Tự phát chuyển đổi canh tác trên đất trồng lúa và những hệ lụy đặt ra (Tiếp theo và hết ) (*)

Bài 2: Bảo đảm thu nhập cho người trồng lúa

Nông dân Long An thu hoạch lúa trên cánh đồng lớn liên kết do tỉnh quy hoạch.
Nông dân Long An thu hoạch lúa trên cánh đồng lớn liên kết do tỉnh quy hoạch.

Nghị quyết số 34/NQ-CP ngày 25-3-2021 của Chính phủ về bảo đảm an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030 nêu rõ, sử dụng linh hoạt quỹ đất trồng lúa, nâng cao hiệu quả sử dụng đất trồng lúa, giữ ổn định 3,5 triệu héc-ta đất trồng lúa, hằng năm sản xuất ít nhất 35 triệu tấn lúa. Nghị quyết cũng xác định việc giữ đất trồng lúa là cần thiết để bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, nhưng phải bảo đảm sinh kế, thu nhập cho người trồng lúa, trên cơ sở phát huy nguồn lực của Nhà nước, nhân dân và các thành phần kinh tế.

Tự phát chuyển đổi canh tác trên đất trồng lúa và những hệ lụy đặt ra (Tiếp theo và hết ) (*) -0

HTX Gò Gòn (Long An) hỗ trợ nông dân bán lúa tươi cho thương lái ngay tại ruộng.

Tập trung rà soát, phân định vùng trồng phù hợp

Tiến sĩ Võ Hữu Thoại, Phó Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền nam cho biết: Chuyển đổi từ đất trồng lúa sang vườn cây ăn quả tự phát đang là thực trạng của nhiều địa phương khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Nguyên nhân, sau đợt hạn, mặn 2019 - 2020, vùng đất dọc sông Tiền không còn lý tưởng để trồng cây ăn quả, hơn nữa, quỹ đất nơi đây cũng không còn nhiều, do đó, nông dân trồng cây ăn quả bắt đầu dịch chuyển về vùng Đồng Tháp Mười (ĐTM). Tuy nhiên, rất nhiều người đã chọn đất trồng lúa để chuyển đổi và quy hoạch riêng; mỗi người một kiểu; mỗi khu đất trồng một loại cây. Việc này gây khó khăn cho Nhà nước và chính nông dân, bởi, người dân đã quen với nghề trồng lúa nước, chuyển sang trồng cây ăn quả đòi hỏi kỹ thuật phức tạp và thời gian thu lợi nhuận kéo dài gấp nhiều lần trồng lúa. Đã có rất nhiều hộ trồng lúa ở vùng ĐTM thấy khu vực sông Tiền trồng cây ăn quả cho hiệu quả cao bèn vội vã chuyển đổi và đã thất bại. Việc địa phương để nông dân chuyển đổi tự phát như hiện nay, đến khi quy hoạch lại sẽ gặp rất nhiều khó khăn…

Trước thực tế nêu trên, các địa phương vùng ĐBSCL đang tập trung rà soát, phân định lại diện tích đất trồng lúa, diện tích cây trồng, vật nuôi phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu theo hướng phát triển bền vững, bảo đảm thu nhập cho nông dân. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) Tiền Giang, từ năm 2016 đến nay, tỉnh đã chuyển đổi 17.800 ha đất trồng lúa sang canh tác loại cây trồng khác, trong đó chuyển sang trồng màu chuyên canh hơn 2.600 ha, trồng cây ăn quả chủ lực hơn 15.200 ha. Qua rà soát, diện tích trồng lúa ở các huyện, thị xã phía tây của tỉnh chỉ còn khoảng 30.000 ha, giảm hơn 10.000 ha so với năm 2015. Để giữ được đất lúa ở các vùng trọng điểm và nâng cao thu nhập cho nông dân, Tiền Giang xây dựng hai cánh đồng lớn (CĐL) kiểu mẫu tại xã Hậu Mỹ Trinh (huyện Cái Bè) diện tích gần 4.000 ha và xã Bình Nhì (huyện Gò Công Tây) diện tích khoảng 380 ha…

