Kinh tế thành phố tiếp tục chuyển biến tích cực

Kinh tế-xã hội Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục có những kết quả đáng ghi nhận trong quý I/2024. Nhiều lĩnh vực quan trọng có chuyển biến mạnh mẽ, góp phần mang lại sự khởi sắc cho kinh tế thành phố ngay từ những tháng đầu năm.
0:00 / 0:00
0:00
Biểu diễn áo dài tại Lễ hội Áo dài Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 10-năm 2024.
Biểu diễn áo dài tại Lễ hội Áo dài Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 10-năm 2024.

Lễ hội Áo dài Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 10-năm 2024 với chủ đề “Tôi yêu Áo dài Việt Nam” là sự kiện du lịch, văn hóa nổi bật nhất của ngành du lịch thành phố trong tháng 3 vừa qua. Đánh dấu 10 năm hình thành và phát triển, Lễ hội Áo dài tiếp tục tạo được sự lan toả và hưởng ứng của nhân dân thành phố.

21 quận, huyện và thành phố Thủ Đức, các doanh nghiệp, cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và du khách, đặc biệt các công chức, viên chức và người lao động nữ hưởng ứng qua việc mặc áo dài trong các hoạt động tiếp dân và tại công sở trong thời gian diễn ra lễ hội. Sự hưởng ứng này góp phần đưa áo dài trở thành trang phục quen thuộc của người dân thành phố trong sinh hoạt đời thường, nét đẹp tại công sở, các sự kiện trọng đại.

Lễ hội đã truyền tải hình ảnh văn hóa, du lịch thành phố nói riêng và du lịch Việt Nam nói chung đến người dân trong nước và khách du lịch quốc tế thông qua các hoạt động trong chương trình và các kênh truyền thông, từ đó góp phần kích cầu du lịch. Có thể nói, trong quý I, ngành du lịch Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục phục hồi mạnh mẽ khi lượng khách và doanh thu tăng mạnh, cụ thể khách du lịch nội địa tăng 6,6%, khách quốc tế tăng 32,4%, doanh thu du lịch tăng 23,8% so với cùng kỳ năm 2023.

Thành phố tiếp tục được công nhận là điểm đến du lịch hàng đầu châu Á năm 2023 theo Giải thưởng Du lịch MICE thế giới (World MICE Award), đứng trong Tốp 10 thành phố tốt nhất châu Á theo tạp chí du lịch nổi tiếng DestinAsian.

Sự phát triển của ngành du lịch đã góp phần làm cho bức tranh kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh trong ba tháng đầu năm thêm phần tươi sáng. Bước vào năm 2024, tình hình thế giới tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường. Nhiều yếu tố thuận lợi và thách thức đan xen đã tác động trực tiếp đến nước ta nói chung, Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng.

Trong bối cảnh đó, cấp ủy, chính quyền thành phố đã bám sát chủ trương, nghị quyết của Trung ương, chấp hành nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, các cơ quan trung ương; triển khai kịp thời, thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách về phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh, xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, nêu cao tinh thần trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, người đứng đầu, góp phần tạo sự chuyển biến tích cực ngay từ những tháng đầu năm.

GRDP của thành phố quý Iước tăng hơn 6,5% (cao nhất từ năm 2020 đến nay và cao hơn nhiều so với cùng kỳ 2023). Nhiều lĩnh vực sản xuất và dịch vụ của thành phố phát triển khả quan, nhất là các nhóm ngành công nghiệp trọng yếu; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 5,1% - cao nhất trong 4 năm qua. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 12,2% (cao nhất từ năm 2021 đến nay); thị trường bất động sản có dấu hiệu phục hồi, niềm tin của doanh nghiệp, nhà đầu tư tăng lên. Một số động lực tăng trưởng như đầu tư, tiêu dùng trong nước, hoạt động xuất nhập khẩu và du lịch chuyển biến rõ nét, trong đó kim ngạch xuất khẩu tăng 7,5%, thu ngân sách đạt 28,7% dự toán năm và tăng 7,61% so với cùng kỳ.

Đáng chú ý, tại thành phố, công tác kiểm tra, đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ các dự án kết cấu hạ tầng; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án bất động sản, nhà ở xã hội; đa dạng hóa huy động nguồn lực chỉnh trang đô thị đã được tập trung chỉ đạo quyết liệt. Các chỉ thị của Thành ủy về lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các dự án Vành đai 3, chuyển đổi số; thực hiện Nghị quyết 98 của Quốc hội, Chủ đề của thành phố năm 2024, đã được các cấp, các ngành quán triệt, triển khai sâu rộng ngay từ đầu năm và đạt nhiều kết quả rất đáng khích lệ.

