Tự phát chuyển đổi canh tác trên đất trồng lúa và những hệ lụy đặt ra

Những năm gần đây, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) đã đem lại nhiều kết quả tích cực, nhiều diện tích canh tác cho thu nhập cao gấp nhiều lần so với trồng lúa. Tuy nhiên, bên cạnh đó, tại một số địa phương, tình trạng chuyển đổi từ trồng lúa sang canh tác cây trồng, vật nuôi khác một cách ồ ạt, tự phát, không theo quy hoạch cũng đang để lại nhiều hệ lụy đáng lo ngại.

Nông dân xã Phong Nẫm, huyện Giồng Trôm (tỉnh Bến Tre) chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng dừa.
Nông dân xã Phong Nẫm, huyện Giồng Trôm (tỉnh Bến Tre) chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng dừa.

Bài 1: Bất cập ruộng lúa - vườn cây

Tại nhiều địa phương, việc người dân tự chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây ăn quả và các loại cây trồng, vật nuôi khác, không chỉ phá vỡ quy hoạch diện tích trồng lúa mà còn làm xáo trộn quy hoạch phân định vùng nuôi, trồng theo hướng chuyên canh phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu, đồng thời gây ra nhiều bất cập trên đồng ruộng.

Ồ ạt chuyển đổi tự phát

Cây lúa nước đã gắn bó với người dân vùng ÐBSCL từ bao đời nay. Tuy nhiên, trước tình hình giá lúa bấp bênh, trồng lúa diện tích nhỏ, manh mún, cho hiệu quả không như mong muốn, nhiều người trồng lúa đã chuyển sang cây trồng, vật nuôi khác.

Theo thống kê của ngành nông nghiệp 13 tỉnh, thành phố vùng ÐBSCL, trong 5 năm trở lại đây, diện tích lúa đã giảm khoảng 200.000 ha/tổng số khoảng 1,8 triệu héc-ta đất trồng lúa. Tại Tiền Giang, tổng diện tích đất nông nghiệp phía bắc quốc lộ 1 khoảng 63.400 ha, chiếm 56,9% diện tích vùng trồng lúa của tỉnh. Trong đó, vùng giữa quốc lộ 1 và đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có diện tích 11.200 ha. Giai đoạn 2016 - 2020, toàn vùng phía bắc quốc lộ 1 chuyển đổi rất nhiều diện tích đất trồng lúa sang mục đích khác.

Nông dân các huyện Cái Bè, Cai Lậy, TX Cai Lậy, Tân Phước, Châu Thành đã chuyển đổi hơn 6.000 ha đất trồng lúa sang trồng cây ăn quả các loại (hơn 5.000 ha) và nuôi thủy sản (gần 1.000 ha). Theo ngành nông nghiệp tỉnh Bến Tre, trong năm 2020, tổng diện tích lúa gieo trồng trên địa bàn tỉnh đạt 31.171 ha, sản lượng 135.314 tấn.

Diện tích lúa giảm 24.330 ha so với năm 2017, sản lượng giảm 91.959 tấn. Diện tích, sản lượng lúa giảm do nông dân chuyển đất trồng lúa sang trồng loại cây khác và nuôi thủy sản. Trong đó, huyện Giồng Trôm là địa phương chuyển đổi từ diện tích lúa sang các cây trồng khác rất lớn: năm 2015, toàn huyện có 2.800 ha đất lúa thì hiện tại chỉ còn 850 ha, tập trung chủ yếu ở ba xã Bình Thành, Tân Thanh và Phong Nẫm. Tại huyện Ba Tri là vùng trọng điểm sản xuất lúa của tỉnh diện tích đất trồng lúa từ 12.500 ha cũng giảm xuống còn khoảng 10.000 ha.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) tỉnh Bến Tre, Huỳnh Quang Ðức cho rằng: "Nguyên nhân chính để người dân chuyển đổi từ trồng lúa sang các cây trồng khác là tình hình biến đổi khí hậu (BÐKH) diễn ra gay gắt, cây lúa sản xuất không hiệu quả bằng các loại cây trồng khác". Còn tại Long An, địa phương có diện tích sản xuất lúa khá lớn ở khu vực ÐBSCL với hơn 245.000 ha, trong ba năm trở lại đây (2017 đến 2020), nông dân đã chuyển đổi hơn 23.300 ha đất trồng lúa sang trồng cây hằng năm, cây lâu năm và nuôi thủy sản nước ngọt.

