Bàn giải pháp thúc đẩy xuất khẩu gạo năm 2023

NDO - Ngày 21/2, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Công thương tổ chức Hội nghị đánh giá hoạt động xuất khẩu gạo năm 2022 và bàn phương hướng xuất khẩu gạo năm 2023.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh Hội nghị.
Quang cảnh Hội nghị.

Dự Hội nghị có đại diện các đơn vị chức năng của Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; lãnh đạo Sở Công thương các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh; lãnh đạo Hiệp hội Lương thực Việt Nam và nhiều thương nhân xuất khẩu gạo lớn.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, đưa ra nhiều ý kiến, giải pháp nhằm duy trì, thúc đẩy hoạt động xuất khẩu gạo trong năm 2023.

Đại diện Bộ Công thương đã cùng các ngành, địa phương, Hiệp hội Lương thực Việt Nam và các thương nhân kinh doanh, xuất khẩu gạo trao đổi và thống nhất cùng phối hợp triển khai một số giải pháp trọng tâm để giữ vững thị trường truyền thống, mở rộng thị trường mới và tiềm năng, tận dụng ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do, tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, bảo đảm chất lượng gạo xuất khẩu đáp ứng nhu cầu của các thị trường.

Bên cạnh đó, với vai trò là cơ quan đầu mối điều hành xuất khẩu gạo, Bộ Công thương sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương nhằm triển khai hiệu quả cao các giải pháp phát triển sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu gạo trong thời gian tới, bảo đảm công tác điều hành xuất khẩu gạo hiệu quả, góp phần ổn định nền kinh tế và nâng cao đời sống người nông dân.

Theo số liệu của cơ quan Hải quan, kim ngạch xuất khẩu gạo năm 2022 của Việt Nam đạt 7,1 triệu tấn với kim ngạch 3,45 tỷ USD, tăng 13,8% về lượng và tăng 5,1% về trị giá so năm 2021; giá gạo xuất khẩu bình quân đạt 486 USD/tấn, giảm 7,7% so mức bình quân năm 2021. Trong đó, châu Á là thị trường xuất khẩu lớn nhất với 4,96 triệu tấn, chiếm gần 71% trong tổng lượng gạo xuất khẩu, tăng 15,5% so năm 2021; châu Phi là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai, đạt gần 1,25 triệu tấn, chiếm 17,8% tổng lượng xuất khẩu, tăng 0,2% so năm 2021.

Đặc biệt, tuy chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ (khoảng 2,45% tổng lượng xuất khẩu) nhưng thị trường châu Âu đã có mức tăng trưởng mạnh mẽ, lên tới 90,7% so năm 2021, đạt 172,2 nghìn tấn (chủ yếu là các sản phẩm gạo thơm chất lượng cao).

Trong tháng 1/2023 xuất khẩu gạo Việt Nam đạt 359.310 tấn, mang lại 186,6 triệu USD, giá xuất khẩu bình quân là 519,3 USD/tấn; giảm 29% về số lượng, giảm 24,2% trị giá nhưng tăng 6,8% về giá so cùng kỳ năm 2022.

Theo tính toán của Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tổng lượng gạo hàng hóa phục vụ cho xuất khẩu cả năm 2023 ước đạt khoảng 6,6 triệu tấn, cơ cấu nhóm gạo xuất khẩu gồm: khoảng 3 tấn gạo chất lượng cao; gạo thơm, đặc sản đạt 2,1 triệu tấn; nhóm gạo chất lượng trung bình đạt 0,9 triệu tấn; nếp đạt 0,6 triệu tấn.

Dự báo, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2023 sẽ đạt khoảng 6,5 triệu tấn đến 7 triệu tấn.