Nằm trên cao nguyên Isan ở vùng đông bắc Thái Lan, cách thủ đô Bangkok khoảng 560km, tỉnh Udon Thani là một trong những tỉnh có cộng đồng người Thái gốc Việt đông đảo nhất ở Thái Lan. Từ những gia đình đầu tiên tản cư từ Lào sang Thái Lan sinh sống từ năm 1946, đến nay cộng đồng người Thái gốc Việt ở Udon Thani đã trải qua nhiều thế hệ với hơn 60.000 người.
Trong chuyến công tác tới Udon Thani, chúng tôi đã có dịp trò chuyện với cô Nguyễn Thị Xuân Oanh, người đã gắn bó với việc dạy tiếng Việt trong hơn 60 năm qua, về phong trào tiếng Việt ở Udon Thani.
Khi biết chúng tôi muốn tìm hiểu về những người gây dựng nên phong trào tiếng Việt ở Udon Thani, cô cho biết phần lớn những thầy, cô giáo từ thời kỳ đầu đều đã khuất, hiện chỉ còn vài thầy cô vẫn còn sống.
Sau cuộc trò chuyện, cô Oanh đã sốt sắng liên hệ và đưa chúng tôi đến thăm các thầy Phạm Văn Tuấn (tức Diệm) và thầy Lê Văn Nghĩa, những người thuộc thế hệ thầy dạy tiếng Việt đầu tiên ở Udon Thani.
Các thầy, cô ôn lại những kỷ niệm một thời thanh niên sôi nổi. |
Khi chúng tôi tới nhà của thầy Diệm thì đã thấy cô con dâu dìu thầy ra tận cửa đón. Dù đã 101 tuổi, nhưng thầy Diệm vẫn còn rất minh mẫn, khỏe mạnh, chỉ bị suy giảm về thính lực.
Cũng cùng lúc đó, thầy Nghĩa, dù đã 90 tuổi, cũng vừa đạp xe tới cửa nhà. Và trong cuộc gặp giữa những thầy trò, đồng nghiệp cũ, chúng tôi được nghe các thầy, cô chia sẻ những kỷ niệm, ký ức về một thời gian khó xa xưa.
Đến nay, các thầy cô người còn người mất, nhưng chúng tôi rất tự hào đã có một thời hết mình cống hiến tuổi thanh xuân tươi đẹp cho công cuộc trồng người để rèn luyện nên một lớp người thừa kế, biết sống và làm việc theo lời Bác Hồ dạy.
Cô Nguyễn Thị Xuân Oanh
Cô Oanh kể, ngay sau khi bà con người Việt tản cư từ Lào sang Thái Lan năm 1946, Tổng hội Việt kiều cứu quốc đã tính ngay đến việc tổ chức cho con em Việt kiều được đi học. Các lớp học đã được tổ chức tại các làng Việt kiều, bắt đầu với những lớp vỡ lòng, lớp 1, 2. Rồi sau đó, khi cuộc sống kiều bào đã tạm ổn định, Tổng hội tiếp tục mở những lớp có trình độ cao hơn như lớp 5, lớp 6 và cao nhất là lớp 8. Những học sinh học lớp này thường là các học sinh lớn, được hướng trở thành giáo viên để quay lại dạy cho con em Việt kiều.
Lực lượng giảng dạy khi đó, ngoài một các thầy giáo cũ từ bên Lào tản cư sang, còn có một số người có trình độ. Thầy Diệm và thầy Nghĩa cũng nằm trong số này. Năm 1952, sau khi bị thương ở mặt trận miền tây về, thầy Diệm mở một tiệm may ở ngoài phố. Sau đó, thầy được đoàn thể thuyết phục nghỉ làm may để đi giúp kiều bào. Và thế là thầy dẹp hết máy may để đi dạy học từ đó.
Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài
Còn thầy Nghĩa thì được anh rể là một cán bộ thuyết phục đi làm thầy giáo dạy cho các em. Với trình độ chỉ mới tốt nghiệp tiểu học bên Lào, thầy bắt đầu dạy từ lớp vỡ lòng, dần dần lớp 1, 2 rồi đến lớp 5. Có những bài không hiểu thì phải hỏi các cô, đi học lại, xong về mới giảng cho học trò.
