Lá cờ đầu trong xây dựng nông thôn mới nâng cao ở Hà Nội

Huyện Đông Anh (Hà Nội) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới từ năm 2016. Phát huy kết quả đạt được, những năm qua huyện tập trung xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu gắn với đầu tư xây dựng huyện thành quận. Đông Anh phấn đấu đến năm 2025, 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
0:00 / 0:00
0:00
Trồng rau xanh trong khu nhà màng tại Hợp tác xã Bắc Hồng (Đông Anh, Hà Nội), Nguồn Agribank.
Trồng rau xanh trong khu nhà màng tại Hợp tác xã Bắc Hồng (Đông Anh, Hà Nội), Nguồn Agribank.

Theo Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội, trong những năm qua, huyện Đông Anh đã thực hiện triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tập trung cho mục tiêu giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Nhờ đó, bộ mặt nông thôn ở Đông Anh đã thay đổi toàn diện và rõ nét. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đông Anh Nguyễn Anh Dũng cho biết, năm 2022, thu nhập của người dân trên địa bàn ước đạt 68 triệu đồng/người/năm.

Huyện tập trung thực hiện các giải pháp nhằm triển khai có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững như hỗ trợ xây, sửa chữa nhà hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ phân bón, thóc giống, bò giống, xe máy, xe đạp, miễn giảm học phí, hỗ trợ bảo hiểm y tế cho các hộ cận nghèo. Đến nay, đã không còn hộ nghèo trên địa bàn huyện. Cùng với đó, Đông Anh đẩy mạnh thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, bảo tồn và phát huy tốt các bộ môn nghệ thuật cổ truyền; các thôn, làng đã xây dựng và hoàn thiện quy ước. Nhờ vậy, 153 trong tổng số 155 thôn, làng đã đạt chuẩn văn hóa.

Nông nghiệp giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Để nâng cao thu nhập cho người dân, sản xuất nông nghiệp luôn được huyện quan tâm, đầu tư phát triển. Hằng năm, Đông Anh hỗ trợ từ 10-15 tỷ đồng cho nhà nông áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Trong đó, chú trọng phát triển nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để hình thành các vùng, các mô hình trồng trọt, chăn nuôi có giá trị kinh tế cao. Cơ cấu ngành nông nghiệp của Đông Anh đang chuyển dịch theo hướng sản xuất tập trung, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm.

Trên địa bàn huyện hình thành nhiều mô hình chuyên canh, tập trung ứng dụng công nghệ cao, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đông Anh hiện có các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh, tập trung được duy trì hiệu quả như: Vùng sản xuất lúa nếp cái hoa vàng ở các xã Thụy Lâm, Liên Hà, Dục Tú, Việt Hùng với diện tích 800 ha; vùng sản xuất rau an toàn tại các xã Vân Nội, Tiên Dương, Nam Hồng, Bắc Hồng, Nguyên Khê, Cổ Loa, Tàm Xá với diện tích là 800 ha; vùng trồng hoa đào, quất cảnh, hoa ly, chậu hoa cảnh tại các xã Uy Nỗ, Tiên Dương, Tàm Xá, Vĩnh Ngọc với diện tích 200 ha; vùng sản xuất ngô tại các xã Tàm Xá, Vĩnh Ngọc với diện tích 100 ha; vùng trồng cây ăn quả như chuối tiêu hồng, bưởi diễn ở các xã Tàm Xá, Vĩnh Ngọc, Hải Bối, Đại Mạch với diện tích là 100 ha.

Ngoài ra, Đông Anh còn có mô hình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất rau an toàn và hoa lan với diện tích là 7,23 ha; sản xuất rau an toàn theo mô hình VietGAP, sản xuất hữu cơ với 20 ha ở các đơn vị như: HTX Khải Hưng, HTX Sông Hồng, HTX sản xuất và tiêu thụ RAT Bắc Hồng, HTX Ba Chữ, Công ty TNHH Hải Anh; 53 mô hình chăn nuôi quy mô lớn, đầu tư chuồng trại chăn nuôi hiện đại…

Mặc dù đạt được nhiều kết quả ấn tượng nhưng quá trình xây dựng nông thôn mới ở Đông Anh hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn. Nhiều tiêu chí chưa đạt tỷ lệ như tiêu chí trường học, cơ sở vật chất văn hóa. Một số tiêu chí được đánh giá là đạt nhưng chưa bền vững như tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm. Mặc dù công tác môi trường đã được quan tâm, chú trọng, tuy nhiên do nhận thức của người sản xuất, tốc độ đô thị hóa cao cho nên vấn đề bảo vệ môi trường vẫn chưa được giải quyết triệt để. Phần lớn sản xuất nông nghiệp còn ở quy mô nhỏ, phạm vi hộ gia đình; việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất còn ít; năng suất, chất lượng sản phẩm, hiệu quả sản xuất chưa cao, việc liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ chưa thật sự phát triển. Chính sách khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp chưa đủ mạnh để thu hút được các hộ, các doanh nghiệp đầu tư. Mặc dù đã hình thành một số chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nhưng số lượng còn ít, việc triển khai còn hạn chế và gặp nhiều khó khăn.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Nguyễn Anh Dũng, để hoàn thành mục tiêu đến năm 2025, 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, thời gian tới Đông Anh sẽ chỉ đạo, hướng dẫn các xã đầu tư, thực hiện các tiêu chí còn thiếu, đồng thời nâng cao các tiêu chí đã đạt; tập trung nguồn lực thực hiện duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí theo bộ tiêu chí nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu gắn với phát triển đô thị; hướng dẫn các HTX nông nghiệp xây dựng, phát triển mô hình các hợp tác xã sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp chất lượng và hiệu quả cao; xây dựng các chuỗi liên kết giữa người nông dân-nhà khoa học và doanh nghiệp.