Trong đó, nổi bật là phong trào “Dân vận khéo” đã vận động nhân dân hiến đất trị giá hàng trăm tỷ đồng để làm đường tạo động lực phát triển cho địa phương.
Dân vận để tập hợp sức mạnh nhân dân
Đồng chí Lê Thị Xuân Trang, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Phước cho biết, qua thực hiện phong trào “Dân vận khéo” trên địa bàn tỉnh Bình Phước, có nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, đột phá được triển khai, nhân rộng.
Bên cạnh đó, các gương điển hình tiêu biểu về phong trào thi đua “Dân vận khéo” có sức lan tỏa mang lại hiệu quả thiết thực làm tiền đề quan trọng cho công tác vận động nhân dân đồng thuận cao với các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đặc biệt, công tác dân vận trong tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các dự án đã góp phần quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đời sống của người dân ngày càng được nâng cao.
Thực hiện Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Phước về thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Phước lần thứ 11, Ban Dân vận Tỉnh ủy Bình Phước đã triển khai quán triệt các kế hoạch, đề án, kết luận, trong đó tập trung “nâng cao năng lực hoạt động và khả năng tập hợp quần chúng của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể ở xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh trong tình hình mới”; “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”; công tác dân vận tham gia quy hoạch, xây dựng và thực hiện các dự án đầu tư phát triển kinh tế-xã hội; công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, tái định cư…
Nhờ đó, khi tỉnh triển khai xây dựng nông thôn mới hoặc thực hiện các dự án phát triển kinh tế-xã hội nhận được sự đồng thuận cao trong nhân dân.
Đẩy nhanh tiến độ tuyến đường số 4 kết nối trung tâm huyện Đồng Phú và các xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. |
Trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh Bình Phước có 169 danh mục dự án toàn tỉnh. Trước khi tổ chức thực hiện, chính quyền các cấp, chủ đầu tư cũng đã công khai với người dân về nội dung liên quan của dự án bằng nhiều hình thức sinh hoạt như: mời họp dân, trực tiếp phổ biến, công khai trên phương tiện thông tin của địa phương, cung cấp tài liệu liên quan, phát phiếu lấy ý kiến, niêm yết văn bản theo quy định.
Trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng thu hồi đất, tái định cư, công tác dân vận được triển khai trong giai đoạn chuẩn bị quy hoạch, xây dựng chương trình dự án, triển khai dự án đầu tư phát triển kinh tế-xã hội; dân vận trong trong giai đoạn thực hiện; tổ chức đối thoại, lắng nghe, tiếp thu ý kiến và giải quyết khiếu nại, tố cáo, yêu cầu của nhân dân trong quá trình thực hiện dự án. Đến nay, nhiều dự án sau khi công bố, nhân dân tại các huyện thị, thành phố tham gia tích cực và trở thành phong trào “Việc phố, việc làng, đất vàng cũng hiến”.
Đồng chí Lê Thị Xuân Trang, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Phước
Đối với lập quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh cùng Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Dân vận Tỉnh ủy và đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo quy hoạch, qua đó giải đáp thỏa đáng những kiến nghị, thắc mắc của nhân dân.
Tại thành phố Đồng Xoài, nhân dân đã hiến hiến 45,2ha đất, trị giá 542,5 tỷ đồng để thực hiện các dự án, như: khu du lịch hồ Suối Cam, dự án nạo vét hồ Suối Cam (giai đoạn 2), đường Võ Văn Tần, đường Phan Bội Châu, đường Trường Chinh, đường Trần Hưng Đạo, đường Phan Bội Châu”.
Góp phần hoàn thiện hạ tầng
Phong trào “Dân vận khéo” tại huyện Đồng Phú được triển khai từ huyện đến địa phương, cơ sở với 376 mô hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực, qua đó xuất hiện nhiều tấm gương tập thể, cá nhân điển hình, trở thành hạt nhân tiêu biểu trong cộng đồng với những mô hình hay, cách làm hiệu quả được nhân dân đồng tình ủng hộ.
Nhờ đó, khi tỉnh Bình Phước triển khai dự án đường Phú Riềng Đỏ nối dài lên khu công nghiệp Bắc Đồng Phú (thuộc địa phận huyện Đồng Phú), có ảnh hưởng 51 hộ dân thì 31 hộ tự nguyện hiến đất trị giá trên 31 tỷ đồng để mở rộng đường.
Đặc biệt, năm dự án đường kết nối từ đường ĐT741 vào Khu liên hợp công nghiệp, dịch vụ, đô thị Đồng Phú và Khu công nghiệp Nam Đồng Phú có chiều dài 25km và phải giải phòng mặt bằng 106,18ha. Trước khi triển khai dự án, huyện tập trung tuyên truyền, vận động người dân hiến đất, cây trồng và người dân đồng ý hiến với tổng diện tích 74,86ha. Nếu tính trung bình 3 tỷ đồng/ha đất thì nhân dân huyện Đồng Phú đã hiến cho các dự án này hơn 224 tỷ đồng, trong đó có những hộ hiến 1-2ha đất.
Người dân huyện Đồng Phú cắt cây, hiến đất làm đường. |
Bà Ngô Thị Thanh Chung, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Đồng Phú cho biết, Muốn dân vận thành công thì “dân vận chính quyền” phải đi trước một bước. Điều quan trọng là làm cho dân thấu suốt chủ trương và hiểu được lợi ích đạt được sau khi dự án hoàn thành. Dân phải cùng được biết, được bàn, được làm, được kiểm tra, giám sát và thụ hưởng thì sẽ tin và từ đó tự nguyện đóng góp sức người, sức của cho các công trình, dự án.
Bên cạnh đó, Đồng Phú còn triển khai nhiều mô hình “Dân vận khéo” góp phần tích cực trong xây dựng nông thôn mới, bảo đảm môi trường sống lành mạnh tại các khu dân cư trên địa bàn huyện Đồng Phú.
Đơn cử như tại xã Đồng Tâm có mô hình, “Ấp không còn nạn đổ chất thải trái phép”; tại xã Tân Tiến có mô hình “Tuyến đường cờ và hoa”, “Đồng hành cùng các hộ thoát nghèo bền vững”; xã Tân Hưng có mô hình “Công nhân tự quản bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên tuyến đường nội bộ nông trường cao-su”.
Đặc biệt, huyện Đồng Phú đã xây dựng được nhiều mô hình dân vận khéo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào có đạo, như: mô hình “Phụ nữ tôn giáo giúp nhau”; “Phụ nữ tín đồ Tin lành tham gia sinh hoạt hội”. Các mô hình dân vận nhằm giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc tiếp tục được duy trì và phát triển, như: “Đờn ca tài tử”, “Đàn hát dân ca Tày”, “Văn nghệ cồng chiêng”.