Lãi suất ngày 5/9: Mặt bằng lãi suất huy động về dưới 7%/năm

NDO - Theo khảo sát của phóng viên tại website 32 ngân hàng cho thấy, trong tuần qua, 13 ngân hàng đã giảm lãi suất huy động, mức giảm từ 0,1 đến 0,7 điểm phần trăm. Hiện mặt bằng lãi suất huy động đã giảm xuống dưới 7%/năm.
0:00 / 0:00
0:00
Lãi suất ngày 5/9: Mặt bằng lãi suất huy động về dưới 7%/năm

Theo khảo sát của phóng viên tại website của 32 ngân hàng, với kỳ hạn 1 tháng, hiện lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại nhà nước vẫn ở mức thấp nhất - 3%/năm. So sánh với lãi suất huy động ngày 1/8, có thể thấy mức lãi suất huy động cao nhất 4,75%/năm ở kỳ hạn này vẫn được duy trì ở nhiều ngân hàng.

Với kỳ hạn 6 tháng, hiện Ngân hàng Xây dựng (CBBank) đang là ngân hàng có mức huy động cao nhất, ở mức 6,5%/năm. So sánh biểu đồ ngày 1/8 và 5/9 có thể thấy mặt bằng huy động ở kỳ hạn 6 tháng đã giảm đáng kể. Chỉ có Ngân hàng Đông Á và Nam Á giữ mức huy động kỳ hạn này như trước đây một tháng, còn 30 ngân hàng khác đều giảm lãi suất huy động ở kỳ hạn này.

Ở kỳ hạn 12 tháng, hiện không còn ngân hàng nào áp dụng mức lãi suất 7%. Lãi suất huy động của 32 ngân hàng kỳ hạn này dao động từ 5,0% đến 6,8%/năm.

Ở kỳ hạn 24 tháng, lãi suất huy động cũng đã lùi qua mốc 7%/năm, dao động từ 4,2% đến 6,9%/năm. So sánh biểu đồ ngày 1/8 và 5/9 cũng cho thấy mặt bằng huy động ở kỳ hạn này chỉ sau 1 tháng đã đồng loạt giảm mạnh. Cũng chỉ có 2 ngân hàng vẫn giữ mức huy động ở kỳ hạn 24 tháng, 30 ngân hàng còn lại đều đã giảm lãi suất huy động ở kỳ hạn này.

Việc giảm lãi suất huy động nhằm giúp ngân hàng có cơ sở điều chỉnh giảm thêm lãi suất cho vay hỗ trợ nền kinh tế. Từ đầu năm 2023 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành với tổng mức giảm 0,5-2 điểm % hỗ trợ các tổ chức tín dụng giảm chi phí đầu vào có điều kiện thuận lợi tiếp tục giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê công bố ngày 29/8, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8/2023 tăng 0,88% so với tháng trước. Bình quân 8 tháng năm 2023, CPI tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 4,57%.

Chỉ số giá vàng tháng 8/2023 tăng 0,64% so với tháng trước; bình quân 8 tháng năm 2023 tăng 1,54%.

Chỉ số giá đô-la Mỹ tháng 8/2023 tăng 0,57% so với tháng trước; bình quân 8 tháng năm 2023 tăng 2,27%.

Trong báo cáo vĩ mô tháng 8/2023 mới công bố, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho biết, trong tháng 8, lãi suất huy động 12 tháng (mẫu theo dõi của BVSC) trung bình đạt 6,08%, đã giảm trở lại 0,10 điểm % so cùng kỳ năm ngoái và giảm 0,92 điểm % so với trung bình hồi tháng 7 và giảm tới 235 điểm cơ bản so với cuối năm 2022. Mặt bằng lãi suất huy động hiện tại đã tiến sát xuống mức thấp trong giai đoạn sau đại dịch Covid-19.

Cũng theo BVSC, trong khi đó, tăng trưởng tín dụng vẫn diễn ra rất chậm. Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, tới cuối tháng 7, tăng trưởng tín dụng ghi nhận ở mức 4,56%, thấp hơn mức 4,73% vào cuối tháng 6. Diễn biến này làm tăng thêm áp lực giảm lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng tín dụng và qua đó hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong các tháng còn lại của năm. Ngân hàng Nhà nước cũng đã yêu cầu các ngân hàng thương mại giảm mặt bằng lãi suất cho vay thêm 1,5-2 điểm % trong tháng 8 vừa qua. Lãi suất huy động duy trì đà giảm kỳ vọng sẽ tạo điều kiện cho lãi suất cho vay tiếp tục giảm từ nay tới cuối năm.

Dù vậy, với việc lạm phát có dấu hiệu tăng trở lại cùng rủi ro tỷ giá lớn hơn, BVSC cho rằng mặt bằng lãi suất thời gian tới có thể sẽ giảm chậm hơn so với các tháng vừa qua. Ngoài ra, BVSC nhận định dư địa giảm lãi suất điều hành và huy động sẽ không còn lớn.

Dưới đây là mức lãi suất được tổng hợp từ website của 32 ngân hàng (áp dụng với khách hàng cá nhân, cho khoản tiền dưới 1 tỷ đồng gửi tại quầy, trả lãi cuối kỳ).