Đến nay, thành phố đã ra mắt Trung tâm chuyển đổi số; tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp chuyển đổi số dựa trên 3 trụ cột: chính quyền số, xã hội số, công dân số; đẩy mạnh thực hiện Đề án xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh; công khai, minh bạch hoạt động của bộ máy chính quyền, nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Đối với Nghị quyết 98, đến nay, bên cạnh 2/33 nhiệm vụ thực hiện định kỳ, 14/33 nhiệm vụ đã cơ bản hoàn thành, 17/33 nhiệm vụ đang thực hiện; Hội đồng nhân dân thành phố đã ban hành 27 nghị quyết triển khai 17 nội dung, Ủy ban nhân dân thành phố đã hoàn thành 7/25 nhiệm vụ, cho ý kiến đối với 18/25 nhiệm vụ...

Các lĩnh vực văn hóa-xã hội, giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững tiếp tục được quan tâm chăm lo và đạt nhiều kết quả. Các lễ hội, hoạt động văn hóa, nghệ thuật mang đậm bản sắc thành phố được tổ chức thường xuyên và sôi động, đáp ứng tốt nhu cầu của nhân dân. Đặc biệt, thành phố đã tổ chức Tết cổ truyền Giáp Thìn với phương châm “Tết an vui-đầm ấm-an toàn-tiết kiệm”, chăm lo cả vật chất và tinh thần cho nhân dân để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp.

Công tác bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội đạt nhiều kết quả tích cực, kéo giảm các loại tội phạm. Công trình tranh bích họa chống nạn quảng cáo bẩn trên tường của công an phối hợp cùng các đơn vị thực hiện cũng được người dân đánh giá cao, cần tiếp tục thực hiện…

Tuy vậy, theo đánh giá của đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh tại Hội nghị lần thứ 28 Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh vào cuối tháng 3 vừa qua, thành phố còn không ít khó khăn, hạn chế cần khắc phục, nhất là chưa tận dụng hết các tiềm năng, lợi thế và mức độ sẵn sàng cao để đón đầu xu hướng dịch chuyển đầu tư, phát triển các ngành, lĩnh vực mới nổi. Một số động lực tăng trưởng chính phục hồi còn chậm, nhất là thu hút đầu tư và giải ngân vốn đầu tư công. Cải cách thủ tục hành chính có nhiều tiến bộ song vẫn chậm so với yêu cầu.

Trước tình hình thế giới và khu vực được dự báo còn nhiều yếu tố biến động nhanh, phức tạp, khó lường, cùng với những khó khăn, vướng mắc nội tại của thành phố, Thành phố Hồ Chí Minh đã đưa ra nhiều nhóm nhiệm vụ, giải pháp để triển khai trong thời gian tới. Đồng chí Nguyễn Văn Nên yêu cầu toàn Đảng bộ tập trung khắc phục những hạn chế, yếu kém đã được chỉ ra trên từng lĩnh vực, từ đó đề ra kế hoạch để khắc phục, chấn chỉnh.

Đảng bộ thành phố tiếp tục bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo từ Trung ương, trong đó, kịp thời triển khai các quy định mới có liên quan đến những chủ trương, chính sách, pháp luật vừa ban hành. Thời gian tới, thành phố phải ưu tiên thúc đẩy các hoạt động tăng trưởng; đổi mới các hoạt động xúc tiến, nhất là xúc tiến đầu tư, chú trọng các ngành, lĩnh vực mới nổi, thu hút có chọn lọc; tích cực hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó chú ý hỗ trợ chuyển đổi số, đổi mới công nghệ, hướng đến ngành nghề có giá trị gia tăng cao tham gia chuỗi cung ứng.

Thành phố tiếp tục phát huy tối đa nguồn lực đất đai, trong đó có đất công, khắc phục tình trạng lãng phí, thất thoát và kiên quyết thu hồi những dự án chậm triển khai hoặc không đúng theo kế hoạch.

Đảng bộ thành phố tiếp tục chăm lo xây dựng, củng cố, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tiếp tục đổi mới công tác dân vận, nhất là dân vận chính quyền. Công tác kiểm tra, giám sát của từng cấp ủy, của các cơ quan chức năng cần được tăng cường, đồng thời, chuẩn bị thật tốt cho đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XII, nhiệm kỳ 2025-2030.