Đồng bào Si La ở Lai Châu sinh sống tập trung ở xã Can Hồ,huyện Mường Tè; dân số toàn tộc có gần 800 người. Vốn là tộc người sống khép kín, trước đây người Si La sống hữu ngạn sông Đà, tách biệt với thế giới bên ngoài. Sau di chuyển tái định cư gần chục năm, cuộc sống của người Si La có nhiều thay đổi. Những nếp nhà khang trang, kiên cố thay cho nhà tranh vách gỗ, đường bê-tông sạch, đẹp dẫn đến mỗi gia đình, quan trọng hơn nữa là người Si La hiện đã sống hòa nhập, cởi mở với cộng đồng các dân tộc khác trên địa bàn.
Già làng, người có uy tín phát huy vai trò gương mẫu đi đầu
Đón chúng tôi trong niềm phấn khởi, già bản Hù Cố Xuân-một người uy tín trong cộng đồng người Si La khoe, bà và người dân trong bản mới đi tham dự Ngày hội văn hóa các dân tộc dưới 10 nghìn người ở thành phố Lai Châu về, đông vui lắm, ở đó có nhiều dân tộc cũng ít người như Si La mình; đi rồi mới thấy, cuộc sống của người Si La mình giờ cũng tốt lên chẳng thua kém gì so với các dân tộc ít người khác…
Với cộng đồng người Si La ở Lai Châu, bà Xuân là niềm tự hào của họ. |
Câu chuyện tưởng chừng chỉ là xã giao ban đầu của bà Hù Cố Xuân nhưng gợi lại một thời bà con xã Si La vượt sông Đà lên nơi ở mới. Khi đó là vào năm 2014, theo Chương trình tái định cư Dự án thủy điện Lai Châu, người Si La phải nhường nơi ở đã gắn bó qua bao lớp người vì dòng điện ngày mai của Tổ quốc. Bấy giờ nhiều người trong bản không muốn di chuyển, họ lo về nơi ở mới chẳng có đất sản xuất, chẳng biết làm ăn gì, rồi chỗ đó liệu rằng có tốt như nơi ở cũ không…
Sắp cận ngày di chuyển mà bà con chưa chịu đi, cùng với đó là những câu chuyện, thêu dệt, tuyên truyền như: "đêm qua con Hoẵng rừng về kêu thảm thiết, báo hiệu nếu đi là điềm gở…". Có hộ còn mời thầy mo về cúng giải hạn xua đi những điều xấu, biết bao tin đồn làm cho bà con không có tâm trạng chuyển lên nơi tái định cư.
Chuyện người Si La còn do dự chưa yên tâm với cuộc sống tái định cư làm đau đầu các cấp chính quyền. Khi ấy, bằng tiếng nói của người uy tín, bà Xuân không ngại khó hằng ngày đến từng nhà vận động, nói chuyện, phân giải cái hay, cái lợi khi ổn cư, cùng những ưu tiên, chính sách của Đảng và Nhà nước dành cho bà con dân tộc vùng đặc biệt khó khăn. Dần dần bà con cũng ưng cái bụng. Và tháng 11/2014, tộc người Si La bên kia sông Đà đã di chuyển an toàn lên nơi ở mới.
Trong tâm tưởng mỗi người Si La, bà Xuân có rất nhiều đóng góp cho tộc người của họ. |
Không chỉ trong câu chuyện vượt Đà giang về vùng đất mới, trong tâm tưởng mỗi người Si La ở Can Hồ, bà Xuân còn rất nhiều đóng góp cho tộc người của họ. Bà vốn là cố giáo người Si La đầu tiên và cũng là nghệ nhân ưu tú nhất của người Si La được nhà nước công nhận.