Tỉnh Bến Tre có chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm thích ứng với BĐKH theo Nghị quyết 120/NQ-CP ngày 17-11-2017 của Chính phủ và thực hiện đề án lại cơ cấu ngành nông nghiệp. Tỉnh tập trung rà soát lại đất trồng lúa nhằm quy hoạch lại vùng sản xuất. Từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh đã chuyển đổi hơn 10.000 ha từ đất trồng lúa sang cây trồng khác và nuôi thủy sản. Hiện tại, toàn tỉnh có khoảng 20.000 ha đất chuyên sản xuất lúa, chủ yếu tập trung ở các huyện Ba Tri, Giồng Trôm, Thạnh Phú và Bình Đại. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, Nguyễn Minh Cảnh cho rằng, thời gian qua diện tích lúa trên địa bàn giảm phù hợp với chủ trương và định hướng của tỉnh. Tỉnh đang thực hiện đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp, khuyến khích nông dân chuyển đổi nhằm phù hợp với điều kiện sản xuất hiện nay. Để giữ diện tích lúa, tỉnh thực hiện Nghị định 62/2019/NĐ-CP của Chính phủ, hằng năm sẽ hỗ trợ nông dân một triệu đồng mỗi ha đất trồng lúa để xây dựng kết cấu hạ tầng, kênh thoát nước, hệ thống bơm tưới... Đồng thời, các địa phương tập trung hỗ trợ nông dân cơ giới hóa, liên kết tiêu thụ sản phẩm cho cây lúa và khuyến khích thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác (HTX, THT) để giữ diện tích lúa. Trưởng phòng NN và PTNT huyện Ba Tri, Nguyễn Hữu Học cho biết: "Huyện đang giữ vững sản xuất ổn định ở mức 10.000 ha đất chuyên sản xuất lúa. Hiện địa phương đã xây dựng HTX nông nghiệp Phước Ngãi chuyên sản xuất lúa ST 24, ST 25 có ký hợp đồng tiêu thụ với doanh nghiệp đạt hiệu quả khá cao. Từ thành công ban đầu của HTX nông nghiệp Phước Ngãi, ngành nông nghiệp địa phương sẽ mở rộng sang các địa phương khác như: Mỹ Hòa, Mỹ Chánh để sản xuất lúa chất lượng cao có ký hợp đồng bao tiêu với doanh nghiệp (DN). Hiện tại, hệ thống thủy lợi nội đồng đã khép kín hơn 90% cùng với việc cơ giới hóa, đưa tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất lúa sẽ là điều kiện để giữ ổn định diện tích sản xuất lúa trong thời gian tới". Phó Giám đốc Sở NN và PTNT tỉnh Long An, Nguyễn Chí Thiện cho biết: Vùng ĐTM gồm ba tỉnh Long An, Tiền Giang và Đồng Tháp, trong đó, Long An có diện tích trồng lúa lớn nhất khu vực, với hơn 245.000 ha. Để giữ ổn định đất lúa, UBND tỉnh Long An đã quy hoạch các huyện Vĩnh Hưng, Tân Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Kiến Tường và một phần huyện Thủ Thừa là vùng an ninh lương thực gắn với phát triển du lịch và kinh tế cửa khẩu. Theo đó, một trong những giải pháp giúp nông dân tăng thu nhập trên từng đơn vị diện tích chính là mô hình CĐL. Cụ thể, vụ đông xuân 2020-2021, Long An thực hiện được 223 CĐL, diện tích 18.652 ha, gắn kết với các DN, HTX tham gia cung ứng đầu vào và thu mua sản phẩm của nông dân. Lợi nhuận bình quân trong CĐL đạt từ 20 triệu đến 25 triệu đồng/ha/vụ, cao hơn sản xuất truyền thống từ 2 triệu đến 3 triệu đồng/ha/vụ.

