Chia sẻ kinh nghiệm về bảo quản tài liệu mộc bản tại các nước châu Á

NDO -

NDĐT- Sáng 11-11, tại TP Đà Lạt (Lâm Đồng), Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước (Bộ Nội vụ) phối hợp Hiệp hội Mộc bản quốc tế, tổ chức tọa đàm quốc tế “Chia sẻ kinh nghiệm về công tác bảo quản tài liệu mộc bản tại các nước châu Á”.

Mộc bản triều Nguyễn đang được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV.
Mộc bản triều Nguyễn đang được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV.

Hơn 40 nhà nghiên cứu đến từ Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trung tâm di sản tư liệu, bảo tàng, viện nghiên cứu, trường đại học các nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Việt Nam tham dự.

Hơn 20 tham luận tại hội thảo tập trung các nội dung cơ bản, như: Thực trạng bảo quản các khối tài liệu mộc bản và cách bảo quản, những giải pháp bảo quản mộc bản trên cơ sở nghiên cứu về gỗ, lý luận về bảo quản mộc bản và giới thiệu một số khối tài liệu mộc bản tiêu biểu.

Cụ thể, một số tham luận như: “Bảo quản các di sản tư liệu mộc bản ở Việt Nam - nhìn từ góc độ quản trị rủi ro” của PGS, TS Vũ Thị Phụng; “Điều kiện môi trường bảo quản tài liệu Mộc bản Triều Nguyễn” của TS Vũ Mạnh Tường và GS, TS Phạm Văn Chương; “Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm và chùa Bổ Đà - Khuyết tật trên mộc bản và giải pháp khắc phục” của PGS, TS Nguyễn Thị Bích Ngọc; “Những giải pháp khắc phục tình trạng nứt vỡ của Mộc bản Triều Nguyễn” của TS Nguyễn Trọng Kiên; “Thực trạng mộc bản Nhật Bản, xử lý tài liệu trước khi số hóa và tu bổ, phục chế” của PGS, TS Takaaki Kaneko; “Bảo vệ, bảo quản và phát huy mộc bản cổ tại Bảo tàng ván khắc in Dương Châu - Trung Quốc” của tác giả Trang Chí Quân, Vương Tiêu Tiêu; “Chiến lược và sứ mệnh của công tác hợp tác quốc tế trong việc bảo quản di sản tư liệu” của tác giả Kim Kwi Bae,…

Mộc bản là loại hình tài liệu đặc biệt quý hiếm, chỉ có tại một số nước, như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Việt Nam và một số nước khác thuộc khu vực châu Á, phản ánh đặc trưng lịch sử, văn hóa của mỗi quốc gia, dân tộc. Ở Việt Nam, có ba tư liệu mộc bản đã được công nhận Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới của UNESCO, gồm “Mộc bản triều Nguyễn” (2009), hiện đang bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV; “Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm” (2012), do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang quản lý; “Mộc bản Trường học Phúc Giang” (2016), thuộc sở hữu của dòng họ Nguyễn Huy tại Hà Tĩnh.

Tại tọa đàm, Phó Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước Nguyễn Thị Nga cho rằng, trước những thách thức của thời gian và xuất phát từ nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan, mộc bản ở các nước và Việt Nam đều gặp phải những vấn đề về tình trạng vật lý, nếu không có những biện pháp kịp thời, sẽ gây những hư hỏng khó có thể khắc phục. Tại Việt Nam, thời gian qua, Chính phủ đả dành nhiều quan tâm cho ngành lưu trữ để bảo quản an toàn và phát huy giá trị tài liệu lưu trữ, tài liệu mộc bản.

Lịch sử hình thành tài liệu mộc bản cách đây hàng trăm năm, bảo quản trong nhiều điều kiện khác nhau, tài liệu mộc bản đang ngày một xuống cấp về chất lượng và tình trạng vật lý. Qua tọa đàm, các tác giả đều nhận thức và đánh giá cao vai trò của tài liệu mộc bản trong lịch sử và hiện tại. Đồng thời, nhấn mạnh sự cần thiết cần nghiên cứu các biện pháp, nhằm bảo quản lâu dài khối tài liệu mộc bản cho hôm nay và mai sau.

Trong khuôn khổ chương trình, sáng 12-11, tại TP Đà Lạt, các đại biểu tham quan và thảo luận về Mộc bản triều Nguyễn tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV.