Kon Tum chú trọng bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh

Tỉnh Kon Tum có hơn 50% diện tích quy hoạch phát triển sâm Ngọc Linh. Trước thực trạng sâm Ngọc Linh có nguy cơ cạn kiệt và dẫn đến tuyệt chủng, từ năm 2004, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum đã xây dựng dự án bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh có sự tham gia của cộng đồng.
0:00 / 0:00
0:00
Trồng sâm Ngọc Linh trong rừng già tại xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông.
Trồng sâm Ngọc Linh trong rừng già tại xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông.

Tính đến quý III/2023, tổng diện tích trồng sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh Kon Tum là gần 1.800 ha. Có hai đơn vị đi đầu trong bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh tại Kon Tum là Công ty cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum và Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên lâm nghiệp Đắk Tô.

Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên lâm nghiệp Đắk Tô, Nguyễn Thành Chung cho biết: Để bảo tồn nguồn giống quý sâm Ngọc Linh, tránh bị lai tạp, công ty đã trồng sâm trong những khu riêng biệt. Trồng để lấy quả, từ đó nhân giống sâm Ngọc Linh chứ không nhằm mục đích kinh doanh; sản phẩm duy nhất công ty bán ra thị trường đến nay là lá sâm Ngọc Linh khô.

Với đặc điểm là phát triển dưới tán rừng già, sinh trưởng và phát triển hoàn toàn tự nhiên cho nên người dân trồng sâm Ngọc Linh tại tỉnh Kon Tum rất ý thức việc giữ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái tự nhiên của rừng.

Sớm xác định vùng đất, thổ nhưỡng phù hợp với việc trồng sâm Ngọc Linh tại hai huyện Đắk Glei, Tu Mơ Rông, người dân tìm những vị trí trong rừng có những hốc cây, hốc đá phù hợp với sự phát triển của cây sâm Ngọc Linh, sau đó cây giống sâm Ngọc Linh sẽ được đưa vào trồng mà không làm ảnh hưởng, tác động đến thảm thực vật dưới tán rừng.

Theo anh A Brit (làng Đắk Viên, xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông), người có hơn 20 năm kinh nghiệm trồng sâm ở núi Ngọc Linh, cho biết: Với tỷ lệ đạt chỉ khoảng 60-70% khi gieo hạt và tỷ lệ sống của cây giảm theo từng năm thì đến lúc thu hoạch cây sâm Ngọc Linh chỉ còn khoảng 30-40% tổng số cây đã gieo.

Sâm Ngọc Linh hoàn toàn được trồng tự nhiên trên rừng, không có bất kỳ tác động nào của các loại thuốc, phân trong quá trình sinh trưởng, phát triển của cây và để đạt được giá trị dinh dưỡng cao nhất thì sau khi trồng 8 đến 10 năm mới tiến hành thu hoạch.

Vùng trồng sâm Ngọc Linh nằm trong khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng, do đó để phát triển hơn nữa diện tích trồng sâm còn nhiều hạn chế vì Luật Lâm nghiệp (2017) không cho phép tác động vào rừng đặc dụng.

Bên cạnh đó, việc chưa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là cây trồng chính khiến công tác quản lý cây giống sâm Ngọc Linh để bảo đảm chất lượng, nguồn gốc rõ ràng, gặp nhiều khó khăn.

Đó là chưa nói đến vốn đầu tư để phát triển sâm Ngọc Linh rất lớn; để đầu tư trồng mới 1ha ước tính chi phí từ 10-13 tỷ đồng cho nên khó để nhiều hộ dân đáp ứng đủ năng lực tài chính để đầu tư.

Với những khó khăn, vướng mắc nêu trên, tỉnh Kon Tum đã đề ra định hướng phát triển sâm Ngọc Linh theo hướng bền vững, sản xuất hàng hóa đáp ứng nhu cầu thị trường, gắn sản xuất nguyên liệu với tiêu thụ sản phẩm; khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển sâm Ngọc Linh, góp phần tăng dần tỷ trọng của ngành công nghiệp dược trong tổng sản phẩm của tỉnh (GRDP).

Chi Cục trưởng Kiểm lâm tỉnh Kon Tum Nguyễn Văn Nam, cho biết: Trong thời gian tới, tỉnh Kon Tum tập trung vào các nhóm nhiệm vụ giải pháp chính để phát triển sâm Ngọc Linh, gồm: Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức và nhân dân về chủ trương, đường lối của tỉnh trong việc phát triển cây dược liệu, đặc biệt là sâm Ngọc Linh; tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước; phát huy vai trò của các đoàn thể chính trị-xã hội về phát triển sâm Ngọc Linh.

