Lan tỏa mô hình con nuôi công an xã ở Hà Giang

NDO - Tại trụ sở Công an xã Niêm Sơn, huyện Mèo Vạc, Hà Giang, có một thành viên nhỏ tuổi cùng ăn, cùng ở với 5 chiến sĩ công an chính quy. Đó là cậu bé Ly Mí Hồng, người dân tộc H'Mông, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, được công an xã nhận về nuôi từ năm 2021.
0:00 / 0:00
0:00
Thượng úy La Tuấn Anh, Công an xã Niêm Sơn, huyện Mèo Vạc tranh thủ dạy cháu Ly Mí Hồng học bài.
Thượng úy La Tuấn Anh, Công an xã Niêm Sơn, huyện Mèo Vạc tranh thủ dạy cháu Ly Mí Hồng học bài.

Ly Mí Hồng, sinh năm 2007, nhà ở thôn Niêm Đồng, xã Niêm Sơn, huyện Mèo Vạc có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Bố mất sớm, mẹ bỏ đi nên anh, chị em Hồng đến ở cùng ông, bà nội. Do ông, bà già yếu nên anh, chị em Hồng phải tự kiếm sống, chăm sóc nhau.

Mấy năm gần đây, các anh, chị của Hồng lần lượt đi lấy vợ, lấy chồng, ai cũng có gia đình riêng và hoàn cảnh cũng khó khăn nên không có thời gian chăm sóc em. Dù tuổi còn nhỏ, nhưng Hồng phải tự bươn chải kiếm sống. Hằng ngày, em xuống chợ phiên của xã, chợ huyện để làm thuê để đổi lấy thức ăn, nhưng bữa no bữa đói.

Qua rà soát, Công an xã Niêm Sơn nắm được hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của Ly Mí Hồng và xin ý kiến cấp trên, làm thủ tục đón Hồng về nuôi dưỡng. Khi mới đón về, cậu bé thiếu ăn, còi cọc, nhỏ bé hơn so tuổi.

Trở thành “con nuôi công an xã”, Ly Mí Hồng được cán bộ công an xã chăm sóc, dạy bảo tận tình, chu đáo.

Trung tá Vùi Ngọc Chiến, Trưởng Công an xã Niêm Sơn kể lại: “Để bù đắp sự thiếu hụt về tình thương của gia đình, cháu được cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị chăm chút, dạy dỗ từ việc học hành đến cách cư xử, giao tiếp, kỹ năng sống hằng ngày. Hồng cũng tiếp tục được đến trường, vào học lớp 6 tại Trường phổ thông dân tộc bán trú xã Niêm Sơn.

Sau thời gian sống cùng các chiến sĩ công an, Ly Mí Hồng đã có nhiều tiến bộ. Không chỉ thay đổi trong nhận thức, tự lực, hòa nhập trong cuộc sống mà các em còn đạt được kết quả học tập tốt.

Thầy Đinh Công Nguyên, giáo viên chủ nhiệm của Ly Mí Hồng cho biết: “Dưới sự đùm bọc, kèm cặp của công an xã, Hồng đã có những tiến bộ lớn trong rèn luyện, học tập”.

Từ mô hình “con nuôi công an xã” tại Niêm Sơn, Công an tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo công an các huyện, thành phố rà soát và nhân rộng mô hình “con nuôi công an xã” nhằm mục đích nuôi dưỡng, cảm hóa, tạo điều kiện cho trẻ mồ côi vươn lên trong cuộc sống.

Lan tỏa mô hình con nuôi công an xã ở Hà Giang ảnh 1

Cháu Vù Thị Sinh hái rau xanh cùng cán bộ Công an xã Nghĩa Thuận, huyện Quản Bạ.

Ngày cuối tuần, cháu Vù Thị Sinh, thôn Xín Cái, xã Nghĩa Thuận được các ba nuôi đón ra trụ sở Công an xã Nghĩa Thuận chơi. Được các “ba nuôi” đưa đi chợ phiên để mua quần áo, bánh kẹo và một số vật dụng cần thiết trong sinh hoạt, rồi cùng lên nương hái rau chuẩn bị bữa cơm trưa. Vù Thị Sinh vẫn rụt rè, ít nói nhưng trên khuôn mặt không giấu nổi niềm vui khi nhận được sự quan tâm, chăm sóc từ cán bộ công an xã.

