Lạm phát của Indonesia tăng lên mức cao nhất trong 7 năm

NDO - Số liệu chính thức công bố ngày 1/8 cho thấy, tỷ lệ lạm phát trong tháng 7 của Indonesia tăng lên 4,94%, mức cao nhất kể từ tháng 10/2015, phản ánh mức tăng giá thực phẩm, nhiên liệu và giá điện.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân Indonesia mua dầu ăn tại siêu thị ở thủ đô Jakarta, ngày 27/3/2022. (Ảnh: Reuters)
Người dân Indonesia mua dầu ăn tại siêu thị ở thủ đô Jakarta, ngày 27/3/2022. (Ảnh: Reuters)

Mức tăng này đã vượt quá phạm vi mục tiêu mà Ngân hàng Trung ương Indonesia (BI) ước tính là từ 2% đến 4%, trong khi lạm phát cơ bản vẫn nằm trong dự kiến, tăng từ mức 2,63% của 1 tháng trước đó lên 2,86% trong tháng 7.

Trong động thái nhằm thu hẹp dần một số biện pháp kích thích hậu đại dịch Covid-19, BI đã quy định tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng, bán một số lượng trái phiếu và giảm thanh khoản dư thừa thông qua các hoạt động thị trường mở trong năm nay.

Ngân hàng Trung ương Indonesia cũng duy trì lãi suất chuẩn ở mức thấp kỷ lục là 3,50% kể từ tháng 2/2021.

Lạm phát của Indonesia tương đối được kiểm soát nhờ việc chính phủ hỗ trợ nhiều cho ngành năng lượng.

Tuy nhiên, với việc tỷ lệ lạm phát của Indonesia tăng lên mức cao nhất trong 7 năm, các nhà kinh tế dự báo một đợt tăng lãi suất từ BI sẽ sớm diễn ra.

Radhika Rao, nhà kinh tế từ Ngân hàng DBS cho biết, ngay cả khi lạm phát cơ bản đang được các nhà hoạch định chính sách theo dõi sát sao, lãi suất thực và nhu cầu duy trì kỳ vọng lạm phát có thể làm nghiêng trọng tâm chính sách theo hướng tăng dần lãi suất vào cuối quý III năm nay.

Chung quan điểm, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng BCA Indonesia, David Sumual dự báo, mức lạm phát chính đã lên tới gần 5%, và nhiều khả năng sẽ vượt qua mốc 5% trong năm nay.

Do đó, chuyên gia này cho rằng, BI có thể sớm “hành động” trong đợt nhóm họp từ ngày 22 đến 23/8 sắp tới, với mức tăng lãi suất khoảng 25 hoặc 50 điểm cơ bản.

Trong khi đó, theo nhà kinh tế Myrdal Gunarto từ Ngân hàng Maybank Indonesia, BI có thể vẫn giữ nguyên lãi suất trong tháng này, do áp lực lên tỷ giá đồng rupiah đã giảm bớt. Song chuyên gia này cũng cho rằng, Ngân hàng Trung ương Indonesia có thể tăng lãi suất vào tháng 9 để thu hẹp khoảng cách giữa lãi suất của Indonesia và Mỹ.