Tham gia hội thi có 22 đội, bao gồm 11 đội của 11 xã trên địa bàn và 11 đội khách mời là các đầu bếp của các đội thi nổi tiếng đến từ các tỉnh Tây Nguyên, TP Hồ Chí Minh, Bạc Liêu, Kiên Giang…
Hội thi nhằm giới thiệu các món ăn đặc trưng của đồng bào Xơ Đăng; sáng tạo thêm các món ăn dinh dưỡng từ đặc sản cây sâm dây. Hội thi cũng là cơ hội để các doanh nghiệp đến tìm hiểu cơ hội đầu tư, thu mua và chế biến dược liệu; đồng thời kết nối các hoạt động du lịch trải nghiệm văn hóa, khám phá cây quốc bảo sâm Ngọc Linh.
Các giám khảo là chuyên gia thuộc Trung tâm nghiên cứu, bảo tồn, phát triển Ẩm thực Việt Nam và Hội đầu bếp chuyên nghiệp Sài Gòn sẽ trực tiếp chấm, phân định giải thưởng cho các đội.
Đầu bếp chế biến các món ăn dự thi. |
Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tu Mơ Rông Võ Trung Mạnh cho biết, các món ăn ngon, bổ dưỡng từ sâm dây do các đội thi sáng tạo ra sẽ được huyện sử dụng để mời du khách thưởng thức. Các công thức chế biến món ăn mới từ sâm dây sẽ được huyện in thành sách để giới thiệu cho người dân cả nước biết, sử dụng nhằm bồi dưỡng sức khỏe.
Đặc biệt, qua hội thi, người đồng bào Xơ Đăng trên địa bàn huyện sẽ học được nhiều công thức chế biến món ăn bản địa hợp với khẩu vị du khách, từ đó giúp họ chủ động tham gia phục vụ nấu ăn cho khách du lịch đến địa bàn, tạo ra nguồn thu, nâng cao đời sống.
Quan khách tham quan mâm cỗ dự thi của xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông. |
Ngoài ra, cũng trong khuôn khổ hội thi, vào chiều ngày 7 đến sáng 8/12, Ủy ban nhân dân huyện Tu Mơ Rông cũng tổ chức hội thi cồng chiêng, múa xoan cho thanh thiếu niên các trường học. Tham dự hội thi cồng chiêng có 11 đội đến từ các trường tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn.
Các đội thi sẽ có 10 đến 15 phút biểu diễn phần thi cồng chiêng của mình. Trên cơ sở các bài thi, các nghệ nhân sẽ chấm điểm, xếp hạng. Ban tổ chức sẽ trao 1 giải nhất, 2 giải nhì, 3 giải ba, 7 giải khuyến khích và các giải phụ năng khiếu khác.
Trao Kỷ niệm chương cho các đội thi. |
Theo ông Võ Trung Mạnh, trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông, tỷ lệ người đồng bào Xơ Đăng chiếm 95%. Đây là một kho tàng văn hóa vô cùng độc đáo. Những năm qua, huyện đã có nhiều chính sách để bảo tồn văn hóa cồng chiêng của người Xơ Đăng như tặng chiêng cho các làng, dạy đánh chiêng miễn phí.
Hội thi cồng chiêng, múa xoan cho thanh thiếu niên các trường học đợt này cũng nhằm vun đắp tình yêu cồng chiêng cho thế hệ trẻ. Qua hội thi, huyện sẽ tuyển chọn những em có năng khiếu cồng chiêng để bồi dưỡng, biến các em thành người kế tục văn hóa cồng chiêng thay lớp cha ông đã già yếu.