Thiếu tá Vàng Đình Thánh, Trưởng Công an xã Nghĩa Thuận, cho biết: “Qua rà soát, cháu Vù Thị Sinh có hoàn cảnh khó khăn khi không có bố, mẹ mất sớm, công an xã đã xin phép lãnh đạo để nhận đỡ đầu cháu Hồng. Do trụ sở công an xã mượn nhà bưu điện văn hóa xã, diện tích nhỏ hẹp nên chúng tôi không có điều kiện chăm sóc tại trụ sở mà đỡ đầu thông qua các hoạt động hỗ trợ vật chất, động viên tinh thần, cùng phối hợp nhà trường theo dõi, kèm cặp trong cuộc sống, học tập”.

Thượng tá Mai Trọng Vĩnh, Phó Phòng công tác Đảng và công tác Chính trị, Công an tỉnh Hà Giang cho biết: Việc rà soát, nhận nuôi, nhận đỡ đầu trẻ mồ côi của lực lượng công an xã đã thể hiện được tính nhân văn và tinh thần “lúc dân cần, lúc dân khó có công an” của lực lượng công an xã chính quy. Mô hình này còn mở ra cơ hội cho trẻ mồ côi được chăm sóc, nuôi dạy, vươn lên trong cuộc sống, qua đó hạn chế tình trạng trẻ em lang thang vi phạm pháp luật, nảy sinh những vấn đề phức tạp trong xã hội.

Bên cạnh đó, qua mô hình này cũng giúp cho cộng đồng, xã hội nâng cao nhận thức về trách nhiệm trong việc quan tâm, chăm sóc trẻ em mồ côi, không nơi nương tựa.

Mô hình “con nuôi công an xã” tại Hà Giang được hình thành tự phát từ thực tiễn công tác nắm địa bàn của lực lượng công an xã chính quy, do đó khi nhân rộng mô hình cũng có những khó khăn.

Hiện nay, hầu hết trụ sở công an xã tại Hà Giang chưa được đầu tư xây dựng, nơi làm việc được chính quyền địa phương bố trí tại trụ sở xã nên diện tích nhỏ hẹp.

Thiếu tá Vàng Đình Thánh, Trưởng Công an xã Nghĩa Thuận, cho biết: “Công an xã muốn đưa cháu Vù Thị Sinh về trụ sở để có điều kiện trực tiếp chăm lo, dạy dỗ từ việc học hành, giao tiếp, kỹ năng sống hằng ngày. Nhưng do trụ sở cơ quan chưa được đầu tư xây dựng nên việc đó vẫn chưa thực hiện. Do đó, mong muốn của chúng tôi là sớm được đầu tư xây dựng trụ sở mới để đưa trẻ mồ côi về nuôi dưỡng. Khi được ăn, ở, sinh hoạt cùng công an xã chắc chắn các cháu sẽ tiến bộ hơn trong học tập và rèn luyện”.

Hiện tại, đa số trẻ được nhận nuôi, đỡ đầu đều đang là học tiểu học, trung học cơ sở tại địa phương, nhưng một vài năm tới, các cháu sẽ lên bậc học trung học phổ thông, phải lên trung tâm các huyện, thành phố học tập. Do đó, Công an tỉnh Hà Giang cần sớm có hướng dẫn, định hướng cụ thể đối với mô hình “con nuôi công an xã”, nhất là phạm vi hỗ trợ, định hướng nghề nghiệp khi các cháu trưởng thành.

Việc nuôi dạy, hỗ trợ trẻ mô côi, ngoài nguồn kinh phí do cán bộ công an xã trích một phần tiền lương thì để mô hình được duy trì lâu dài cần có sự chung tay, ủng hộ của cộng đồng. Do đó, lực lượng công an xã cũng cần có hướng dẫn cụ thể trong việc huy động nguồn lực xã hội, cũng như việc quản lý, sử dụng kinh phí được hỗ trợ.