Lan tỏa nét đẹp văn hóa gia đình

Khi có nhiều gia đình văn hóa, thành phố Hà Nội sẽ có nhiều thôn, làng, tổ dân phố Văn hóa; tiến tới sẽ có một xã hội văn minh. Với định hướng xây dựng nếp sống văn hóa người Hà Nội từ hạt nhân gia đình, thành phố luôn quan tâm đến xây dựng gia đình văn hóa. Trong đó, việc kịp thời biểu dương những gia đình văn hóa tiêu biểu là một trong những biện pháp động viên kịp thời, lan tỏa những nét đẹp văn hóa gia đình đến cộng đồng.
0:00 / 0:00
0:00
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong và Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà trao tặng danh hiệu Gia đình Văn hóa Thủ đô tiêu biểu cho các gia đình có nhiều thành tựu trong xây dựng gia đình văn hóa.
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong và Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà trao tặng danh hiệu Gia đình Văn hóa Thủ đô tiêu biểu cho các gia đình có nhiều thành tựu trong xây dựng gia đình văn hóa.

Xây dựng gia đình văn hóa, thôn, làng, tổ dân phố văn hóa là những trụ cột của phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa nói riêng và là nhiệm vụ hàng đầu trong Chương trình số 06 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh” nói chung.

Triển khai trên thực tế những nhiệm vụ này, thành phố vừa phải giữ gìn phát huy truyền thống tốt đẹp các giá trị của ngàn năm văn hiến trong gia đình, vừa chắt lọc, tích hợp những giá trị của thời đại mới, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của nhiệm vụ cách mạng mới, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Báo cáo tại Hội nghị tuyên dương Gia đình văn hóa Thủ đô tiêu biểu năm 2024 do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức ngày 25/10, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng cho biết: “Với vai trò là cơ quan thường trực về công tác gia đình, Sở Văn hóa và Thể thao đã tập trung triển khai những nội dung chính như: Xây dựng gia đình văn hóa; thực hiện phòng, chống bạo lực gia đình; thu thập lưu trữ thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu về gia đình; tuyên truyền, giáo dục các giá trị đạo đức, lối sống; triển khai bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình…; đặc biệt, xác định xây dựng Gia đình Văn hóa là nội dung tiền đề quan trọng để xây dựng những mẫu hình văn hóa, gắn kết chặt chẽ trong triển khai phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở”, Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

Thành quả đáng ghi nhận là thời gian qua, 100% các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể xã hội từ cấp thành phố đến cơ sở đã triển khai hiệu quả công tác gia đình thông qua nhiều hoạt động phong phú, thiết thực. Đã có 1.758.788 trong tổng số 2.009.986 hộ gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu Gia đình văn hóa, đạt tỷ lệ 88%.

Không chỉ nằm ở những con số, việc phát huy nền tảng văn hóa gia đình truyền thống, tiếp nhận những giá trị văn hóa của thời đại vào mỗi gia đình còn được thể hiện sinh động trong cuộc sống.

Thực tế cuộc sống đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình tiên tiến của các gia đình xây dựng nền nếp ông bà cha mẹ gương mẫu, con cháu hiếu thảo, anh chị em đoàn kết, đồng thuận.

Không ít gia đình ấy có nhiều đóng góp cho xã hội trên các lĩnh vực: giáo dục, giữ gìn văn hóa truyền thống, tham gia công tác từ thiện-nhân đạo…

Nhiều gia đình khi bước vào thời đại 4.0 vẫn giữ mô hình gia đình “tứ đại đồng đường” hay “tam đại đồng đường” hòa thuận, hạnh phúc.

Điển hình như câu chuyện về gia đình bà Đỗ Thị Phượng ở thôn Châu Phong, xã Liên Hà, huyện Đông Anh - một gia đình có bốn thế hệ cùng chung sống hạnh phúc dưới một mái nhà cổ trăm năm tuổi. Với truyền thống Cách mạng của gia đình, nối tiếp thế hệ đi trước, bà Phượng đã dày công giáo dục con cháu về đạo đức, lối sống, giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp. Gia đình bà là minh chứng sinh động cho việc gìn giữ nền nếp gia phong trong thời đại mới.

Lan tỏa nét đẹp văn hóa gia đình ảnh 2

Bà Đỗ Thị Phượng (trái) ở thôn Châu Phong (xã Liên Hà, huyện Đông Anh) chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng Gia đình Văn hóa của mình.

Hay như trường hợp gia đình bà Đào Thị Hoa thuộc Tổ dân phố số 1, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, dù chồng là thương binh nặng, việc chăm sóc chồng vất vả, nhất là khi trái gió, trở trời. Nhưng vợ chồng bà Hoa đã nuôi dạy con cái thành đạt, cả hai ông bà đều tích cực tham gia công tác xã hội, công tác từ thiện, nhân đạo. Để khắc phục hậu quả bão số 3 (Yagi) vừa qua, gia đình bà đã ủng hộ gần 70 triệu đồng vào các quỹ khác nhau. Nêu gương ông bà, các con, cháu ông bà Đào Thị Hoa cũng tích cực tham gia công tác từ thiện. Gia đình bà giữ vững danh hiệu Gia đình Văn hóa nhiều năm liền, được nhân dân địa phương kính mến, tin yêu.

Trong dịp này, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã tuyên dương và trao tặng danh hiệu Gia đình văn hóa Thủ đô tiêu biểu năm 2024 cho 87 gia đình. Mỗi gia đình là một câu chuyện đẹp, một tấm gương sáng về xây dựng gia đình hạnh phúc, góp phần tích cực vào sự phát triển chung của Thủ đô.

Nhân dịp này, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng kêu gọi các gia đình tiếp tục phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, nhân ái, hiếu nghĩa của dân tộc và của Thăng Long nghìn năm văn hiến; tiếp tục phát huy mạnh mẽ truyền thống cách mạng, anh hùng, hữu nghị, sáng tạo, ý chí tự lực tự cường và khát vọng vươn lên, góp phần xây dựng Thủ đô “văn hiến - văn minh - hiện đại”.