Lai Châu: Đón năm học mới ở huyện biên giới Sìn Hồ

NDO - Sáng 5/9, hơn 25 nghìn học sinh các cấp của huyện biên giới Sìn Hồ (Lai Châu) đồng loạt tham dự Lễ khai giảng năm học mới 2022-2023.
0:00 / 0:00
0:00
Học sinh Trường Tiểu học Tả Phìn tham dự lễ khai giảng năm học mới.
Học sinh Trường Tiểu học Tả Phìn tham dự lễ khai giảng năm học mới.

Ngay từ sáng sớm tại các trường của huyện các bậc phụ huynh đưa con đến trường dự lễ khai giảng năm học mới. Thời tiết trên địa bàn trong buổi sáng nay không có mưa và nắng nhẹ, tạo điều kiện thuận lợi cho các trường tiến hành buổi Lễ khai giảng năm học mới.

Tại điểm Trường Tiểu học xã vùng cao Tả Phìn có rất nhiều phụ huynh ngoài đưa con đi khai giảng còn chở theo rất nhiều đồ đạc cá nhân để cho con ở bán trú tại trường. Anh Vàng A Xà bản Suối Sù Tổng cho biết, do nhà cách trường hơn 70 km nên từ 3 giờ sáng bố con anh đã phải dậy để chuẩn bị cơm nắm ăn dọc đường khi chở nhau lên trường. Ngoài là buổi khai giảng thì còn là buổi đầu cho con đi học xa nhà của năm học mới. Do đó anh Xà phải mang theo cả đồ dùng sinh hoạt hàng ngày cho cháu để cháu bước vào năm học mới thoải mái và yên tâm, vợ chồng anh cũng yên lòng hơn.

Theo lời anh Xà, con anh năm nay lên lớp 4, ở bán trú nên mới có điều kiện cho con theo học. Nhà có 5 con nhưng do quá xa trường nên hai con đầu của anh chỉ học ở điểm bản đến hết tiểu học thì phải ở nhà. Nay còn 3 cháu đang học tiểu học thì có hai cháu học tại điểm bản, một cháu đi học bán trú tại trường. Dù xa xôi, song do anh chị của các cháu đã phải bỏ học nên anh cố gắng để ba cháu còn lại được đến trường.

Cũng như anh Xà, Trường tiểu học Tả Phìn có 3 điểm trường có khoảng cách từ nhà đến trường trên 50 km. Những năm trước do không có đường đi lại nên để đưa con đến trường, các bậc phụ huynh thường phải đi bộ đường rừng cả nửa ngày đường, do đó nhiều cháu chỉ học hết ở bản rồi bỏ học ở nhà. Hiện do các cháu được ở bán trú và đường xá đi lại thuận lợi hơn nên học sinh ở 3 điểm trường này đã ra lớp đều, tỷ lệ học sinh sau lớp 1, 2 ở điểm bản đều đạt tỷ lệ 100%.

Năm học này Trường tiểu học Tả Phìn có 15 lớp với 365 học sinh. Bước vào năm học mới thầy và trò nhà trường cũng còn gặp một số khó khăn về giáo viên và cơ sở vật chất. Thầy Trần Đức Hoàn - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Do đang chuẩn bị được đầu tư xây dựng mới nên kỳ học này, nhà trường phải mượn nhà văn hóa của xã để bố trí hai lớp học tạm cho các cháu.

Ngoài ra nhà trường cũng phải bố trí bớt một phòng ăn của các cháu để sắp xếp thêm một phòng học bảo đảm đủ phòng lớp học, bảo đảm cho công tác dạy và học của thầy và trò nhà trường. Năm nay là năm đầu học sinh lớp 3 của nhà trường được học môn tin học, tiếng anh bắt buộc theo chương trình của Bộ.

Mặc dù không có giáo viên, song phía Phòng Giáo dục đã bố trí cho giáo viên từ cấp 2 tăng cường giảng dạy giúp nhà trường. Hiện tại về phía nhà trường khó khăn nhất là quãng đường di chuyển của một số điểm bản có khoảng cách trên 50km, việc này khiến việc duy trì dạy và học của thầy cô gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên nhà trường cũng đã tính toán bố trí các thầy cô giáo có nhiều năm kinh nghiệm bám trường, bám lớp. Mục tiêu của nhà trường là khắc phục mọi điều kiện hoàn cảnh, trong khả năng có thể sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh được ra lớp và ra lớp đều.

Theo ông Phạm Văn Phôi - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sìn Hồ, năm học này, huyện Sìn Hồ có trên 1.000 lớp học với trên 25 nghìn học sinh ở 3 cấp học. So với năm học trước, số lượng học sinh trên địa bàn huyện năm học này tăng ở nhóm mầm non và tiểu học. Để bảo đảm cơ sở vật chất trường, lớp cho năm học 2022-2023, ngành giáo dục Sìn Hồ đã bắt tay vào việc chỉnh trang khuôn viên, sửa chữa, xây mới hệ thống cơ sở vật chất, mua sắm thêm các trang thiết bị phục vụ công tác giảng dạy và học tập; đến nay tỷ lệ phòng học của huyện đã đạt 81% kiên cố hóa. Đồng thời huyện cũng đã tuyển dụng thêm giáo viên còn khuyết thiếu ở một số bộ môn như tiếng anh, âm nhạc, mỹ thuật, tin học... để phục vụ công tác giảng dạy.

Cùng với tăng cường chuẩn bị cơ sở vật chất, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cũng sắp xếp lại đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên bảo đảm bố trí nhân lực hợp lý; đồng thời xây dựng kế hoạch đào tạo bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên đáp ứng việc đổi mới chương trình đối với lớp 3, lớp 7. Đồng thời, đề ra các nhiệm vụ trọng tâm để tập trung thực hiện, chú trọng đổi mới phương pháp dạy và học, bổ sung trang thiết bị giáo dục đặc biệt ở cấp mầm non, phối hợp các hội, đoàn thể trên địa bàn hỗ trợ gia đình học sinh có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo… để các cháu tới lớp đầy đủ.