Lần đầu trình Quốc hội ban hành cơ chế, chính sách đặc thù cho 1 đơn vị cấp huyện

NDO - Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội nhất trí chủ trương ban hành Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù cho thành phố Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk), khi đây là lần đầu tiên Chính phủ trình Quốc hội ban hành cơ chế, chính sách đặc thù cho 1 đơn vị cấp huyện, cho thấy vai trò đặc biệt quan trọng của thành phố này đối với phát triển kinh tế-xã hội, ổn định quốc phòng, an ninh trên địa bàn Tây Nguyên.
0:00 / 0:00
0:00
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột. (Ảnh: DUY LINH)
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột. (Ảnh: DUY LINH)

Phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển Buôn Ma Thuột nhanh và bền vững

Chiều 20/10, trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, việc xây dựng Nghị quyết này là cần thiết, vì Buôn Ma Thuột có vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên, kết nối các trung tâm phát triển vùng Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ và tam giác phát triển Lào-Việt Nam-Campuchia.

Thành phố Buôn Ma Thuột là đô thị loại I mang những đặc trưng cơ bản của 1 đô thị trung tâm đa chức năng, có sức lan tỏa về kinh tế, văn hóa và có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh của vùng Tây Nguyên và cả nước.

Đây là vùng cao nguyên quy tụ 40 dân tộc với nền văn hóa đặc sắc của những lễ hội truyền thống, những bản trường ca hào hùng và một không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là kiệt tác di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư cũng chỉ rõ, dù đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, thành phố Buôn Ma Thuột phát triển kinh tế chưa tương xứng với vị trí, tiềm năng, lợi thế, thiếu sự kết nối trong phát triển giữa các ngành theo chuỗi giá trị và ứng dụng công nghệ cao, kết cấu hạ tầng còn thiếu đồng bộ, huy động nguồn vốn đầu tư cho phát triển kinh tế-xã hội chưa đạt yêu cầu đề ra. Thành phố chưa thực sự đóng vai trò là đô thị trung tâm của vùng Tây Nguyên, chưa trở thành cực tăng trưởng có tác động lan tỏa tới các tỉnh trong vùng.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, việc xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù cho thành phố Buôn Ma Thuột nhằm cụ thể hóa chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Kết luận số 67-KL/TW ngày 16/12/2019, phát huy các tiềm năng, lợi thế để phát triển thành phố Buôn Ma Thuột nhanh và bền vững, phấn đấu thực hiện mục tiêu của Bộ Chính trị đã đề ra.

Khác với các địa phương đã được Quốc hội ban hành Nghị quyết riêng thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù trước đây là áp dụng cho địa bàn cấp tỉnh, tại Kết luận số 67-KL/TW, Bộ Chính trị giao Chính phủ lập Đề án một số cơ chế, chính sách đặc thù báo cáo Quốc hội đối với thành phố Buôn Ma Thuột là đơn vị hành chính cấp huyện của tỉnh Đắk Lắk và phải bảo đảm thống nhất, tương quan, tương đồng với các thành phố khác trong cả nước.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, hiện nay Quốc hội chưa ban hành Nghị quyết về chính sách đặc thù áp dụng cho đơn vị hành chính cấp huyện trong cả nước. Do đó, để cụ thể hóa chủ trương của Bộ Chính trị, dự thảo Nghị quyết được xây dựng theo hướng áp dụng các chính sách đặc thù đã được Quốc hội cho phép áp dụng với các địa phương vừa qua như Hải Phòng, Cần Thơ, Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa đối với tỉnh Đắk Lắk, nhưng phạm vi áp dụng các chính sách này sẽ chỉ thực hiện trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột.

Làm rõ yếu tố đặc thù để khai thác, phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế của Buôn Ma Thuột

Trình bày Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường thông tin, đa số ý kiến nhất trí chủ trương ban hành Nghị quyết nhằm góp phần phát triển thành phố Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên.

Lần đầu trình Quốc hội ban hành cơ chế, chính sách đặc thù cho 1 đơn vị cấp huyện ảnh 1

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường trình bày báo cáo chiều 20/10. (Ảnh: DUY LINH)

Việc ban hành cơ chế đặc thù sẽ góp phần tạo tiền đề thu hút đầu tư, nâng cao đời sống nhân dân, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số, đồng thời bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, giữ vững quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhận thấy, đây là trường hợp đặc biệt khi lần đầu trình Quốc hội ban hành cơ chế, chính sách đặc thù cho 1 đơn vị cấp huyện. Điều này cho thấy vai trò đặc biệt quan trọng của thành phố Buôn Ma Thuột đối với phát triển kinh tế-xã hội, ổn định quốc phòng, an ninh trên địa bàn Tây Nguyên.