Thầy Phạm Văn Tuấn. |
Thầy Diệm tâm sự: “Trình độ của tôi chỉ lớp 5 nhưng tôi tự học nhiều lắm. Tôi tự học theo sách bổ túc ở bên Việt gửi sang, học suốt ngày đêm. Vì mình không học thì không đủ người dạy học sinh nữa. Hồi đó trình độ cao nhất ở đây chỉ có mình ông Mân, học hết lớp 10 ở bên Vientiane thôi, mà một mình ông Mân cũng không đủ sức dạy”.
Khi đó, các thầy, cô vừa tham gia dạy cho các lớp học, lại vừa phải tự biên soạn giáo trình giảng dạy. Khó khăn lớn nhất lúc bấy giờ là không có tài liệu tham khảo vì không ai mang được sách giáo khoa khi tản cư qua Thái Lan. Tất cả phải dựa vào trí nhớ của các thầy cô. Các thầy, cô còn phải tự học hỏi để tự nâng cao trình độ bản thân để có thể dạy cho các em lên lớp cao hơn. Sau này, các thầy cô cũng tìm cách chuyển sách giáo khoa từ Việt Nam sang. Nhưng do số lượng ít, các thầy cô phải chia nhau chép thành nhiều bản để giảng dạy.
Cô Oanh tâm sự: “Làm giáo viên giảng dạy trong cộng đồng vất vả lắm. Ban ngày đi dạy, tối lại phải đi học thêm văn hóa. Bài vở đi dạy phải tự chép, lại còn phải tham gia công tác xã hội, phải làm nòng cốt trong thanh niên. Các ngày thứ 5 phải tham gia bồi dưỡng cách giảng dạy, Chủ nhật thì sinh hoạt giáo viên. Vì thế, có thể nói giáo viên Việt kiều Thái Lan làm việc đến 10 tiếng cả ngày lẫn đêm trong suốt cả tuần”.
Các thầy cô đi dạy học khi đó đều là tự nguyện, chi phí mà đoàn thể cấp cho cũng chẳng đủ tiêu. Ấy thế nhưng các thầy cô luôn được kiều bào chăm lo, đùm bọc.
Thầy Nghĩa kể: “Khi tôi đi bắt đầu đi dạy thì còn chưa lập gia đình, chưa có tiền lương, toàn được kiều bào nuôi. Sau năm 1950 các giáo viên mới có phụ cấp của đoàn thể, nhưng cũng chỉ đủ ăn trong nửa tháng. Lúc ấy, tôi được các gia đình hảo tâm nuôi ăn trong nhà. Các gia đình chia nhau luân phiên mỗi nhà nuôi tôi một tháng”.
Thầy Lê Văn Nghĩa. |
Dù khó khăn, vất vả là thế, nhưng với tình yêu quê hương, với quyết tâm giữ gìn tiếng Việt, những nét văn hóa tốt đẹp, truyền thống yêu nước, các thầy cô đã nỗ lực, bền bỉ truyền dạy các kiến thức của mình cho các em, các cháu trong cộng đồng. Nhiều học trò của thầy Diệm, thầy Nghĩa cũng đã tiếp nối con đường của các thầy và trở thành giáo viên dạy tiếng Việt như cô Oanh, cô Hằng, cô Tuất. Thậm chí, cô Oanh còn được các thầy tín nhiệm cho cô lên lớp dạy từ khi cô mới 14 tuổi.
Với nỗ lực của đoàn thể, các thầy cô, phong trào dạy và học tiếng Việt ngày càng phát triển mạnh mẽ. Đến năm 1964, số lượng học sinh tại mỗi địa phương đã lên tới hơn một nghìn học sinh. Số giáo viên cũng tăng mạnh để đáp ứng nhu cầu. Mỗi địa phương khi đó có trên dưới 100 thầy cô. Trên toàn Thái Lan có tới 500 đến 600 thầy cô.
Và không phụ sự vất vả của các thầy cô, các học sinh đều có kết quả học tập rất tốt. Các em đi học ở các trường Thái đều giành danh hiệu học sinh giỏi ở trường khiến các thầy cô người Thái phải ngạc nhiên: “Sao con em người Việt lại giỏi toán thế”. Nhiều em sau khi hồi hương về Việt Nam vẫn đủ khả năng theo kịp các bạn học ở trong nước. Có nhiều em còn đạt điểm cao và được cử đi học ở nước ngoài, trở thành bác sĩ, kỹ sư.
