Chuyển đổi xanh, hướng đến xuất khẩu bền vững

Châu Âu là một trong những thị trường khó tính nhất với những tiêu chuẩn nghiêm ngặt về bảo vệ môi trường; trong đó, có việc áp dụng Cơ chế điều chỉnh biên giới các-bon (Carbon Border Adjustment Mechanism-CBAM). Vì thế, doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung cần ứng dụng các tiến bộ khoa học-kỹ thuật tiên tiến, chuyển đổi xanh nếu muốn xuất khẩu sang thị trường châu Âu một cách bền vững.
0:00 / 0:00
0:00
Doanh nghiệp trưng bày sản phẩm tại Showroom Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh.
Doanh nghiệp trưng bày sản phẩm tại Showroom Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo thống kê, trong tám tháng đầu năm 2024, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU (Liên minh châu Âu) đạt hơn 34 tỷ USD, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm 2023. Hiện, EU nằm trong tốp năm thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam (Hoa Kỳ, Trung Quốc, EU, ASEAN, Hàn Quốc), trong đó, nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo như điện thoại, máy tính, hàng dệt may, giày dép… nắm giữ kim ngạch xuất khẩu lớn nhất.

Ngoài ra, những năm gần đây, nhóm hàng nông sản xuất khẩu sang thị trường EU cũng có dấu hiệu tăng mạnh. Tuy nhiên, thị trường châu Âu là một trong những thị trường đầy thách thức với những tiêu chuẩn ngày càng nghiêm ngặt về môi trường, mà việc áp dụng CBAM là một minh chứng rõ ràng. Ðây là một công cụ chính sách được đề xuất nhằm giảm lượng khí thải các-bon từ hàng hóa nhập khẩu vào EU.

Cơ chế CBAM sẽ áp dụng một mức thuế đối với hàng hóa nhập khẩu có lượng khí thải các-bon cao hơn so với hàng hóa sản xuất tại EU. Mức thuế này sẽ được sử dụng để bù đắp cho lượng khí thải các-bon do sản xuất hàng hóa trong EU gây ra.

Phó Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh Hồ Thị Quyên cho biết: Tác động của CBAM đối với các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng là rất lớn. Các doanh nghiệp có nguy cơ bị cạnh tranh xuất khẩu và mất thị phần tại thị trường châu Âu do đối thủ cạnh tranh đã sẵn sàng cho việc đáp ứng các chính sách xanh. Vì vậy, đòi hỏi việc ban hành khung pháp lý để thực hiện, cũng như nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp cả nước để đáp ứng việc giảm phát thải khí nhà kính, trung hòa các-bon, tăng khả năng thích ứng và cạnh tranh cho các doanh nghiệp xuất khẩu là yêu cầu cấp bách hơn bao giờ hết.

Các chuyên gia cũng cho rằng: Việc chuyển đổi sản xuất xanh không chỉ có ý nghĩa quan trọng với bản thân mỗi doanh nghiệp mà còn tác động tới cả chuỗi cung ứng. Khi một đơn vị cung ứng giảm phát thải sẽ có ảnh hưởng đến các doanh nghiệp trong chuỗi hoạt động, có thể kéo theo các doanh nghiệp trong chuỗi triển khai các giải pháp để giảm phát thải khí nhà kính. Ðây vừa là thách thức, nhưng cũng là cơ hội để các doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm và mở rộng thị trường.

Ðể hướng đến xuất khẩu sang thị trường châu Âu hiệu quả, bà Nguyễn Thị Minh Huệ, Giám đốc dự án Công ty cổ phần tư vấn và dịch vụ đổi mới khí hậu Klinova đưa ra ba khuyến nghị: Các doanh nghiệp Việt Nam cần hiểu rõ vị trí của doanh nghiệp xuất khẩu trong cơ chế hoạt động của CBAM; xem xét lại quy trình sản xuất và xây dựng cơ sở dữ liệu về phát thải trong quá trình sản xuất các hàng hóa CBAM; thực hiện kiểm kê lượng phát thải và lên kế hoạch giảm phát thải trong quá trình sản xuất.

Bà nhấn mạnh đến việc doanh nghiệp cần rà soát lại quy trình sản xuất và xây dựng cơ sở dữ liệu về phát thải trong quá trình sản xuất các hàng hóa CBAM. Ðể thực hiện điều này, doanh nghiệp cần nghiên cứu, tổ chức lại bộ máy phục vụ cho công tác kiểm kê phát thải khí nhà kính. Xây dựng hệ thống, cơ sở dữ liệu nội bộ nhằm thu thập và lưu trữ dữ liệu phục vụ cho các yêu cầu báo cáo từ các nhà nhập khẩu EU. Theo dõi và cập nhật các văn bản hướng dẫn thực hiện kiểm kê phát thải sản phẩm từ các cơ quan quản lý và các hiệp hội ngành nghề. Phối hợp với các nhà nhập khẩu EU để tìm kiếm các đơn vị tư vấn chuyên nghiệp với các chuyên gia trong lĩnh vực kiểm kê để bước đầu tiếp cận với kiểm kê theo CBAM.

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) đã mang lại giá trị xuất khẩu lớn cho Việt Nam, với tốc độ tăng trưởng hằng năm trong những năm qua từ 12-15%. Ðiều này làm cho Việt Nam trở thành một trong những đối tác thương mại quan trọng nhất của EU trong ASEAN.

Hai yếu tố quan trọng của quá trình chuyển đổi xanh cho các doanh nghiệp Việt Nam là CBAM và thị trường tín dụng các-bon. Việc chính thức triển khai CBAM đầu năm 2026 sẽ có ý nghĩa quan trọng đối với các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam, nhất là các ngành thâm dụng các-bon.

Cùng với CBAM, việc phát triển thị trường tín dụng các-bon của Việt Nam là một yếu tố quan trọng để đạt được các mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Trong đó, Thành phố Hồ Chí Minh đi đầu trong việc thúc đẩy giao dịch các-bon, thu hút đầu tư vào năng lượng tái tạo và công nghệ xanh như một phần của nỗ lực chung nhằm phát triển thị trường các-bon trong nước, cũng như thúc đẩy chiến lược CBAM quốc gia.

Mới đây, tháng 9/2024, Thành phố Hồ Chí Minh ra Quyết định số 3797/QÐ-UBND về ban hành Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh giai đoạn 2024-2030. Mục tiêu là thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần xóa đói, giảm nghèo và tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế một cách bền vững.