Bên cạnh đó, tỉnh thực hiện cơ chế, chính sách về sâm Ngọc Linh; đầu tư phát triển sâm Ngọc Linh gắn với chế biến và khoa học, công nghệ; bố trí, huy động các nguồn lực đầu tư phát triển về diện tích và sản lượng sâm Ngọc Linh.

Theo ông Trần Hoàn, Giám đốc Công ty cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum, hơn 20 năm theo đuổi việc bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh, công ty chưa bán hạt giống, cây giống sâm Ngọc Linh ra thị trường.

Riêng công nhân công ty thì mỗi năm ngoài lương, thưởng đều được tặng 100 hạt giống để về gieo trồng, phát triển kinh tế gia đình.

“Với giá trị kinh tế cao và được tỉnh Kon Tum chọn là cây thoát nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số tại hai huyện Đắk Glei và Tu Mơ Rông, công ty chúng tôi sẵn sàng bán cây giống, hạt giống sâm Ngọc Linh cho người dân. Không chỉ cung cấp giống, chúng tôi cam đoan sẽ hướng dẫn kỹ thuật trồng, cách chăm sóc cây sâm Ngọc Linh và bao tiêu toàn bộ sản phẩm”, ông Trần Hoàn khẳng định.

Với các định hướng và giải pháp nêu trên, tỉnh Kon Tum hướng đến mục tiêu phát triển sản phẩm đặc hữu sâm Ngọc Linh Kon Tum gắn với đẩy mạnh quảng bá và khẳng định thương hiệu sản phẩm sâm Ngọc Linh Kon Tum tại thị trường trong nước và quốc tế; sớm đưa sâm Ngọc Linh Kon Tum trở thành sản phẩm hàng hóa chủ lực quốc gia, có vị thế hàng đầu trong nước và trên thị trường thế giới.

Phấn đấu đến năm 2030, tỉnh Kon Tum sẽ có khoảng 10 nghìn ha với 100 triệu cây sâm Ngọc Linh.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tu Mơ Rông Võ Trung Mạnh, cho biết, để bảo tồn và phát triển bền vững cây sâm Ngọc Linh phải đẩy mạnh bảo vệ thương hiệu, giữ gìn thương hiệu để tránh việc lợi dụng trục lợi và làm giảm uy tín sâm Ngọc Linh; huyện đã chỉ đạo các xã từng bước xây dựng hồ sơ pháp lý của vùng trồng, trong đó xác định mỗi hộ, mỗi doanh nghiệp phải có hồ sơ khai sinh của cây sâm Ngọc Linh.

Người dân phải là người chủ sở hữu thực sự của rừng liên kết, kêu gọi doanh nghiệp vào hỗ trợ, dẫn dắt để phát triển, mở rộng vùng trồng sâm Ngọc Linh để làm cho sâm Ngọc Linh trở thành sinh kế, hướng tới làm giàu, thoát nghèo bền vững.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã bước đầu hình thành chuỗi liên kết từ trồng, thu hoạch, chế biến và phân phối sản phẩm đối với sâm Ngọc Linh.

Các sản phẩm đã có thương hiệu trên thị trường trong nước như: Công ty cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum trồng, khai thác, chế biến và phân phối các sản phẩm từ củ, lá sâm Ngọc Linh cho ra các sản phẩm rượu sâm Ngọc Linh K5, trà túi lọc sâm Ngọc Linh K5; mật ong sâm Ngọc Linh K5; thực phẩm bổ sung nước tăng lực Night Wolf; nước uống dưỡng da sâm Ngọc Linh Collagen NoLiKo...

Ngoài ra còn có các sản phẩm khác trên thị trường được người tiêu dùng ưa chuộng như trà sâm Ngọc Linh hòa tan, collagen sâm Ngọc Linh,viên nang mềm sinh lý sâm Ngọc Linh, cà-phê sâm Ngọc Linh, dầu gió tinh nhân sâm...

Định hướng phát triển lâu dài của tỉnh Kon Tum đối với các sản phẩm chế biến từ sâm Ngọc Linh là khuyến khích các doanh nghiệp đăng ký tham gia sản phẩm OCOP tiêu chuẩn 4-5 sao để đưa ra thị trường trong nước và quốc tế.