Dân vận trong hệ thống chính trị, nhìn từ Hưng Yên

Từ một tỉnh nông nghiệp, Hưng Yên đang hướng mạnh vào các mục tiêu, giải pháp để sớm trở thành tỉnh công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ hiện đại, phát triển nhanh và bền vững. Thực tế đòi hỏi cấp ủy, chính quyền các cấp của tỉnh đổi mới phong cách lãnh đạo, phát huy vai trò công tác dân vận nhằm tạo sự đồng thuận xã hội, vận hành đồng bộ, hiệu quả hệ thống chính trị từ cơ sở, tăng cường nguồn lực cho các mục tiêu phát triển…
0:00 / 0:00
0:00
Ban Dân vận Tỉnh ủy Hưng Yên và Ban Dân vận Thành ủy Hà Nội phối hợp công tác dân vận trong giải phóng mặt bằng đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô. (Ảnh XUÂN ANH)
Ban Dân vận Tỉnh ủy Hưng Yên và Ban Dân vận Thành ủy Hà Nội phối hợp công tác dân vận trong giải phóng mặt bằng đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô. (Ảnh XUÂN ANH)

Hướng về cơ sở, khai thông điểm nghẽn

Thực tiễn và bài học kinh nghiệm ở nhiều địa phương của tỉnh Hưng Yên, khi tình hình an ninh trật tự mất ổn định, có khiếu kiện kéo dài, một bộ phận cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật đều có nguyên nhân từ vai trò lãnh đạo, chỉ đạo và công tác vận động quần chúng.

Cấp xã, phường là nơi thực thi chủ trương, chính sách của cấp trên, là nơi phát huy nguồn lực trong nhân dân để phát triển, tuy nhiên lại còn nhiều bất cập, "lỗ hổng", "rào cản" không được giải quyết kịp thời, dứt điểm. Qua đó cũng cho thấy vai trò lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng ở cơ sở cùng yêu cầu công tác dân vận của hệ thống chính trị trong bối cảnh phát triển mới .

Những năm gần đây, tỉnh Hưng Yên đã ban hành chủ trương, giải pháp, đổi mới nội dung, phương thức tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác dân vận. Nổi bật là Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới; việc lãnh đạo nhân rộng mô hình "Dân vận khéo"; triển khai, thực hiện "Ðề án nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện công tác dân vận của cơ quan hành chính nhà nước, giai đoạn 2021-2025" trong toàn Ðảng bộ.

Gắn liền với đó các cấp ủy, chính quyền tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện hiệu quả, đồng bộ công tác dân vận trong hệ thống chính trị, tăng cường thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Việc kiểm tra, giám sát thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Ðảng về công tác dân vận, ngày càng được chú trọng.

Theo đó, thực hiện chế độ cấp ủy cấp trên (tỉnh và huyện) cùng dự sinh hoạt chi bộ khu dân cư với yêu cầu nắm chắc tình hình nhân dân, tham mưu kịp thời giải quyết những vấn đề bức xúc, nổi cộm ở cơ sở… Mới đây, buổi sinh hoạt thường kỳ tháng 3 của chi bộ thôn Yên Lịch, xã Dân Tiến, huyện Khoái Châu, có sự tham dự của đồng chí Trần Quốc Toản, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HÐND tỉnh.

Kỳ này, chi bộ tập trung đánh giá việc lãnh đạo, chỉ đạo, việc tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ; bầu trưởng thôn nhiệm kỳ 2023-2025; vận động nhân dân hiến đất, mở rộng nâng cấp 3 tuyến đường trong thôn; xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, kết nạp đảng viên mới. Tại buổi sinh hoạt, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, kịp thời chỉ đạo những nội dung đổi mới trong lãnh đạo nhiệm vụ tháng và quý của chi bộ; thực hiện tốt công tác dân vận; phát huy vai trò chi bộ thôn tại khu dân cư.

Qua những kỳ sinh hoạt nêu trên, chi ủy và đảng viên khu dân cư nhận rõ yêu cầu, phương pháp nhằm nâng cao vai trò hiệu lực lãnh đạo, công tác vận động quần chúng trên địa bàn.

