Lần đầu tổ chức đối thoại dành riêng cho sinh viên Việt Nam toàn cầu

NDO - Ngày 23/5, tại Thủ đô Hà Nội, Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam tổ chức Chương trình đối thoại với hội viên, sinh viên Việt Nam trong và ngoài nước nhằm lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, giải đáp thắc mắc, tiếp thu những đề xuất, kiến nghị, hiến kế của hội viên, sinh viên Việt Nam toàn cầu.
0:00 / 0:00
0:00
Toàn cảnh chương trình đối thoại tại các điểm cầu.
Toàn cảnh chương trình đối thoại tại các điểm cầu.

Nội dung đối thoại xoay quanh Chương trình công tác Hội và phong trào sinh viên năm học 2022-2023, các hoạt động cao điểm chào mừng Đại hội Hội Sinh viên các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ XI, nhiệm kỳ 2023-2028.

Chương trình được truyền hình trực tiếp trên Cổng Thông tin điện tử Trung ương Đoàn và fanpage Facebook của Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam. Đáng chú ý, trong quá trình diễn ra đối thoại, hội viên, sinh viên có thể đặt câu hỏi trực tiếp tại địa chỉ doithoai.hoisinhvien.com.vn.

Theo thống kê của Ban tổ chức, ngay từ trước khi chương trình chính thức diễn ra, đã có gần 8.000 câu hỏi của hội viên, sinh viên trong và ngoài nước gửi tới Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam.

Xây dựng môi trường mạng “xanh”

Tại chương trình, các đồng chí Thường trực Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam đã lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, tiếp thu đề xuất, kiến nghị, hiến kế của cán bộ Hội, hội viên, sinh viên về phương hướng, giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Sinh viên Việt Nam, nhất là trong công tác tuyên truyền, định hướng khát vọng, lý tưởng sống cao đẹp cho sinh viên Việt Nam trong và ngoài nước; nắm bắt khó khăn, thử thách của sinh viên trong đời sống, học tập và những xu hướng nổi bật trong đời sống sinh viên hiện nay.

Bên cạnh đó, các đại biểu từ nhiều điểm cầu ở trong và ngoài nước đã trao đổi về những đóng góp của sinh viên đối với sự phát triển của đất nước, khát vọng được cống hiến cho Tổ quốc và những kỳ vọng đối với Hội Sinh viên trong nhiệm kỳ tới.

Từ điểm cầu thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội Sinh viên Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Thùy Dung đặt vấn đề về những tác động và phương pháp “lọc” thông tin tiêu cực từ mạng xã hội nhằm xây dựng môi trường mạng “xanh” với những điều tốt đẹp tới sinh viên thế hệ Z trong bối cảnh truyền thông đa phương tiện phát triển mạnh mẽ.

Giải đáp thắc mắc trên, Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt nam Nguyễn Minh Triết cho biết: Hội Sinh viên Việt Nam luôn mong mỏi trang bị cho sinh viên thật nhiều kiến thức về pháp luật, kỹ năng sàng lọc thông tin trên môi trường mạng.

Ở chiều ngược lại, sinh viên nói chung, sinh viên tiêu biểu và “Sinh viên 5 tốt” nói riêng cần chủ động tìm hiểu các quy định của pháp luật để có hành vi ứng xử, tiếp cận thông tin đúng pháp luật; tiếp nhận thông tin lành mạnh, có ích cho bản thân; tích cực lan tỏa những thông tin tốt, các câu chuyện đẹp từ góc độ chuyên môn, sở thích, nhu cầu chính đáng để chung tay cùng Hội Sinh viên Việt Nam các cấp tạo nên không gian mạng “xanh”.

Lần đầu tổ chức đối thoại dành riêng cho sinh viên Việt Nam toàn cầu ảnh 1

Đồng chí Nguyễn Minh Triết trả lời câu hỏi của đại biểu từ các điểm cầu.

Thu hút sinh viên tài năng, giải “bài toán” việc làm

Từ đầu cầu Thủ đô Hà Nội, sinh viên Hà Việt Hoàng, người từng giành ngôi đầu chương trình “Siêu trí tuệ Việt Nam” 2019, chia sẻ băn khoăn về công tác xây dựng môi trường để các bạn trẻ phát huy tài năng, sức sáng tạo, nuôi dưỡng ước mơ, bồi đắp khát vọng phát triển đất nước.

Lần đầu tổ chức đối thoại dành riêng cho sinh viên Việt Nam toàn cầu ảnh 2

"Siêu trí tuệ Việt Nam" 2019 Hà Việt Hoàng đặt vấn đề tại chương trình.

Liên quan vấn đề này, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Sinh viên Việt Nam Hồ Hồng Nguyên cho biết, Hội Sinh viên Việt Nam các cấp thời gian qua đã triển khai nhiều chương trình, giải thưởng cụ thể nhằm khích lệ, động viên, thu hút, tập hợp lực lượng sinh viên tài năng.

Những gương mặt nổi bật nêu trên chính là nguồn cảm hứng lan tỏa giá trị tích cực đến đến sinh viên cả nước qua nhiều phương thức khác nhau, trong đó có việc góp ý, hiến kế cho các phong trào, hoạt động của Hội Sinh viên Việt Nam từ trải nghiệm bản thân.

Đối với những câu hỏi về việc giải “bài toán” việc làm cho sinh viên gắn với trang bị kỹ năng chuyển đổi số, nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo cho cán bộ Hội, hội viên, sinh viên, đồng chí Hồ Hồng Nguyên nhấn mạnh tới việc tăng cường năng lực thu hút, sức hấp dẫn của Hội Sinh viên Việt Nam các cấp. Theo đó, cán bộ Hội phải là những hạt nhân đi đầu, không ngừng sáng tạo, mạnh dạn tạo nên những giá trị mới, tự trang bị kiến thức, nhiệt huyết để “truyền lửa” cho các bạn sinh viên.

Lần đầu tổ chức đối thoại dành riêng cho sinh viên Việt Nam toàn cầu ảnh 3

Đồng chí Hồ Hồng Nguyên giải đáp thắc mắc của các đại biểu.

Liên quan lĩnh vực việc làm, đồng chí Nguyễn Minh Triết cho rằng, việc các nhà tuyển dụng đòi hỏi sinh viên mới ra trường phải có bề dày kinh nghiệm nhất định là “bài toán” gây khó khăn không nhỏ cho các bạn trẻ.

Vì vậy, Hội Sinh viên Việt Nam các cấp cần tạo môi trường phù hợp để sinh viên trau dồi kiến thức, có những trải nghiệm tích cực, trở nên năng động, tự tin hơn, đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe từ thị trường lao động.