Lan tỏa mô hình “Chiến sĩ đỏ tình nguyện”

Mô hình dân vận khéo “Chiến sĩ đỏ tình nguyện” của Công an huyện Krông Nô (tỉnh Đắk Nông) mới ra đời được gần ba tháng nhưng đã có sức lan tỏa sâu rộng, kịp thời cứu sống được nhiều bệnh nhân nguy kịch, cần nhóm máu hiếm. Từ 77 thành viên ban đầu trong lực lượng công an, đến nay đã phát triển lên 200 thành viên, với sự tham gia của đông đảo công chức, viên chức và nhân dân trên địa bàn.
0:00 / 0:00
0:00
Đại úy Đinh Văn Giáp trong một lần hiến tiểu cầu cấp cứu bệnh nhân.
Đại úy Đinh Văn Giáp trong một lần hiến tiểu cầu cấp cứu bệnh nhân.

Ngày 25/6 vừa qua, bệnh nhân Trịnh Đình Sỹ, sinh năm 1954, thường trú tại thị trấn Liên Sơn (huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk) bị tai biến nhập viện tại Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên trong tình trạng tiểu cầu giảm trầm trọng, rất cần tiểu cầu B để cấp cứu. Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, Đại úy Đinh Văn Giáp, cán bộ Công an xã Đắk Drô, thành viên mô hình dân vận khéo “Chiến sĩ đỏ tình nguyện” đã chủ động liên hệ đăng ký, kịp thời đến bệnh viện và tiến hành hiến hai đơn vị tiểu cầu giúp ông Sỹ qua cơn nguy kịch.

Ngay sau khi ông Sỹ bình phục, anh Trịnh Đình Thành, con trai của ông Sỹ thay mặt gia đình viết thư cảm ơn gửi lãnh đạo Công an huyện Krông Nô bày tỏ sự cảm phục trước nghĩa cử cao đẹp và lòng nhân ái của Đại úy Đinh Văn Giáp. “Không quản ngại khó khăn, đường sá xa xôi, anh Đinh Văn Giáp đã tự nguyện đến bệnh viện hiến liên tiếp hai đơn vị tiểu cầu, kịp thời giúp bố tôi vượt qua cơn nguy kịch. Tôi và gia đình rất cảm kích trước tình cảm, nghĩa cử cao đẹp của anh Giáp và lực lượng Công an huyện Krông Nô. Mong các anh, các chị có thêm thật nhiều sức khỏe để bảo vệ sự bình yên cho nhân dân”, anh Thành chia sẻ trong thư.

Trước đó, vào ngày 19/5, sản phụ Phan Thị Tuyết Minh, sinh năm 1984, thường trú tại xã Hòa Thắng (thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) đang cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên trong tình trạng bị băng huyết và hôn mê, rất cần tiểu cầu B, nếu không kịp thời truyền tiểu cầu sẽ dẫn đến tử vong. Sau khi tiếp nhận thông tin, Đại úy Đinh Văn Giáp cũng đã lập tức đến bệnh viện hoàn thiện các thủ tục kiểm tra và tiến hành hiến tiểu cầu.

Mặc dù đã hiến một đơn vị tiểu cầu nhưng bệnh nhân vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi, phải cần thêm đơn vị tiểu cầu thứ hai. Không do dự, Đại úy Đinh Văn Giáp tiếp tục hiến thêm, nhờ vậy sản phụ vượt qua cơn nguy kịch và tỉnh lại sau đó. Cảm kích trước nghĩa cử cao đẹp của Đại úy Đinh Văn Giáp, gia đình chị Phan Thị Tuyết Minh đã viết thư cảm ơn và chia sẻ, lan tỏa việc làm ý nghĩa, nhân văn và giàu lòng nhân ái của Đại úy Giáp lên mạng xã hội, được cộng đồng mạng đánh giá cao.

Đại úy Đinh Văn Giáp cho biết, việc tham gia hiến máu, hiến tiểu cầu giúp đỡ những trường hợp khó khăn, cứu người trong cơn nguy kịch làm cho anh thấy cuộc sống có ý nghĩa, có ích hơn cho cộng đồng và xã hội. Cũng theo Đại úy Giáp, hiến máu, hiến tiểu cầu cứu người cũng là một phần trong nhiệm vụ bảo vệ nhân dân. Vì vậy, ngoài tích cực trong việc hiến máu, anh còn “truyền lửa” cho đồng đội, bạn bè, người thân, từ đó đã lan tỏa rộng khắp phong trào “Chiến sĩ đỏ tình nguyện” trên địa bàn.

Thượng tá Trần Thanh Tuấn, Trưởng Công an huyện Krông Nô cho biết, Đại úy Đinh Văn Giáp là thành viên tích cực, có năng lực, nhiệt tình trong các mặt công tác và hoạt động phong trào, nhất là trong mô hình dân vận khéo “Chiến sĩ đỏ tình nguyện”. Mục tiêu trong thời gian tới sẽ thu hút thêm nhiều thành viên tham gia và xây dựng thành một mô hình rộng khắp, có sức lan tỏa, trở thành một “ngân hàng máu di động” sẵn sàng tham gia mọi lúc, mọi nơi, mọi hoàn cảnh, góp phần cứu sống người bệnh, thể hiện tinh thần tương thân tương ái, sẵn sàng giúp đỡ nhân dân, vì nhân dân phục vụ.