Việc một bộ phận nông dân tự phát chuyển đổi đất trồng lúa sang các loại cây trồng, vật nuôi khác, nguyên nhân xuất phát từ thực tế do BÐKH (hạn hán, xâm nhập mặn...); việc chuyển đổi từ trồng lúa sang cây hằng năm (rau, củ các loại) đã đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn từ 1,5 đến 3 lần; trên cây lâu năm (thanh long, chanh, khóm, mít) lợi nhuận từ mức 70 triệu đến 200 triệu đồng/ha/năm tùy loại.

Gia đình ông Ðỗ Văn Phước, xã Hậu Mỹ Trinh, huyện Cái Bè (Tiền Giang) chuyển đổi 1 ha đất lúa sang trồng sầu riêng và mít Thái. Ông Phước cho biết: "Nhiều năm nay, giá lúa ở mức thấp, nông dân lãi hơn 20 triệu đồng/ha/năm nếu trồng lúa. Trong khi, trồng cây ăn trái có thể lãi hàng trăm triệu đồng. Chính vì vậy, gia đình tôi quyết định chuyển đổi mong cải thiện cuộc sống".

Gia đình ông Nguyễn Văn Lanh, ngụ ấp 5 (xã Bình Thành, huyện Giồng Trôm, Bến Tre) đã chuyển đổi 2.000 m2 đất trồng lúa sang trồng dừa từ năm 2017. Ông Lanh cho biết: "Năm 2016 nước mặn xâm nhập nội đồng làm toàn bộ diện tích lúa bị mất trắng. Sau đó lại tiếp tục mất mùa do nước mặn còn ngấm vào đất. Vậy là, sau vụ lúa năm 2017, gia đình tôi lên liếp trồng dừa, khi dừa còn nhỏ tôi trồng xen cỏ để nuôi bốn con bò".

Trưởng phòng NN và PTNT huyện Giồng Trôm, Nguyễn Vũ Phong cho biết: Theo quy định tại Nghị định 62/2019/NÐ-CP của Chính phủ, khi người dân muốn chuyển đổi từ đất trồng lúa sang canh tác các loại cây trồng khác hay nuôi thủy sản thì phải làm đơn gửi lên UBND cấp xã để được giải quyết. Khi đó, UBND xã xem xét có phù hợp với quy hoạch sử dụng đất hay không sẽ cho phép người dân chuyển đổi. Nếu không thì UBND cấp xã sẽ trả lời bằng văn bản cho người dân biết. Tuy nhiên, hầu hết người dân đều tự chuyển đổi mà không xin phép.

Nhiều hệ lụy khó lường

Việc chuyển đổi tự phát từ đất trồng lúa sang các loại cây trồng, vật nuôi khác đã và đang bộc lộ một số hệ lụy, bất cập. Qua ghi nhận thực tế, rất nhiều nông dân hiện nay đã chuyển đổi đất trồng lúa sang vườn cây ăn quả không tập trung, không theo quy hoạch, không quan tâm đến tính thích nghi cũng như kỹ thuật và công nghệ. Việc tiêu thụ sản phẩm nông sản chủ yếu qua thương lái, các chợ đầu mối và các hợp tác xã, tổ hợp tác nhưng chỉ cung cấp theo mùa vụ, không có hợp đồng ràng buộc cụ thể.

Giám đốc Sở NN và PTNT Tiền Giang, Nguyễn Văn Mẫn nói: "Việc chuyển đổi tự phát từ đất lúa sang trồng cây ăn quả, nuôi thủy sản sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy như: mâu thuẫn giữa người sản xuất lúa và người trồng cây ăn quả, nuôi thủy sản; hạ tầng thủy lợi khu vực này không bảo đảm, chưa thiết lập được mối liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân trong việc bao tiêu sản phẩm đầu ra, nhiều hệ lụy khác mà chúng ta không lường trước được".

Thực tế cũng cho thấy, đối với 3.380 ha đất lúa thuộc các huyện Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh, Thạnh Hóa… (Long An), nông dân đã tự phát chuyển sang đào ao ươm cá tra bột. Tuy nhiên, sau một thời gian chuyển đổi mô hình sản xuất, nông dân lại thua lỗ nặng. Thế là, lấy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thế chấp vay vốn ngân hàng để đầu tư san lấp ao, chuyển sang trồng cây ăn quả, trồng sen và trồng lúa trở lại…

Nghiêm trọng hơn là việc người dân tự phát chuyển đổi hơn 215 ha đất trồng lúa hai, ba vụ trên vùng Ðồng Tháp Mười (Long An) sang đào ao nuôi tôm thẻ chân trắng. Việc nông dân tự phát khai thác nước mặn từ các giếng khoan để nuôi tôm thẻ chân trắng gây tác động lớn tới môi trường và đa dạng hóa sinh học ngay trên vùng ngọt hóa Ðồng Tháp Mười. Chuyện này đã xảy ra hai năm qua, từ vài héc-ta nay đã tăng lên 215 ha và sẽ còn tiếp tục tăng. Nếu UBND tỉnh Long An không kiên quyết xử lý thì rốn ngọt hóa Ðồng Tháp Mười có nguy cơ sẽ thành vùng mặn hóa.

