Làm sâu sắc thêm tầm vóc, ý nghĩa của Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ

NDO - Hội thảo khoa học quốc gia “Chiến thắng Điện Biên Phủ với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa” được tổ chức ngày 11/4 tại mảnh đất Điện Biên Phủ anh hùng, là dịp toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ôn lại truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất của các thế hệ cha anh. Đồng thời tưởng nhớ đồng bào, đồng chí đã chiến đấu và anh dũng hy sinh lập nên Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”…
0:00 / 0:00
0:00
Các đại biểu dự hội thảo trao đổi về kinh nghiệm, tầm vóc Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.
Các đại biểu dự hội thảo trao đổi về kinh nghiệm, tầm vóc Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

“Ghi vào lịch sử dân tộc Việt Nam như một mốc vàng chói lọi”

Nhắc lại bối cảnh, thời cơ và diễn tiến chiến dịch và ý nghĩa chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại tướng Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, nêu rõ: Sau 8 năm thực hiện đường lối “kháng chiến, kiến quốc”, quân và dân ta đã lập nên nhiều chiến công to lớn trên các chiến trường, đẩy thực dân Pháp ngày càng lún sâu vào thế bị động.

Với tham vọng xoay chuyển tình thế, tháng 7/1953, thực dân Pháp thực hiện kế hoạch Nava, hòng tập trung binh lực, giành thắng lợi trong vòng 18 tháng. Đây là nỗ lực tiếp tục đẩy mạnh chiến tranh của Pháp được Mỹ giúp sức. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt, tài tình của Đảng, quân và dân ta đã phát huy quyền chủ động, tiến hành cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954, đẩy địch càng lún sâu vào thế bị động, phải tập trung quân lên Điện Biên Phủ để thực hiện cuộc giao chiến chiến lược ngoài kế hoạch.

Nhận định đây là thời cơ để tiến hành trận quyết chiến chiến lược tác động to lớn đến cục diện kháng chiến, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định chọn Điện Biên Phủ là điểm quyết chiến, đánh đòn quyết định; đồng thời thành lập Đảng ủy và Bộ Chỉ huy Chiến dịch do đồng chí Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bí thư Tổng Quân ủy - Tổng Tư lệnh làm Chỉ huy trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy Chiến dịch. Với sự nỗ lực cao độ của toàn quân, toàn dân, sự mưu trí, dũng cảm của cán bộ, chiến sĩ trên chiến trường, trải qua ba đợt chiến đấu, ngày 7/5/1954 quân và dân ta đã lập nên chiến thắng hiển hách trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc. Thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ đánh dấu thất bại hoàn toàn của Pháp trong nỗ lực gây dựng lại thuộc địa tại Đông Dương.

Làm sâu sắc thêm tầm vóc, ý nghĩa của Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ ảnh 1

Đại biểu là các chiến sĩ Điện Biên năm xưa dự Hội thảo.

Chiến thắng vĩ đại Điện Biên Phủ đã ghi vào lịch sử dân tộc Việt Nam như một mốc vàng chói lọi, là sự kiện quan trọng trong đời sống chính trị thế giới trong những năm 50 của thế kỷ XX. Dù thời gian đã lùi xa bảy thập niên, nhưng tầm vóc, ý nghĩa và những bài học đúc rút từ sự kiện lịch sử trọng đại này vẫn còn nguyên giá trị đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Đại tướng Lương Cường

Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục chính trị quân đội nhân dân Việt Nam

Chung khẳng định giá trị, ý nghĩa lịch sử Chiến thắng Điện Biên Phủ như ý kiến của Đại tướng Lương Cường, tại hội thảo có 9 ý kiến đại biểu và hơn 100 báo cáo, tham luận tâm huyết của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố và các nhân chứng lịch sử, các đồng chí tướng lĩnh, sĩ quan, các cơ quan đơn vị trong toàn quân… gửi về hội thảo đã làm rõ hơn, phân tích và đánh giá sâu sắc thêm nhiều nội dung quan trọng về kinh nghiệm lãnh đạo, chỉ đạo chiến lược, sự phát triển của nghệ thuật quân sự Việt Nam trong chiến tranh cách mạng và bài học, kinh nghiệm thành công Chiến thắng Điện Biên Phủ. Trong nội dung, nhiều tham luận gợi mở những vấn đề mới có thể vận dụng, phát huy giá trị trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Bài học Chiến thắng Điện Biên Phủ còn nguyên giá trị trong thực tiễn