Trình độ của tôi chỉ lớp 5 nhưng tôi tự học nhiều lắm. Tôi tự học theo sách bổ túc ở bên Việt gửi sang, học suốt ngày đêm.
Thầy Phạm Văn Tuấn
Thời gian sau đó, việc dạy và học tiếng Việt ở Thái Lan trở nên khó khăn. Từ các trường lớp rộng rãi, giờ đây các lớp phải tổ chức học nhờ trong xó nhà, góc bếp của các gia đình kiều bào. Chương trình giảng dạy của các lớp cũng phải thu gọn lại chỉ còn các môn chính là Văn, Toán, Lịch sử, Địa lý.
Ngoài ra, còn có thêm hai môn mà chỉ có Việt kiều Thái Lan mới có, tự soạn bài giảng, đó là môn Công dân và Đạo đức hay còn gọi là Đức dục. Hai môn này được đưa vào giảng dạy nhằm mục đích giáo dục cho các em lòng yêu quê hương đất nước, yêu Bác Hồ, hiểu biết thêm về Tổ quốc và con người Việt Nam.
Các thầy, cô ôn lại những kỷ niệm một thời thanh niên sôi nổi. |
Trong suốt cả buổi chiều, cuộc trò chuyện giữa ba thầy trò với chúng tôi ngày càng rôm rả. Nhắc tới những ký ức một thời sôi nổi, dường như cả ba thầy cô đều trở nên trẻ lại. Các thầy, cô vẫn còn nhớ như in những câu chuyện, bài thơ mà họ đã từng dạy cho các học trò ngày trước.
Thầy Diệm còn nổi hứng đọc cho chúng tôi nghe những bài thơ của nhà thơ Tố Hữu như “30 năm đời ta có Đảng”, “Mẹ Suốt”... Nghe giọng thầy sang sảng đọc những câu thơ của nhà thơ Tố Hữu, chúng tôi không khỏi cảm thấy xúc động bồi hồi.
Năm 1975, do tình hình quá khó khăn, các lớp học tiếng Việt ở Thái Lan phải đóng cửa hoàn toàn, phong trào cũng bị ngắt quãng. Và chỉ đến hơn chục năm sau thì mới dần được phục hồi. Thầy Diệm và thầy Nghĩa đều đã có tuổi không tham gia giảng dạy được nữa. Nhưng cô Oanh và các thầy, cô giáo khác hiện vẫn tiếp tục nỗ lực duy trì và thúc đẩy phong trào tiếng Việt. Những lớp tiếng Việt vẫn được đều đặn mở ra cho các các em, các cháu ở Udon Thani. Hằng tuần, cứ vào thứ 3 và thứ 6, hàng chục con em Việt kiều lại cắp sách tới ngôi trường tiếng Việt ở chùa Khánh An để học đọc, viết tiếng Việt và hát những bài hát yêu quê hương, đất nước.
Cô Oanh chia sẻ: “Đến nay, các thầy cô người còn người mất, nhưng chúng tôi rất tự hào đã có một thời hết mình cống hiến tuổi thanh xuân tươi đẹp cho công cuộc trồng người để rèn luyện nên một lớp người thừa kế, biết sống và làm việc theo lời Bác Hồ dạy. Hôm nay, lớp học sinh đó đã trở thành những cán bộ lãnh đạo trong Tổng hội người Việt Nam toàn Thái Lan và các hội địa phương, là những người có ích cho xã hội, cho gia đình. Khi nhắm mắt, xuôi tay, các thầy cô không hối hận là đã “sống hoài, sống phí”.
Năm 1975, do tình hình quá khó khăn, các lớp học tiếng Việt ở Thái Lan phải đóng cửa hoàn toàn, phong trào cũng bị ngắt quãng. Và chỉ đến hơn chục năm sau thì mới dần được phục hồi.
Sau bao thăng trầm, nhờ những nỗ lực của các thầy, các cô, đến nay, các thế hệ người Việt trẻ ở Udon Thani đang tích cực tham gia vào việc gìn giữ, không để tiếng Việt không bị mai một trong cộng đồng, từ đó giúp duy trì những nét văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam trên mảnh đất đông bắc Thái Lan.