Nhận định về tình hình các địa phương vùng ĐBSCL đang tập trung rà soát, phân định vùng nuôi, trồng phù hợp theo hướng tạo giá trị sản xuất bền vững cho nông dân, TS Đào Minh Sô, Trưởng Bộ môn Chọn tạo giống cây trồng, Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền nam chia sẻ: Quan điểm của tôi là quy hoạch từng vùng cụ thể, những tiểu vùng nào, khu vực nào thuận lợi để chúng ta vừa sản xuất lúa, vừa bảo đảm an ninh lương thực. Chúng ta tập trung vào những vùng quy hoạch thâm canh chuyên trồng lúa, đầu tư cơ giới hóa để sản xuất một năm ba vụ hoặc hai năm bảy vụ trong điều kiện thông thường. Tôi cho rằng, cách làm này vừa giải quyết được vấn đề an ninh, vừa giải quyết được vấn đề về tình huống.

Bảo đảm sinh kế, lợi nhuận cho người trồng lúa

Thời gian qua, vùng châu thổ ĐBSCL đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất lúa rất hiệu quả, mang lại lợi nhuận cao, người trồng lúa thật sự phấn khởi và không ngừng gắn bó, sáng tạo để cây lúa phát triển bền vững, góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và phục vụ thiết thực cho chế biến xuất khẩu từ lúa gạo. Đó là mô hình của nông dân Phạm Văn Nhựt (ngụ ấp Phong Phú, xã Phong Nẫm, huyện Giồng Trôm, Bến Tre) có hơn 3 ha đất chuyên sản xuất lúa theo chuỗi giá trị khép kín. Khi thu hoạch lúa, phần rơm đem về nuôi bò lấy phân để trồng cỏ, trồng lúa; một phần gạo được chế biến thành các sản phẩm như mì, bún; trấu cung ứng cho cơ sở nuôi gà để đổi lại phần phân gà đem về ủ làm phân hữu cơ, phần cám thu được khi xay lúa sẽ bán để làm mỹ phẩm... Hiện tại, ông Phạm Văn Nhựt đã liên kết với các nông dân khác để sản xuất với số lượng lớn rồi xay ra thành gạo, đóng gói để tiêu thụ khắp cả nước với hai nhãn hiệu mang tên mình là gạo tím Ba Nhựt và nếp cẩm Ba Nhựt được làm theo quy trình hữu cơ. Giá trị từ cây lúa được ông Nhựt tận thu đã tăng gần 5 lần so với bán lúa tươi ngay tại ruộng. Ông Nhựt cho biết: "Đến nay, đã có cơ sở tại TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hà Nội... ký hợp đồng tiêu thụ gạo tím. Số còn lại, tôi hợp đồng với các thương lái, kênh bán hàng qua mạng... để giải quyết đầu ra cho nông dân. Mới đây, tôi ký hợp đồng cung ứng gạo tím để một đơn vị ở Củ Chi (TP Hồ Chí Minh) làm bún và một đơn vị ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để làm cốm, nên đầu ra luôn ổn định".

Còn tại xã Hưng Thạnh (huyện Tân Hưng, tỉnh Long An), mô hình CĐL của HTX Gò Gòn duy trì được 260 ha, với 134 thành viên trong ba năm qua là một sự nỗ lực lớn của Ban Giám đốc HTX. Ông Võ Minh Quy, Phó Giám đốc HTX nông nghiệp Gò Gòn cho biết: Phương án ba chung "mua chung, sản xuất chung, bán chung" HTX đang thực hiện đã giúp cho nông dân thu lợi nhuận ngay từ đầu vụ (làm đất, giống, vật tư nông nghiệp) và đầu ra luôn bán giá cao hơn thị trường 500 nghìn đến một triệu đồng/tấn lúa hàng hóa. Mặc dù, CĐL của HTX tổ chức trồng theo tiêu chuẩn chất lượng và chưa được DN xuất khẩu gạo liên kết ký kết hợp đồng theo chuỗi, các thành viên không còn phải lo chi phí sản xuất đầu vào; đầu ra tuy chưa được ổn định nhưng HTX luôn bảo đảm tiêu thụ hết lúa cho nông dân. "CĐL muốn tồn tại và phát triển ổn định, bền vững, bảo đảm thu nhập cho người trồng lúa thì phải có sự hợp tác của DN xuất khẩu gạo, cùng HTX xây dựng chuỗi liên kết" - ông Võ Minh Quy khẳng định.

Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL Trần Ngọc Thạch nói: Thắng lợi rõ nhất của cây lúa ở khu vực ĐBSCL là nông dân duy trì được quá trình sản xuất với tốc độ nhanh, ổn định trong thời gian dài, trong điều kiện biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn diễn ra khốc liệt. Giá thành sản xuất lúa gạo ở khu vực ĐBSCL thuộc loại cạnh tranh nhất thế giới; các giống lúa ngắn ngày, hạt dài của Việt Nam cho năng suất cao, chất lượng gạo ngon. Bên cạnh thắng lợi thì người trồng lúa vẫn đang đối mặt với một thách thức không nhỏ đó là sản xuất theo kiểu nông hộ, diện tích nhỏ, phân tán…

Cách đây 10 năm, Bộ NN và PTNT triển khai phát triển mô hình CĐL với khẩu hiệu "nông dân nhỏ, cánh đồng lớn" là một hướng đi rất đúng. Giai đoạn 5 năm đầu, 13 tỉnh, thành phố thuộc vùng ĐBSCL đã triển khai thực hiện được khoảng 200.000 ha nhưng sau đó thì giảm dần và hiện tại còn 160.000 ha năm 2020. Nút thắt lớn nhất của CĐL là thiếu bóng của DN trong việc liên kết với nông dân xây dựng chuỗi giá trị tiêu thụ nông sản. Trên thực tế, hiện nay, tại ĐBSCL chỉ có hai DN là Công ty cổ phần nông nghiệp Trung An (TP Cần Thơ) và Tập đoàn Lộc Trời (tỉnh An Giang) là liên kết với nông dân xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo, hỗ trợ hình thành vùng nguyên liệu CĐL bằng hình thức liên kết với HTX sản xuất lúa gạo và xây dựng mô hình CĐL, cơ giới hóa đồng bộ theo chuỗi giá trị lúa gạo khép kín từ "đầu vào" đến "đầu ra" với khoảng 35.000 ha, trong đó Tập đoàn Lộc Trời khoảng 30.000 ha, Công ty Trung An là 5.000 ha. Giám đốc Công ty cổ phần nông nghiệp Trung An, Phạm Thái Bình khẳng định: CĐL đang bị co hẹp là do DN xuất khẩu gạo thiếu vốn để thực hiện chuỗi liên kết với nông dân. Để CĐL tồn tại và phát triển thì trong thời gian tới Chính phủ cần sớm tháo gỡ cơ chế từ phía ngân hàng để DN vay được tiền theo "dự án cánh đồng liên kết" đã được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt. Tài sản DN thế chấp là lò sấy, si-lô chứa lúa và tài khoản giao dịch tại ngân hàng khi xuất khẩu gạo. Đồng quan điểm này, Phó Giám đốc Sở NN và PTNT tỉnh Long An, Nguyễn Chí Thiện cho biết: Để CĐL tồn tại và phát triển, trong thời gian tới tỉnh Long An sẽ hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại, mời gọi, thu hút DN xây dựng vùng nguyên liệu gắn với liên kết sản xuất, gắn với tiêu thụ theo mô hình CĐL. Tuy nhiên, khó khăn của DN khi tham gia CĐL là nguồn vốn, hệ thống kho chứa bảo quản lúa và nhà máy chế biến để thu mua lúa cho nông dân khi đến vụ thu hoạch rộ. Tỉnh kiến nghị Chính phủ cần sớm tháo gỡ cơ chế chính sách để các ngân hàng thương mại vào cuộc hỗ trợ các tổ chức DN, HTX vay vốn liên kết với nông dân thực hiện dự án CĐL do UBND tỉnh phê duyệt.

Bài 1: Bất cập ruộng lúa - vườn cây

-----------------------

(*) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 17-6-2021.