Chia sẻ với phóng viên Báo Nhân Dân, ông Dương Đình Bảng, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Lào (AVILA) cho rằng, Việt Nam-Lào hiện có nhiều cơ chế chính sách hiệu quả nhằm thúc đẩy quan hệ song phương trong lĩnh vực kinh tế.
Tuy nhiên, để thúc đẩy quan hệ song phương trong lĩnh vực kinh tế-thương mại ngày càng đạt hiệu quả hơn nữa thì cần có những chính sách mang tính chiến lược trong việc kết nối hai nền kinh tế hai nước với nhau.
Trước hết, hai bên cần ban hành những chính sách hợp tác có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên các dự án mang tính đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế trước mắt và tầm nhìn dài hạn trong các ngành năng lượng, khai khoáng, giao thông vận tải, nông nghiệp, dịch vụ du lịch...
Để quan hệ thương mại Việt Nam-Lào ngày càng tăng trưởng hơn, ông Bảng cho rằng hai bên cần có chính sách hợp lý thúc đẩy sử dụng đồng tiền nội tệ của hai nước vào hoạt động đầu tư, thương mại, thông qua hệ thống ngân hàng thương mại của mỗi nước nhằm giảm phụ thuộc vào các ngoại tệ khác.
Đồng quan điểm, ông Phạm Quang Phú, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Sacombank Lào cho rằng, các cơ chế chính sách mới cần nhắm tới việc tăng cường hợp tác, kết nối thị trường hai nước, tăng quy mô sử dụng hàng hóa dịch vụ, trao cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa hai nước.
Để nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ, cải thiện năng suất và tăng cường năng lực cạnh tranh, ông Phú cũng đề xuất cần có các chính sách về chuyển giao công nghệ và mô hình kinh doanh thành công giữa hai nước.
Để tăng cường tính kết nối, ông Phú đề xuất đẩy mạnh việc kết nối các vùng miền và ngành nghề giữa hai nước Việt Nam-Lào, nhằm tạo cơ hội gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm và giới thiệu cho nhau cơ hội kinh doanh; đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng giao thông, vận tải, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương, vận chuyển hàng hóa của hai quốc gia, góp phần tăng trưởng ổn định kim ngạch xuất nhập khẩu của hai nước.
Cuối cùng, ông Phú đề xuất cần tiếp tục có những chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp đầu tư giữa hai nước, cải thiện môi trường kinh doanh, đơn giản hóa quy trình thủ tục hành chính, xây dựng hệ thống pháp lý công bằng, minh bạch và ổn định.
Để quan hệ kinh tế Việt Nam-Lào ngày càng phát triển
Để quan hệ kinh tế của hai nước “xứng tầm” với mối quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào, ông Phú cho rằng cần xây dựng cơ chế thông thoáng, có các chính sách hỗ trợ đặc thù, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư sang Lào.
Theo ông Phú, Lào là quốc gia đang trong quá trình phát triển, nguồn nhân lực thiếu, thị trường nhỏ, chịu sự cạnh tranh lớn. Nếu không có các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất thì các doanh nghiệp Việt Nam sẽ gặp nhiều thách thức khi cạnh tranh với các doanh nghiệp cùng ngành nghề của các nước khác.
Ông Phú cũng đề xuất hai bên thiết lập “đường dây nóng”, tạo đầu mối hành lang pháp lý để có thể giải quyết ngay các vấn đề vướng mắc của các doanh nghiệp đầu tư của hai nước.
“Mối quan hệ hai nước Việt Nam-Lào là có một không hai trên thế giới, do đó, hợp tác toàn diện là chính trị phải đi đôi với kinh tế. Hai nước nên tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư, có đường dây nóng để sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp tìm cách tháo bỏ các vướng mắc, hướng tới mục tiêu chung là nền kinh tế của hai nước ngày càng phát triển”, ông Phú bày tỏ.
“Những doanh nghiệp Việt Nam đầu tư sang Lào đều thuộc những ngành nghề huyết mạch của kinh tế Lào, do đó các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả mới giúp Lào phát triển và trở thành những mắt xích, góp phần thắt chặt thêm mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện giữa hai nước Việt Nam-Lào”, ông Phùng Quang Phú cho biết.
Theo ông Dương Đình Bảng, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Lào (AVILA), hai nước Việt Nam-Lào có quan hệ đặc biệt, nên trong quan hệ hợp tác phát triển kinh tế song phương cũng nên có những ưu tiên đặc biệt.
Trong bối cảnh kinh tế hiện nay của Lào, cần có những chính sách ưu tiên nhằm hỗ trợ nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp Việt Nam tại Lào về mặt vốn đầu tư, được tiếp cận vốn ưu đãi khi đầu tư các dự án tại Lào.
Ông Bảng cũng bày tỏ mong muốn cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tại Lào cần được coi là một kênh, một địa chỉ tin cậy trong việc tham gia góp ý kiến xây dựng cơ chế chính sách hợp tác kinh tế song phương, được tin tưởng giao cho triển khai thực hiện các dự án hợp tác giữa hai nước.
Ngoài ra, ông Bảng cũng đề xuất tổ chức gặp mặt đối thoại giữa cộng đồng doanh nghiệp với các cơ quan liên quan hai bên, tạo cơ hội để doanh nghiệp được trình bày nguyện vọng cũng như phản ánh tình hình và nêu những khó khăn vướng mắc.