Trong tuần qua, các ngân hàng thương mại nhà nước (Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank) đồng loạt giảm lãi suất huy động. Theo đó, lãi suất huy động có kỳ hạn từ 1 tháng đến 9 tháng giảm 0,3 điểm phần trăm và kỳ hạn từ 12 tháng trở lên giảm 0,5 điểm phần trăm.
Tại BIDV, VietinBank và Vietcombank, lãi suất tiền gửi tại quầy kỳ hạn từ 1 tháng tới 9 tháng đều giảm 0,3 điểm phần trăm. Lãi suất kỳ hạn 1 tháng đến 3 tháng còn 3-3,8%/năm. Bên cạnh đó, lãi suất kỳ hạn 6 tháng cũng giảm từ 5% xuống 4,7%/năm. Lãi suất kỳ hạn từ 12 tháng trở lên điều chỉnh mạnh từ 6,3% xuống còn 5,8%, tức giảm tới 0,5 điểm %.
Tại các ngân hàng thương mại khác, mức lãi suất huy động cũng giảm mạnh ở các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Tại nhiều ngân hàng thương mại, mức lãi suất huy động cao nhất cũng chỉ ở dưới 6%/năm. Tại ABBank, lãi suất huy động cao nhất 5,6% ở kỳ hạn 7 và 8 tháng. Tại MSB, lãi suất huy động tại quầy cao nhất hiện ở mức 5,4%/năm áp dụng với các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.
Theo thông tin của đại diện Ngân hàng Nhà nước tại hội thảo do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức ngày 22/8 với chủ đề: “Tăng cường khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn của khu vực doanh nghiệp: Khó khăn, thách thức và quyết tâm”, tín dụng 7 tháng đầu năm vẫn tăng thấp hơn so với cùng kỳ các năm trước, đạt khoảng 12,47 triệu tỷ đồng, tă̆ng 4,56% so với cuối năm 2022, thấp hơn cả mức 4,73% tại thời điểm cuối tháng 6.
Theo khảo sát của phóng viên tại website của 32 ngân hàng, với kỳ hạn 1 tháng, hiện mức lãi suất huy động cao nhất vẫn là 4,75%/năm. Tuy nhiên ở kỳ hạn này nhiều ngân hàng cũng đã giảm mạnh mức lãi suất huy động, điển hình như Eximbank giảm từ 4,75%/năm xuống chỉ còn 4,25%/năm.
Với kỳ hạn 6 tháng, hiện Ngân hàng Bắc Á đang là ngân hàng có mức huy động cao nhất, ở mức 6,55%/năm, trong khi tuần trước cao nhất là 6,8%/năm.
Nếu ở kỳ hạn 1 và 6 tháng, các ngân hàng thương mại nhà nước có mức huy động thấp nhất hệ thống, thì ở các kỳ hạn 12 và 24 tháng, đã có nhiều ngân hàng khác áp dụng mức huy động thấp hơn.
Kỳ hạn 12 tháng, lãi suất huy động của 32 ngân hàng dao động từ 5,0% đến 7,0%/năm. Hiện chỉ còn PublicBank huy động ở mức 7%/năm với kỳ hạn này, các ngân hàng khác đều đã giảm lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng xuống dưới 7%/năm.
Ở kỳ hạn 12 tháng, có 5 ngân háng áp dụng mức lãi suất huy động dưới mức 5,8%/năm mà các ngân hàng thương mại nhà nước đang áp dụng. Cụ thể, ABBank áp dụng lãi suất 5%/năm, ngân hàng Hong Leong - 5,2%/năm, MSB - 5,4%/năm, SeABank - 5,5%/năm, Eximbank - 5,6%/năm.
Ở kỳ hạn 24 tháng, lãi suất huy động cũng giảm mạnh, dao động từ 4,2% đến 7,2%/năm. Hiện chỉ có 2 ngân hàng huy động ở kỳ hạn này với mức trên 7%/năm là PublicBank và OceanBank.
Ở kỳ hạn 24 tháng, Agribank là ngân hàng nhà nước áp dụng mức lãi suất huy động thấp nhất, 5,5%/năm, 3 ngân hàng thương mại nhà nước còn lại áp dụng mức lãi suất huy động 5,8%/năm. Tuy vậy, có tới 4 ngân hàng thương mại khác đang áp dụng mức lãi suất thấp hơn của Agribank: ABBank 4,2%/năm, ngân hàng Hong Leong và VPBank cùng áp dụng mức 5,2%/năm, MSB: 5,4%.
Trong tuần qua, ABBank giảm tới 1%/năm đối với lãi suất huy động kỳ hạn 24 tháng, từ 5,2%/năm xuống chỉ còn 4,2%/năm.
Dưới đây là mức lãi suất được tổng hợp từ website của 32 ngân hàng (áp dụng với khách hàng cá nhân, cho khoản tiền dưới 1 tỷ đồng gửi tại quầy, trả lãi cuối kỳ).