Sinh ra và lớn lên tại bản Seo Hai, xã Can Hồ, từ nhỏ bà Xuân đã chứng kiến cảnh khó khăn thiệt thòi của đồng bào mình. Bởi người Si La từ lâu sống tách biệt bên kia sông Đà, không đường giao thông, không điện, không trường học. Sau này có các thầy giáo ở dưới xuôi hằng ngày bơi bè sang dạy chữ. Nhờ siêng năng học tập sau này bà Xuân trở thành cô giáo người Si La đầu tiên mang chữ về cho bản.
Cùng với việc dạy học, cô giáo Hù Cố Xuân luôn tích cực với mọi hoạt động của cộng đồng, đặc biệt trong việc bảo tồn, lưu giữ, truyền dạy văn hóa truyền thống, các điệu dân ca, dân vũ, các phong tục, tín ngưỡng, tập quán… của người Si La
Đặc biệt trong việc bảo tồn, lưu giữ, truyền dạy văn hóa truyền thống, các điệu dân ca, dân vũ, các phong tục, tín ngưỡng, tập quán… của người Si La |
Ông Lý Chà Khe năm nay tuổi xấp xỉ 80 mùa rẫy, không được học cái chữ nhiều, nhưng ông vẫn tự hào vì thời của ông ở bản có Hù Cố Xuân. Theo như lời của ông, không chỉ đi làm cô giáo dạy chữ cho con em đồng bào mình; cũng không cần kể về “chiến tích” của cô giáo Xuân đấu tranh với nạn nghiện và tái trồng cây thuốc phiện của người Si La trước đây, chỉ cần mỗi việc cô Xuân đưa văn hóa truyền thống của người Si La hòa nhập với văn hóa các dân tộc trong cả nước, cũng đủ để người Si La ở Can Hồ tự hào và cảm phục.
Cuộc sống kinh tế của bà con Si La tại nơi ở mới đã khá hơn nhưng những giá trị văn hóa tinh thần thì phải cần được lưu giữ. Bà Xuân luôn tâm nguyện phải để văn hóa Si La đến với mọi người, để mọi người hiểu hơn về dân tộc mình. Để làm được điều đó, bà Xuân xác định phải truyền dạy cho chính đồng bào mình trước. Và quả thật bà Xuân đã tập hợp lớp trẻ trong bản để truyền dạy các làn điệu dân ca, dân vũ, những truyền thống văn hóa, tập tục, tín ngưỡng… Để tiện cho lớp trẻ học tập bà Xuân đã chuyển thể các phong tục trên thành các bài hát, các làn điệu dân ca, rồi cùng họ luyện tập diễn xướng.
Với mong muốn giữ hồn tộc người Si La cho mai sau, bà Xuân phối hợp với Bảo tàng tỉnh, Hội Văn học nghệ thuật để cùng biên soạn, xuất bản nhiều công trình văn hóa có giá trị về người Si La ở Lai Châu. |
Đều đặn các buổi tối, mọi người quây quần ở nhà văn hóa xem đội văn nghệ của bà Xuân biểu diễn. Trong các chương trình Liên hoan văn nghệ quần chúng của huyện, tỉnh; bà Xuân mạnh dạn đăng ký đưa đội văn nghệ Si La đi giao lưu. Như giọt nước thấm dẫn vào đất mỗi ngày, đội văn nghệ Si La tham gia nhiều chương trình liên hoan trong và ngoài tỉnh, đã giành được nhiều giải cao, người Si La cũng qua đó mà tự hào.
Với tình yêu văn hóa, muốn giữ hồn tộc người Si La cho mai sau, mỗi khi rảnh rang, bà Xuân lại lặn lội hàng trăm ki-lô-mét ra thành phố phối hợp với Bảo tàng tỉnh, Hội Văn học nghệ thuật để cùng biên soạn, xuất bản nhiều công trình văn hóa có giá trị về người Si La ở Lai Châu. Một trong những ghi nhận mà bà Xuân nhận được sau nhiều tháng năm cống hiến cho dân tộc mình là việc bà vinh dự được Chủ tịch nước tặng danh hiệu “Nghệ nhân Ưu tú”.