XÃ LUẬN

Làm sâu sắc hơn quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam-Séc

Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala bắt đầu thăm chính thức nước ta.
0:00 / 0:00
0:00
Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN-EU tại Brussels, Vương quốc Bỉ, chiều 14/12/2022. (Ảnh: TTXVN)
Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN-EU tại Brussels, Vương quốc Bỉ, chiều 14/12/2022. (Ảnh: TTXVN)

Đây là chuyến công du châu Á đầu tiên của Thủ tướng Petr Fiala kể từ khi nhậm chức cuối năm 2021 và là chuyến thăm đầu tiên của người đứng đầu Chính phủ Séc đến Việt Nam trong 15 năm qua. Chuyến thăm nhằm làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư song phương, đưa quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước bước sang giai đoạn mới.

Việt Nam và Cộng hòa Séc thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 2/2/1950. Từ đó đến nay, quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước phát triển tích cực. Sự tin cậy và hiểu biết lẫn nhau giữa hai nước ngày càng được tăng cường thông qua duy trì trao đổi đoàn cấp cao và các cơ chế hợp tác. Gần đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gặp Thủ tướng Séc Petr Fiala bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN-EU (tháng 12/2022); trước đó tháng 8/2021, Thủ tướng hai nước đã điện đàm.

Hai nước đã ký kết 14 hiệp định hợp tác trong nhiều lĩnh vực, như kinh tế, thương mại, khuyến khích và bảo hộ đầu tư, vận chuyển hàng không, tránh đánh thuế trùng...

Bên cạnh đó, hai nước luôn phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương quốc tế và khu vực. Séc ủng hộ Việt Nam ứng cử vào vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021; đồng thời là một trong những quốc gia thành viên EU đầu tiên phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA).

Chúng ta vui mừng nhận thấy quan hệ hợp tác kinh tế Việt Nam-Séc đang phát triển tốt đẹp, song trao đổi thương mại giữa hai nước còn chưa tương xứng so với tiềm năng. Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2022 đạt 848 triệu USD (tăng 15% so với năm 2021). Séc coi Việt Nam là một trong những đối tác ưu tiên về hợp tác kinh tế bên ngoài Liên minh châu Âu.

Về đầu tư, Séc có 41 dự án FDI tại Việt Nam với tổng số vốn 92 triệu USD, tập trung chủ yếu trong ngành chế biến, chế tạo, khai khoáng. Các lĩnh vực hợp tác đầu tư có thế mạnh của Séc là năng lượng, đầu máy - toa xe lửa, xe buýt, tàu điện, máy nông nghiệp, thiết bị tưới tiêu. Về hợp tác phát triển, Séc là nước Trung Âu đầu tiên cấp ODA cho Việt Nam, tổng cộng khoảng 20 triệu USD.

Hợp tác về giáo dục-đào tạo là một lĩnh vực phát triển tiềm năng giữa hai nước. Séc đã giúp đỡ đào tạo hàng nghìn cán bộ, kỹ sư, lao động Việt Nam sang học tập và làm việc tại nước bạn. Hai bên nỗ lực thúc đẩy các trường đại học uy tín của Séc phối hợp với các cơ sở giáo dục đại học của nước ta để liên kết đào tạo trình độ trên đại học. Từ năm 1999 đến 2014, Chính phủ Séc đã cấp một số học bổng cho sinh viên và nghiên cứu sinh của nước ta sang Séc học tập.

Hợp tác trong lĩnh vực lao động cũng là một điểm sáng trong quan hệ song phương. Trong bối cảnh thiếu hụt nguồn lao động, Séc có nhu cầu tiếp nhận lao động Việt Nam được đào tạo về chuyên môn và tiếng Séc, nhất là trong lĩnh vực y tế.

Cộng hòa Séc đã thành lập một số cơ sở đào tạo nghề, hỗ trợ nâng cao tay nghề cho lao động Việt Nam về các lĩnh vực như cơ khí, công nghiệp ô-tô để bổ sung một lực lượng lao động lành nghề cho các doanh nghiệp Séc. Hai bên cũng thỏa thuận tăng cường hơn nữa hợp tác trong các lĩnh vực nông nghiệp, khoa học-công nghệ, môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, năng lượng, văn hóa, du lịch, tư pháp và pháp luật...

Cộng đồng Việt Nam ở Séc hiện có gần 100.000 người, có nhiều đóng góp tích cực phát triển quan hệ song phương. Chính quyền Séc đánh giá cao và tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt cư trú, kinh doanh theo pháp luật. Từ tháng 7/2013, Chính phủ Séc đã quyết định bổ sung đại diện người Séc gốc Việt vào Hội đồng Dân tộc thiểu số, qua đó công nhận sự tồn tại của người Séc gốc Việt như một dân tộc thiểu số tại Séc.

Với mối quan hệ hợp tác có bề dày truyền thống, sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực, chuyến thăm chính thức Việt Nam lần này của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala thể hiện sự coi trọng và mong muốn tăng cường quan hệ song phương của lãnh đạo hai nước.

Chuyến thăm nhằm làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư song phương, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hai nước tiếp cận, tìm hiểu thị trường, tiềm năng, nhu cầu và thế mạnh của nhau. Trong chuyến thăm, dự kiến hai bên sẽ xác định các phương hướng hợp tác cụ thể trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, triển khai hiệu quả hiệp định EVFTA...

NHÂN DÂN