Tuy nhiên có ý kiến đề nghị cân nhắc việc ban hành Nghị quyết đặc thù đối với Buôn Ma Thuột vì việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về chính sách đặc thù cho 1 thành phố trực thuộc tỉnh là điểm mới. Nếu chỉ áp dụng chính sách ưu tiên cho doanh nghiệp, người lao động tại thành phố Buôn Ma Thuột thì chưa bình đẳng giữa các đối tượng trong cùng tỉnh Đắk Lắk, ảnh hưởng đến chính sách khuyến khích đến với địa bàn khó khăn khi mà nơi có điều kiện thuận lợi lại được ưu đãi hơn.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội đề nghị sau khi được Quốc hội thông qua, Chính phủ cần tiếp tục nghiên cứu một số cơ chế đặc thù phù hợp, tạo động lực phát triển vùng Tây Nguyên, trong đó lưu ý đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển công nghiệp chế biến, năng lượng sạch, phát triển chuỗi giá trị sản phẩm đối với một số cây trồng đặc thù, ưu đãi đầu tư phát triển du lịch, dịch vụ theo hướng xanh, sinh thái, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc...

Dự thảo Nghị quyết giao nhiệm vụ cho các cơ quan thuộc Quốc hội, Chính phủ trong việc tổ chức thực hiện, sơ kết, tổng kết và giám sát việc thực hiện Nghị quyết và quy định hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2023 và thời gian thực hiện Nghị quyết trong 5 năm.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cũng nhấn mạnh quan điểm, mục tiêu ban hành Nghị quyết, trong đó các chính sách phải góp phần phát huy tiềm năng, thế mạnh đặc thù, tạo bước đột phát trong tăng trưởng, bảo đảm tính lan tỏa vùng miền, tạo tiền đề phát triển không chỉ đối với thành phố Buôn Ma Thuột mà cần tác động sâu rộng đối với cả khu vực Tây Nguyên, đồng thời bảo đảm tính khả thi, hiệu quả thực chất.

Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhất trí với quy định: Tỉnh Đắk Lắk được vay không vượt quá 40% số thu ngân sách; phần dư nợ tăng thêm được dành để đầu tư các dự án trên địa bàn; Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Lắk phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi phù hợp để thành phố Buôn Ma Thuột được hưởng và sử dụng toàn bộ phần dư nợ vay tăng thêm.

Theo quy định trên, nếu được áp dụng chính sách này, trần mức vay sẽ tăng thêm khoảng 1.300 tỷ đồng, góp phần thực hiện mục tiêu “huy động tối đa mọi nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng” theo Kết luận 67. Tuy nhiên, Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị việc huy động phải bảo đảm nguyên tắc phù hợp với khả năng huy động, trả nợ và bố trí vốn đối ứng của ngân sách địa phương và phù hợp với khả năng hấp thụ, trên nhu cầu thực sự cần thiết và năng lực tổ chức thực hiện.

Ngoài ra, Ủy ban Tài chính, Ngân sách cũng nhất trí với quy định phân bổ thêm 45% theo tỷ lệ phần trăm định mức chi thường xuyên như dự thảo Nghị quyết quy định: Tỉnh Đắk Lắk được phân bổ thêm 45% theo tỷ lệ phần trăm định mức chi thường xuyên; số chi tăng thêm được bố trí chi cho các nhiệm vụ chi của thành phố Buôn Ma Thuột.

Bên cạnh đó, đa số ý kiến cho rằng, việc có chính sách khuyến khích sản xuất, chế biến cà phê là cần thiết và phù hợp với đặc thù Buôn Ma Thuột. Tuy nhiên, quy định như dự thảo Nghị quyết là chưa chặt chẽ vì nội hàm đối tượng ưu đãi là “Dự án đầu tư sản xuất, chế biến cà-phê trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột được hưởng các ưu đãi” chưa được xác định rõ ràng. Đây là các dự án trồng cà-phê và chế biến cà-phê có được trên địa bàn Buôn Ma Thuột hay có thể mang cà-phê từ địa phương khác đến để chế biến và hưởng ưu đãi?

Hơn nữa, mức thuế suất ưu đãi, thời gian ưu đãi cao nhất cần được cân nhắc để bảo đảm tương quan với các địa phương khác theo đúng tinh thần Kết luận 67 của Bộ Chính trị…