Tại thị xã Mỹ Hào, hai năm qua đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy phụ trách địa phương đã bám sát và chỉ đạo kế hoạch đối thoại và tiếp công dân. Từ đầu năm đến nay, đã tiếp 11 lượt công dân, tiếp nhận 72 đơn khiếu nại, tố cáo, đã phân loại xử lý theo thẩm quyền. Các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, vượt cấp, kéo dài đã được thị xã tiến hành chỉ đạo xử lý kịp thời, đạt yêu cầu.

Từ yêu cầu, thực tiễn đổi mới trong lĩnh vực công tác này, hệ thống dân vận của tỉnh đã bám sát nhiệm vụ chính trị, kịp thời tham mưu với cấp ủy, chính quyền giải quyết những vấn đề từ cơ sở thúc đẩy hoàn thành các mục tiêu phát triển xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh. Ban cán sự đảng UBND tỉnh và Ban Dân vận Tỉnh ủy thống nhất việc triển khai xây dựng mô hình "Chính quyền phục vụ người dân và doanh nghiệp" ở xã, phường, thị trấn.

Theo đó Hưng Yên đã đề ra các nội dung, tiêu chí, địa điểm xây dựng mô hình để nhiệm vụ này được thực hiện ngày càng tốt, chuyên nghiệp. Ðồng chí Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Quách Thị Hương cho biết, tỉnh tổ chức tập huấn để giúp cán bộ công chức ở cơ sở nâng cao năng lực công tác dân vận, tính chuyên nghiệp phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn. Tỉnh lựa chọn 6 xã, phường thuộc 6 huyện, thành phố triển khai thí điểm xây dựng mô hình đến hết năm 2023, từ năm 2024 trở đi sẽ triển khai thực hiện trên tất cả các xã, phường, thị trấn…

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hưng Yên, Lê Quang Toản cho biết, MTTQ và tổ chức chính trị-xã hội các cấp trong tỉnh coi trọng đổi mới nội dung, tác phong công tác, hướng mạnh các hoạt động về cơ sở; phối hợp cấp ủy, chính quyền phát huy vai trò làm chủ và vai trò tự quản của nhân dân; tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân được tham gia giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Ðảng, xây dựng chính quyền.

MTTQ và tổ chức chính trị-xã hội các cấp trong tỉnh coi trọng đổi mới nội dung, tác phong công tác, hướng mạnh các hoạt động về cơ sở; phối hợp cấp ủy, chính quyền phát huy vai trò làm chủ và vai trò tự quản của nhân dân; tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân được tham gia giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Ðảng, xây dựng chính quyền.

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hưng Yên, Lê Quang Toản

Phát huy nguồn lực từ đồng thuận xã hội

Quá trình tỉnh Hưng Yên thực hiện mục tiêu trở thành tỉnh mạnh về công nghiệp, gắn liền với phát triển kinh tế đòi hỏi khẩn trương hoàn thiện các quy hoạch của tỉnh, gắn liền bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống nhân dân. Trong lộ trình này, đặt ra nhiều thách thức, vấn đề "nóng" cần giải quyết, rõ nhất là trong thực hiện chính sách đền bù giải phóng mặt bằng để phát triển các khu, cụm công nghiệp, đường giao thông quốc gia, vùng và nội bộ.

Ðể thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, đòi hỏi không chỉ cấp ủy, chính quyền mà cả hệ thống chính trị tích cực vào cuộc, đổi mới về nội dung, hình thức, phương thức vận động trên tất cả các lĩnh vực. Ðáng chú ý là việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động tiếp xúc cử tri, hoạt động giám sát; công tác đối thoại, tiếp công dân; đẩy mạnh cải cách hành chính; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội… Quá trình này, tỉnh tập trung cho công tác dân vận chính quyền trong cải cách thủ tục hành chính, gắn với nâng cao chất lượng công tác chính trị, tư tưởng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng.

Ân Thi, từ một huyện nông nghiệp, nhiệm kỳ này được quy hoạch phát triển thành một trung tâm phát triển công nghiệp của tỉnh, khi mà nền tảng hạ tầng, nhất là trình độ quản lý và cải cách hành chính có nhiều yếu kém, bất cập. Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện, Dương Tuấn Kiệt cho biết, từ thực tế đó, huyện đặc biệt coi trọng công tác dân vận chính quyền, nhằm đạt sự đồng tình, ủng hộ của dân trên cơ sở chấp hành đường lối, chính sách và pháp luật, tạo động lực chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế trên địa bàn.