Là người tham gia trận chiến, cùng đồng đội trải qua những thời khắc chiến đấu khốc liệt và cũng chứng kiến một số chiến sĩ có biểu hiện tiêu cực, thiếu tin tưởng khi chiến dịch kéo dài, khi phải kéo pháo vào rồi lại kéo pháo ra… Đại tá Nguyễn Hữu Tài, nguyên Chủ nhiệm Chính trị, Trung đoàn 209, Đại đoàn 312 trong Chiến dịch Điện Biên Phủ; nguyên Phó Cục trưởng Cục Quân huấn Bộ Tổng Tham mưu, cho rằng thắng lợi vĩ đại của Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử do nhiều nhân tố tạo thành, nhưng có hai sự kiện có ý nghĩa quyết định. Một là, thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Hai là, cuộc vận động chống hữu khuynh tiêu cực, nâng cao quyết tâm giành toàn thắng cho chiến dịch do Đảng ủy Mặt trận và các cấp ủy đảng lãnh đạo. Với cá nhân Đại tá Nguyễn Hữu Tài, thì bài học quyết tâm chiến đấu chống mọi biểu hiện của hữu khuynh tiêu cực đã khắc sâu vào tâm trí của ông và nhiều cán bộ khác trong suốt cuộc đời chiến đấu.

Làm sâu sắc thêm tầm vóc, ý nghĩa của Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ ảnh 2
Đại tá Nguyễn Hữu Tài, nguyên Chủ nhiệm Chính trị, Trung đoàn 209, Đại đoàn 312 trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, xúc động khi kể lại những tháng ngày cùng đồng đội anh dũng chiến đấu trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Liên hệ với thực tiễn trách nhiệm cán bộ, đảng viên trong công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa, Đại tá Nguyễn Hữu Tài cho rằng bài học kinh nghiệm của Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ vẫn còn nguyên giá trị thực tiễn. Đại tá Nguyễn Hữu Tài, nêu rõ: “Ngày nay, Đảng ta đã kêu gọi mọi cán bộ đảng viên phải chống mọi biểu hiện tiêu cực tham nhũng, suy thoái chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, nâng cao tinh thần trách nhiệm, hăng hái cách mạng, dám làm, dám chịu trách nhiệm của mọi cán bộ, đảng viên thì bài học kinh nghiệm của Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ vẫn còn nguyên giá trị thực tiễn”.

Với Thiếu tướng Nguyễn Hồng Thái, Phó Chính ủy Quân khu 2 và mỗi cán bộ, chiến sĩ Quân khu thì âm vang Điện Biên Phủ còn vọng mãi, là động lực tinh thần tiếp thêm sức mạnh cho lực lượng vũ trang Quân khu 2 cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân vững bước trên con đường đổi mới, hội nhập và phát triển, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Làm sâu sắc thêm tầm vóc, ý nghĩa của Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ ảnh 3

Đại biểu tham quan gian trưng bày tài liệu về Chiến dịch Điện Biên Phủ tại thành phố Điện Biên Phủ, ngày 11/4.

Còn với Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc Điện Biên, thì tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường, ý chí quyết chiến, quyết thắng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ đã và đang tiếp thêm động lực, sức mạnh cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Điện Biên vững bước trên con đường xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Là người con của đồng bào dân tộc H’Mông - một trong những cộng đồng dân tộc thiểu số ở Điện Biên đã đồng lòng ủng hộ chiến dịch đến ngày toàn thắng, đồng chí Mùa A Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Điện Biên cho biết:

Trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ diễn ra ở địa hình rừng núi hiểm trở, xa hậu phương, có nhiều đèo cao, vực sâu, mạng lưới giao thông chiến lược hầu như chưa có. Nhưng với sự tin tưởng tuyệt đối vào Đảng, vào Bác Hồ, vào bộ đội, đồng bào các dân tộc tỉnh Lai Châu (nay là tỉnh Điện Biên và tỉnh Lai Châu) đóng góp cho chiến dịch 2.666 tấn gạo, 226 tấn thịt, 210 tấn rau xanh; huy động được 16.972 dân công với 568.139 ngày công; 438 ngựa thồ, hàng nghìn thuyền mảng, góp 25.070 cây gỗ để chống lầy, làm đường cho xe pháo và bộ đội hành quân. Đồng bào huyện Điện Biên khi bị địch dồn vào các nơi tập trung còn đuổi trâu, bò, lợn, gà của mình vào rừng và báo cho bộ đội ta, quyết không để rơi vào tay giặc. Trong điều kiện đời sống của đồng bào còn khó khăn, thiếu thốn, có vùng không đủ ăn, không đủ mặc, nhưng khi biết có bộ đội đến đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược và tay sai cướp của, giết người, phá bản thì đồng bào sẵn sàng “đói hơn, vất vả hơn” để nhường lương thực cho bộ đội… đã cho thấy tinh thần “cả nước cùng ra trận”!

Liên hệ thực tiễn, đồng chí Mùa A Sơn, khẳng định rằng: “Ngày nay, cuộc hành trình xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh của tỉnh Điện Biên còn nhiều khó khăn, nhưng với truyền thống Điện Biên Phủ anh hùng mỗi người dân Điện Biên nguyện luôn đoàn kết, chung sức cùng thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, xây dựng Điện Biên thành trung tâm vùng Tây Bắc”!

Ngày nay, cuộc hành trình xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh của tỉnh Điện Biên còn nhiều khó khăn, nhưng với truyền thống Điện Biên Phủ anh hùng mỗi người dân Điện Biên nguyện luôn đoàn kết, chung sức cùng thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, xây dựng Điện Biên thành trung tâm vùng Tây Bắc!

Mùa A Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Điện Biên

Làm sâu sắc thêm tầm vóc, ý nghĩa của Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ ảnh 4

Trên nền chiến trường xưa, Điện Biên hôm nay đã đổi thay từng ngày.

Đánh giá cao ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của đại biểu dự hội thảo, đồng chí Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng với quan điểm khách quan, trung thực, các tham luận đã cung cấp thêm nhiều tư liệu quý về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy, bảo đảm cho thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ; đặc biệt là có thêm những nhìn nhận, đánh giá sâu sắc, tôn vinh giá trị của thắng lợi lịch sử này. Các tham luận tại hội thảo đã phản ánh, phân tích và đánh giá sâu sắc nhiều nội dung quan trọng như: kinh nghiệm lãnh đạo, chỉ đạo chiến lược, sự phát triển của nghệ thuật quân sự Việt Nam trong chiến tranh cách mạng... Qua đó đúc rút một số bài học có giá trị lý luận và thực tiễn, gợi mở những vấn đề mới có thể vận dụng, phát huy trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Kết quả của hội thảo và cuốn Kỷ yếu Hội thảo khoa học là tài liệu nghiên cứu, tuyên truyền, học tập có giá trị. Vì vậy, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng, đề nghị các cơ quan, đơn vị, học viện, nhà trường trong quân đội cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, đưa các kết quả nghiên cứu trên được hiện thực hóa đầy đủ, sâu sắc hơn nữa trong thực tiễn.

Dịp kỷ niệm 65 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, cũng tại Trung tâm thành phố Điện Biên Phủ, Bộ Quốc phòng và Tỉnh ủy Điện Biên phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Chiến thắng Điện Biên Phủ - giá trị lịch sử và hiện thực”.

Hội thảo đã nhận được gần 80 bài tham luận của lãnh đạo Bộ Quốc phòng, các địa phương… và nhiều đồng chí từng chiến đấu trực tiếp tại chiến trường Điện Biên Phủ, như Đại tá Hoàng Đăng Vinh - người tham gia bắt sống tướng Đờ-cát; Đại tá Phùng Văn Khầu - người đã dùng khẩu sơn pháo 75mm bắn phá hủy 5 khẩu pháo 105, 6 đại liên, 1 lô cốt, tiêu diệt hàng trăm địch…! Nhưng tại hội thảo lần này, hai người chiến sĩ Điện Biên anh hùng đã không còn nữa!