Kon Tum đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân phòng, tránh động đất vùng tâm chấn

NDO - Trước tình hình động đất xảy ra liên tục trong thời gian qua trên địa bàn, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai-Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Kon Tum đã chỉ đạo các đơn vị có liên quan, nhất là Ủy ban nhân dân huyện Kon Plông khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó; tuyên truyền cho người dân về tình hình động đất trên địa bàn để tránh tâm lý hoang mang, lo sợ, yên tâm sản xuất.
0:00 / 0:00
0:00
Chính quyền xã Măng Cành, huyện Kon Plông phát Sổ tay phổ biến kiến thức về động đất cho người dân.
Chính quyền xã Măng Cành, huyện Kon Plông phát Sổ tay phổ biến kiến thức về động đất cho người dân.

Theo Thống kê của Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý địa cầu, trên địa bàn huyện Kon Plông, từ ngày 14/4 đến nay xảy đã ra 79 trận động đất. Trong đó, trận động đất vào lúc 14 giờ, ngày 23/8 có độ lớn 4.7 độ ritcher, lớn nhất từ trước đến nay.

Khi xảy ra động đất, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai-Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Kon Tum đã chỉ đạo Ủy ban nhân dân huyện Kon Plông tập trung tăng cường công tác tuyên truyền về tình hình động đất trên địa bàn; tránh tâm lý hoang mang lo sợ, ảnh hưởng đến đời sống và tình hình sản xuất của người dân.

Bên cạnh đó, tỉnh Kon Tum còn tiếp thu chặt chẽ những tài liệu tuyên truyền về tình hình động đất của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai để cụ thể hóa, đưa đến tay từng người dân vùng ảnh hưởng. Thông qua các tài liệu tuyên truyền sẽ giúp người dân tiếp cận dễ dàng, hiểu được cách thức phòng, tránh khi xảy ra động đất trên địa bàn.

Xã Măng Cành, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum là địa phương có 934 hộ với 2.500 nhân khẩu, trong đó hơn 95% dân số người đồng bào dân tộc thiểu số Mơ Nâm đang sinh sống. Đây là một trong những địa phương nằm gần vùng tâm chấn và chịu ảnh hưởng bởi các trận động đất xảy ra trên địa bàn huyện Kon Plông. Trái ngược với tâm lý hoang mang, lo sợ khi huyện Kon Plông xuất hiện những trận động đất đầu tiên, người dân nơi đây dần cảm thấy quen khi tần suất xảy ra động đất liên tục trong thời gian vừa qua.

Anh A Vương, làng Đăk Ne, xã Măng Cành, huyện Kon Plông, cho biết: Trong quá trình đi làm rẫy, mình thường xuyên phát hiện thấy mặt đất và cây cối rung lắc nhẹ, thời gian diễn ra rất ngắn, chỉ khoảng từ 4 đến 7 giây. Sau khi động đất xảy ra, mình tiến hành kiểm tra nhà cửa, không phát hiện thiệt hại nào nên có phần an tâm. Tại khu vực này, động đất đã xảy ra liên tục nên người dân đã quen với tình trạng này, không còn quá lo sợ.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Măng Cành Mai Hoàng Huy cho biết: Từ khi có hiện tượng động đất xảy ra, xã đã chỉ đạo các thôn, làng tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức như phát sổ tay kiến thức về động đất, tập trung người dân và tuyên truyền tại các thôn. Bên cạnh đó, xã còn phân công cán bộ chuyên môn phối hợp các ban, ngành, đoàn thể đi từng nhà để tuyên truyền cho từng người dân nắm rõ kiến thức về động đất.

Kon Tum đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân phòng, tránh động đất vùng tâm chấn ảnh 1

Tuyên truyền cách phòng, tránh động đất cho người dân xã Măng Cành, huyện Kon Plông.

Đặc biệt, tuyên truyền cho người dân không nghe theo những thông tin sai lệch trên mạng xã hội, đánh giá sai về tình hình động đất. Bằng nhiều hình thức khác nhau, người dân địa phương đã dần hiểu được và không còn tâm lý hoang mang, lo sợ.

Có mặt trong buổi tuyên truyền về động đất do chính quyền sở tại tổ chức, anh A Nghị, làng Kon Chênh, xã Măng Cành, chia sẻ: Chính quyền địa phương thường đi tuyên truyền cho bà con về cách thức phòng, chống khi xảy ra động đất. Đặc biệt, những thông tin trong Sổ tay phổ biến kiến thức về động đất rất sinh động, kết hợp với các hình thức ứng phó cụ thể đã giúp người dân hiểu được cách phòng, tránh khi xảy ra động đất.

Sau khi được tuyên truyền, bản thân anh A Nghị đã hiểu hơn về động đất và cố gắng truyền đạt lại những kiến thức này cho người thân trong gia đình, hàng xóm để mọi người có một cái nhìn tổng quan, không còn tâm lý hoang mang, lo sợ.

Theo đồng chí Nguyễn Tấn Liêm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai-Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Kon Tum, đơn vị sẽ giám sát chặt chẽ quá trình vận hành của các thủy điện trên địa bàn và phối hợp Viện Vật lý địa cầu để lắp đặt 3 trạm quan trắc tại khu vực này. Từ đó, sớm đưa vào hoạt động các trạm quan trắc để đưa ra những cảnh báo chính xác về tình hình động đất, giúp người dân biết để phòng tránh, không còn hoang mang, lo sợ.

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai-Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Kon Tum đề nghị Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai tổ chức những buổi diễn tập về các kỹ năng phòng, tránh khi xảy ra động đất để các đơn vị và người dân vùng tâm chấn chủ động, bảo đảm an toàn cho người và tài sản; đồng thời, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum chỉ đạo Sở Công thương theo dõi việc tích nước của các thủy điện khu vực tâm chấn và rà soát, theo dõi, đánh giá thường xuyên tình hình an toàn hồ đập; Sở Xây dựng tiếp nhận và hướng dẫn người dân xây dựng, sửa chữa nhà ở theo đúng quy định đối với khu vực xảy ra động đất. Qua đó, bảo đảm cho người dân ổn định cuộc sống, yên tâm sản xuất.