Huyện đã chỉ đạo khẩn trương rà soát, bổ sung quy hoạch hệ thống thương mại, dịch vụ, trong đó, xác định rõ các vị trí, quỹ đất ưu tiên xây dựng các khu công nghiệp sạch, khu công nghiệp số 3, khu công nghiệp số 5 thuộc Khu công nghiệp và Ðô thị dịch vụ Lý Thường Kiệt..., Tại huyện Ân Thi, việc kịp thời công khai, minh bạch các chủ trương, chính sách trong phát triển đã tạo được đồng thuận xã hội, đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng cho các dự án, công trình. Hơn một năm qua, tỉnh và huyện đã quy hoạch và triển khai dự án trên diện tích hàng nghìn héc-ta đất với sự đồng thuận cao trong nhân dân, tạo sức bật trong phát triển kinh tế-xã hội.

Cùng chủ đề nêu trên, Bí thư Huyện ủy Khoái Châu Nguyễn Ðức Sơn cho biết, việc nâng cao hiệu quả công tác dân vận ở huyện tập trung vào việc người đứng đầu nêu gương về phong cách lãnh đạo sát với thực tiễn và gần dân. Từng địa phương coi trọng, thực thi phương châm: dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng; dựa vào dân để xây dựng Ðảng, xây dựng chính quyền, hệ thống chính trị.

Việc nâng cao hiệu quả công tác dân vận ở huyện tập trung vào việc người đứng đầu nêu gương về phong cách lãnh đạo sát với thực tiễn và gần dân. Từng địa phương coi trọng, thực thi phương châm: dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng; dựa vào dân để xây dựng Ðảng, xây dựng chính quyền, hệ thống chính trị.

Bí thư Huyện ủy Khoái Châu Nguyễn Ðức Sơn

Ðường Vành đai 4-Vùng Thủ đô Hà Nội, đoạn qua địa phận tỉnh Hưng Yên có chiều dài hơn 19km, đi qua 13 xã thuộc 4 huyện với tổng diện tích giải phóng mặt bằng hơn 311.000m2. Tỉnh ủy Hưng Yên và Thành ủy Hà Nội đã tổ chức trao đổi kinh nghiệm, giải pháp và phối hợp nâng cao hiệu quả công tác dân vận trong giải phóng mặt bằng phục vụ dự án đường.

Hệ thống dân vận các cấp trong tỉnh đã thành lập các tổ tuyên truyền, vận động nhân dân đẩy nhanh tiến độ kiểm đếm tài sản, hoa màu thực hiện giải phóng mặt bằng, triển khai các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh. Qua đó, việc triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô Hà Nội trên địa bàn đạt kết quả tích cực.

Nhằm đáp ứng tình hình, quy mô phát triển, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Nguyễn Lê Huy cho biết, hiện các địa phương đang tập trung cho các mô hình, phương thức dân vận mới phù hợp đặc điểm, tình hình của tỉnh là chuyển đổi nhanh cơ cấu kinh tế, tốc độ đô thị hóa cao; quan tâm xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong lực lượng công nhân, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; quan tâm, chăm lo lực lượng xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, trong đó xác định lực lượng nòng cốt là công an chính quy ở xã, thị trấn.

Thực tế của Hưng Yên cũng như nhiều địa phương cũng cho thấy, để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác dân vận của Ðảng trong tình hình mới, trước hết cần luôn coi trọng xây dựng Ðảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên. Từng địa phương, cơ quan, đơn vị kiên quyết, kiên trì xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức đủ phẩm chất, năng lực, nhất là người đứng đầu.

Ðồng thời, cần tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Quy chế dân chủ ở cơ sở; giải quyết dứt điểm, kịp thời các vấn đề bức xúc liên quan trực tiếp đến đời sống của nhân dân, trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội… Tạo tiền đề quan trọng vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bảo đảm phát huy cao sự đồng thuận, nội lực đưa nghị quyết của Ðảng vào cuộc sống ■