt động nhận được sự đồng hành của Sở Giao thông vận tải Hà Nội, Ban duy tu và bảo dưỡng các công trình giao thông, Hội phụ nữ phường Chương Dương và nhiều tổ chức khác.
Trong tâm thức người Việt, “cá chép hóa rồng” biểu tượng cho tinh thần vượt khó, sự kiên trì, bền chí, vươn lên và chinh phục gian khó để đi tới thành công. Phóng sinh cá chép ngày 23 tháng Chạp là một nét đẹp văn hóa lâu đời thể hiện tấm lòng từ bi người Việt.