Kỳ thi tốt nghiệp THPT đã đáp ứng yêu cầu đề ra

Ngay sau khi kết thúc kỳ thi, chiều 28/6, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức họp báo thông tin về kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) năm 2024. Kỳ thi được đánh giá là chuẩn bị sớm, chủ động, khẩn trương, kỹ lưỡng, chu đáo, toàn diện, cho nên diễn ra đúng kế hoạch, bảo đảm nghiêm túc, an toàn và thuận lợi.
0:00 / 0:00
0:00
Thí sinh Đà Nẵng dự thi tại điểm Trường THPT Trần Phú - TP Đà Nẵng. (Ảnh NGỌC ĐÀO)
Thí sinh Đà Nẵng dự thi tại điểm Trường THPT Trần Phú - TP Đà Nẵng. (Ảnh NGỌC ĐÀO)

Các hội đồng thi đã tiến hành công tác chấm thi và dự kiến kết quả thi được công bố vào 8 giờ ngày 17/7.

Chưa ghi nhận hiện tượng tiêu cực, gian lận

Theo báo cáo của các địa phương, công tác coi thi diễn ra theo đúng kế hoạch. Trong kỳ thi, có 30 thí sinh vi phạm quy chế thi và bị đình chỉ thi do sử dụng tài liệu và mang điện thoại vào phòng thi; không cán bộ nào vi phạm quy chế thi. Cho đến thời điểm này, toàn quốc chưa ghi nhận hiện tượng tiêu cực, gian lận có tổ chức.

Mặc dù các địa phương đã rà soát điều kiện cơ sở vật chất và hệ thống thiết bị in, sao đề thi, nhưng ở một số điểm thi tại tỉnh Đắk Lắk đã xảy ra sự cố đề thi bị mờ. Cụ thể, tại buổi thi môn Toán, có khoảng 20 thí sinh bị ảnh hưởng do lỗi in mờ trong mã đề thi 119, 121. Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk Phạm Đăng Khoa cho biết: Khi phát hiện, trưởng các điểm thi đã xử lý theo quy chế là bổ sung đề dự phòng để các em tiếp tục làm bài.

Đối với những thí sinh thật sự bị ảnh hưởng lỗi mờ đề thi, Sở Giáo dục và Đào tạo đã báo cáo và đề xuất Ban Chỉ đạo thi quốc gia theo hướng sẽ chấm điểm cho những thí sinh bị ảnh hưởng không quá 0,2 điểm/câu.

Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trưởng ban Chỉ đạo cấp quốc gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 Phạm Ngọc Thưởng cho biết: Kỳ thi được chuẩn bị sớm, chủ động, khẩn trương, kỹ lưỡng, chu đáo, toàn diện, cho nên diễn ra đúng kế hoạch, bảo đảm nghiêm túc, an toàn và thuận lợi.

Ban Chỉ đạo thi các cấp đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc tổ chức coi thi tại các điểm thi, kịp thời phát hiện, nhắc nhở và hỗ trợ khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong quá trình tổ chức. Các hành vi vi phạm quy chế của thí sinh đã được kịp thời phát hiện và xử lý theo đúng quy định, bảo đảm tính nghiêm minh của kỳ thi.

Công tác ra đề và in sao, vận chuyển, giao nhận, bảo quản và sử dụng đề thi cũng được đánh giá đúng quy định, bảo đảm bảo mật và an toàn. Nội dung đề thi năm nay nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12. Các nội dung dạy học được điều chỉnh do tác động của dịch Covid-19 không được đưa vào đề thi đã đáp ứng yêu cầu kỳ thi.

Các điểm thi năm nay tiếp tục đặt tại địa phương, nơi thí sinh theo học đã giúp các em không phải di chuyển xa, không phải lo chỗ ăn ở, tạo tâm thế bình tĩnh, tự tin hơn khi làm bài và không gây áp lực về giao thông tại các thành phố lớn. Đối với các thí sinh không may bị ốm đau, gặp khó khăn trong việc viết bài cũng được các địa phương, điểm thi tạo điều kiện để có thể tham dự kỳ thi.

Tại hội đồng thi các tỉnh, thành phố như: Bình Phước, Đà Nẵng, Hải Dương… có một số thí sinh không may bị gãy tay, không viết được bài đã được các điểm thi bố trí người viết bài và thực hiện đầy đủ quy định bảo đảm thi an toàn, nghiêm túc.

Trong khi đó, các địa phương có các huyện, xã miền núi, hải đảo đã quan tâm sâu sát đến từng thí sinh là người đồng bào dân tộc thiểu số, những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, huy động các nguồn lực nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh.

Giải pháp đối với thí sinh chưa đỗ tốt nghiệp năm 2024

Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 là kỳ thi cuối cùng của lứa học sinh học theo chương trình giáo dục phổ thông 2006. Từ năm 2025, kỳ thi có một số điều chỉnh phương án tổ chức để phù hợp chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.

Theo đó, thí sinh sẽ thi tốt nghiệp THPT với hai môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn và hai môn thí sinh tự chọn trong số các môn được học ở lớp 12 (Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ). Trong đó, môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận, các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm. Phương thức xét công nhận tốt nghiệp sẽ kết hợp giữa kết quả đánh giá quá trình và kết quả thi tốt nghiệp theo tỷ lệ phù hợp lộ trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông.

Một trong những vấn đề đặt ra là đối với những học sinh không đỗ tốt nghiệp tại kỳ thi năm nay thì sang năm sẽ dự thi theo hình thức nào, nhất là khi đề thi môn Ngữ văn sẽ không sử dụng ngữ liệu trong sách giáo khoa như thi hiện nay.

Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho biết, đây là kỳ thi cuối cùng thực hiện theo chương trình giáo dục phổ thông năm 2006. Vì vậy, những thí sinh không đỗ tốt nghiệp năm nay cần được tạo điều kiện và có giải pháp hỗ trợ thí sinh.

Để thực hiện, Bộ Giáo dục và Đào tạo bên cạnh việc tổ chức thi cho các thí sinh theo chương trình mới cũng cần tính toán “gom” những thí sinh chưa đỗ tốt nghiệp để dự thi trong một hoặc vài điểm thi trên địa bàn tỉnh, thành phố để các em dự thi thuận lợi. Việc ra đề thi đối với học sinh chưa đỗ tốt nghiệp cũng cần bám sát chương trình năm 2006 để các em không gặp khó khăn khi làm bài.

Trước vấn đề này, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, từ năm 2025, những thí sinh chưa đỗ tốt nghiệp năm 2024 và những năm trước đó sẽ được tổ chức thi tốt nghiệp đúng nội dung chương trình giáo dục phổ thông đã được học theo tinh thần bảo đảm đầy đủ quyền lợi của các em. Nội dung này sẽ được đưa vào điều khoản chuyển tiếp của thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp THPT từ 2025.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngay sau khi kết thúc kỳ thi, các địa phương sẽ tiến hành công tác chấm thi. Việc tổ chức chấm thi, tổng kết chấm thi, đối sánh kết quả thi hoàn thành chậm nhất ngày 14/7. Trong thời gian diễn ra những hoạt động nêu trên, các đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo thi cấp quốc gia và 63 đoàn kiểm tra chấm thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ kiểm tra công tác chấm thi ở các hội đồng thi.