Quốc hiệu và kinh đô nước Việt trong Mộc bản triều Nguyễn

NDO -

NDĐT - Ngày 18-12, tại Trường Đại học Đà Lạt, Cục Văn thư Lưu trữ Nhà nước, Bộ Nội vụ và UBND TP Đà Lạt (Lâm Đồng), khai mạc triển lãm “Quốc hiệu và kinh đô nước Việt trong Mộc bản triều Nguyễn - Di sản tư liệu thế giới”.

Cục Văn thư Lưu trữ Nhà nước tặng hình ảnh Mộc bản khắc "Chiếu dời đô" của vua Lý Thái Tổ.
Cục Văn thư Lưu trữ Nhà nước tặng hình ảnh Mộc bản khắc "Chiếu dời đô" của vua Lý Thái Tổ.

Triển lãm giới thiệu đến công chúng 32 hình ảnh, tài liệu, hiện vật trong Di sản Mộc bản triều Nguyễn về nguồn gốc, ý nghĩa của các Quốc hiệu chính thức và Kinh đô của nước ta trải qua các thời kỳ lịch sử, từ buổi đầu dựng nước đến thế kỷ XIX; được khắc ghi trong các mộc bản Đại Việt sử ký toàn thư, Ngự chế Việt sử tổng vịnh tập, Khâm Định Việt sử thông giám cương mục và Đại Nam thực lục.

Phát biểu khai mạc, Cục trưởng Văn thư Lưu trữ Nhà nước Đặng Thanh Tùng nhấn mạnh: Triển lãm không chỉ tái hiện lại bức tranh sinh động về lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam từ xa xưa, thông qua những lần đặt, đổi Quốc hiệu và Kinh đô đất nước, mà còn thể hiện khát vọng và ý chí độc lập, tinh thần tự tôn, tự hào dân tộc của các bậc tiền nhân. Đồng thời, tạo điều kiện cho công chúng trong và ngoài nước được tiếp cận với các di sản tư liệu của Việt Nam.

Những lần thay đổi quốc hiệu, dời chuyển kinh đô đều đánh một dấu mốc trọng đại trong lịch sử dân tộc. Từ tên nước ta đầu tiên được nhắc đến là Xích Quỷ (tên một vì sao màu đỏ) của Kinh Dương Vương; đến năm 1838, vua Minh Mạng đổi quốc hiệu thành Đại Nam. Và Việt Nam đã thành tên gọi ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người dân từ đầu thế kỷ XIX.

Triển lãm diễn ra đến ngày 24-12.