Bên cạnh đó, những diện tích mà nông dân còn "chung thủy" với cây lúa thì chi phí sản xuất bị đẩy lên cao, năng suất thấp. Bà Lê Thị Linh, xã Hậu Mỹ Trinh, huyện Cái Bè (Tiền Giang) trồng 0,7 ha lúa ở giáp ranh khu đất vừa chuyển đổi từ đất lúa sang trồng cây ăn quả. Bà Linh cho biết: "Từ khi các ruộng lúa chuyển sang trồng cây ăn quả, chi phí trồng lúa của gia đình tôi cũng như các nông dân khác như: tiền phân, thuốc bảo vệ thực vật đã tăng lên khá cao.

Trước đây, gia đình đầu tư khoảng từ 10 triệu đến 12 triệu đồng/ha, nay tăng lên khoảng 15 triệu đồng/ha. Nguyên nhân chủ yếu do sâu, rầy từ các vườn cây ăn quả bị "đẩy" qua ruộng lúa; chuột vào các vườn trồng cây ăn quả sinh sôi rồi qua các ruộng lúa bên cạnh cắn phá. Chi phí bơm nước cũng tăng lên do sau khi đưa nước vào đồng ruộng bị rò rỉ qua vườn trồng cây ăn quả gần hết. Năng suất lúa giảm so với các vụ trước đây do các vườn cây ăn quả che khuất ánh sáng. Ngoài ra, đến ngày thu hoạch lúa, máy gặt đập liên hợp rất khó khăn di chuyển vào do các diện tích đất mặt tiền đều đã chuyển đổi sang cây ăn quả".

Suốt mấy chục năm liền, gia đình ông Nguyễn Ðấu Quyền (ấp Phong Phú, xã Phong Nẫm, huyện Giồng Trôm, Bến Tre) canh tác 5.000 m2 đất trồng lúa. Ban đầu, gia đình ông sản xuất ba vụ/năm nhưng sau đó chuyển dần sang hai vụ để né mặn. Mấy năm nay, vụ nào gia đình ông cũng phải gồng mình chống chọi nạn chuột cắn phá lúa.

Ông Quyền cho biết: "Cách đây 5 năm, toàn bộ cánh đồng hàng trăm héc-ta này đều trồng lúa nhưng gần đây, một số diện tích chuyển sang trồng dừa, cỏ, hoa màu, chỉ còn vài thửa xen kẽ vườn dừa như da beo. Vì vậy, chuột cắn phá rất dữ dội. Vụ thu đông vừa qua, chuột cắn phá gần 60% diện tích cho nên gia đình chỉ thu hoạch được 1,5 tấn lúa, chưa bằng một nửa những vụ trước".

Năm 2021, gia đình ông Quyền là một trong số ít hộ còn lại buộc phải thuê máy đào đất để lên liếp trồng dừa và các cây ngắn ngày khác. Mấy chục năm trồng lúa, rất rành kỹ thuật, cách chăm sóc, giờ phải trồng dừa rồi xen các loại cây khác như: mít, ổi theo kiểu thử nghiệm, gia đình ông Quyền sẽ gặp không ít khó khăn…

Ngoài nỗi lo trên, điều quan tâm của người dân trồng lúa hiện nay là khi lũ về, người dân phải làm cách nào để hài hòa việc đất lúa được ngâm lũ nhưng không ảnh hưởng đến các diện tích trồng cây ăn quả của người dân chung quanh.

Ông Nguyễn Hữu Lâu, ấp Phú Tiểu, xã Phú Nhuận, huyện Cai Lậy (Tiền Giang) tâm sự: "Việc chuyển đổi lên vườn cây ăn quả, nông dân chúng tôi không có ý kiến gì. Tuy nhiên, phần lớn các khu vườn này đều thấp, thiết kế không hoàn chỉnh. Trong khi, một cánh đồng có hơn 100 ha lúa và có khoảng vài héc-ta chuyển sang trồng cây ăn quả, nếu cho nước lũ vào đồng ruộng nhiều để ngâm lũ thì sẽ tràn vào các vườn cây ăn quả. Nếu không đưa nước lũ vào ruộng thì đất của chúng tôi không có phù sa và sâu, rầy sẽ không được rửa trôi…".

(Còn nữa)

Bài 2: Bảo đảm thu nhập cho người trồng lúa