Duy trì phục hồi mạnh mẽ, kinh tế Việt Nam dự báo tăng trưởng 6,5%

NDO - Trong bối cảnh có nhiều dự báo khác nhau giữa các tổ chức nghiên cứu trong và ngoài nước về triển vọng kinh tế Việt Nam, Báo cáo của OECD và ADB đưa ra những nhận định khá tích cực và khuyến nghị Chính phủ cần thực hiện những giải pháp ưu tiên để tiếp tục duy trì đà tăng trưởng bền vững và bao trùm.
0:00 / 0:00
0:00
Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương phát biểu tại lễ Công bố báo cáo.
Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương phát biểu tại lễ Công bố báo cáo.

Ngày 26/4, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố Báo cáo kinh tế của OECD: Việt Nam 2023. Đây là báo cáo đầu tiên về kinh tế Việt Nam do OECD và ADB thực hiện.

Tăng trưởng kinh tế khá vững chắc

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nhấn mạnh: Việt Nam đang đẩy nhanh quá trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội sau không ít khó khăn do hệ lụy của dịch bệnh Covid-19 và các diễn biến kinh tế, địa chính trị phức tạp trên thế giới.

Đằng sau những chuyển biến rất tích cực về kinh tế và chính sách là tư duy tích cực, nỗ lực không ngừng của các bộ, ngành nhằm tìm kiếm những ý tưởng, kiến nghị trên các lĩnh vực cải cách thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; ổn định kinh tế vĩ mô; thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế đồng thời tăng cường mức độ độc lập, tự chủ của nền kinh tế.

“Báo cáo Kinh tế của OECD: Việt Nam 2023 là một tài liệu quan trọng, là tài liệu tham khảo hữu ích đối với nhiều bộ, ngành, cơ quan nghiên cứu của Việt Nam trong quá trình tham mưu xây dựng chính sách trong thời gian tới”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nói.

Theo ông Vincent Koen, Phó Vụ trưởng Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế OECD, triển vọng kinh tế toàn cầu hiện nay có nhiều bất ổn. Thế giới vẫn tiếp tục lo lắng về những “cơn gió ngược” đã quan sát được với nhiều rủi ro và nguy cơ. Nhiều ngân hàng trung ương tiếp tục nâng cao lãi suất để đối phó với lạm phát khiến các chi phí cho hoạt động kinh tế tăng cao trong tương lai gần, ảnh hưởng đến tình hình tài chính của một số quốc gia. Tuy nhiên, diễn biến của nền kinh tế Việt Nam có những điểm khác biệt, đạt được nhiều tiến bộ trong cải cách và đổi mới để ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao khả năng phục hồi của nền kinh tế.

Báo cáo đưa ra 3 thông điệp chính. Đó là: Chính sách kinh tế vĩ mô cần giúp tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế. Trong ngắn hạn, cần ưu tiên giảm thiểu tác động của giá năng lượng cao thông qua hỗ trợ có đối tượng mục tiêu cho các hộ gia đình dễ bị tổn thương, thay vì thực hiện những biện pháp tài khóa mở rộng hơn nữa.

Để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Việt Nam cần phải duy trì mức đầu tư cao cho năng lượng tái tạo và theo đuổi hiệu quả sử dụng năng lượng cao hơn.

Giải pháp trong trung hạn là củng cố các khung chính sách kinh tế vĩ mô bằng cách cải thiện tính bền vững tài khóa thông qua mở rộng cơ sở thuế. Đồng thời tăng cường hệ thống bảo trợ xã hội và giảm quy mô của khu vực kinh tế phi chính thức. Để duy trì tăng trưởng cao sau khi phục hồi, Việt Nam cần cải thiện hơn nữa môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số.

Để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Việt Nam cần phải duy trì mức đầu tư cao cho năng lượng tái tạo và theo đuổi hiệu quả sử dụng năng lượng cao hơn.

Định hướng này có thể được hiện thực hóa thông qua cách tiếp cận chính sách toàn diện, trong đó ưu tiên đầu tư nhà nước và tư nhân hiệu quả, thiết lập các quy định tạo thuận lợi, tạo cơ chế để giá cả thị trường phản ánh tốt hơn hàm lượng carbon.

Báo cáo nhận định: Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam khá vững chắc, cho dù phải đối mặt với nhiều khó khăn. Triển vọng tăng trưởng của Việt Nam khá cao, dự báo năm 2023 tăng trưởng 6,5% và tăng lên 6,6% vào năm 2024, cho thấy khả năng phục hồi của nền kinh tế rất tốt.

Tập trung cải cách thể chế

Theo ông Nguyễn Minh Cường, Kinh tế trưởng ADB, trong hơn 3 thập niên, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ kinh tế nổi bật, duy trì mức tăng trưởng gần 7%, là điều rất ít quốc gia đạt được.

Đại dịch Covid-19 đã làm chậm lại bước tiến này, nhưng Việt Nam đã nỗ lực rất lớn để kiểm soát dịch bệnh, linh hoạt các giải pháp điều hành, mở cửa mạnh mẽ nên tăng trưởng kinh tế vẫn được duy trì. Lạm phát của Việt Nam thấp hơn nhiều so với mức chung của thế giới. Từ cuối năm 2022, chính sách tiền tệ được điều hành linh hoạt, hỗ trợ các hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước; nợ công ở mức 38,7% GDP.

Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức, nhất là tình trạng dân số sẽ già hóa nhanh sẽ gây áp lực với chi tiêu công khi độ bao phủ của hệ thống hưu trí vẫn ở mức thấp. Lao động làm việc tự do và lao động làm việc không thường xuyên đang có xu hướng gia tăng, đòi hỏi Chính phủ cần tăng mức độ bảo trợ xã hội.

Quá trình biến đổi khí hậu cũng đang là một thách thức đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong trước mắt và dài hạn. Tỷ trọng Thuế/GDP tương đối cao so với các nước trong khu vực; mức độ tích lũy vốn và khả năng năng suất lao động là yếu tố then chốt cần lưu ý.

Báo cáo cũng chỉ ra, những diễn biến khó lường của kinh tế thế giới liên quan đến dịch bệnh Covid-19, xung đột tại Nga-Ukraine, đứt gãy chuỗi cung ứng, lạm phát... cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2023 và những năm tiếp theo.

Vấn đề quan trọng nhất đối với nền kinh tế Việt Nam hiện nay là thực hiện các giải pháp trước mắt để thúc đẩy tiếp tục phục hồi kinh tế. Đồng thời phải có chính sách dài hạn tiếp tục nâng cao chất lượng tăng trưởng, cải cách thể chế hướng tới chuyển đổi số và tăng trưởng xanh.

Ông Nguyễn Minh Cường

Sau 3 năm bùng phát đại dịch Covid-19, nền kinh tế đã bộc lộ nhiều vấn đề. Những rủi ro từ bên ngoài đã được nhận diện, như suy thoái kinh tế, lạm phát cao... sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam trong năm 2023. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất vẫn là các yếu tố nội tại của nền kinh tế đến từ những bất ổn về thị trường tài chính, thị trường lao động, tình trạng già hóa dân số, chất lượng thể chế... ngày càng bộc lộ rõ nét khi chịu tác động kép từ đại dịch Covid-19 và các yếu tố bên ngoài.

“Vấn đề quan trọng nhất đối với nền kinh tế Việt Nam hiện nay là thực hiện các giải pháp trước mắt để thúc đẩy tiếp tục phục hồi kinh tế. Đồng thời phải có chính sách dài hạn tiếp tục nâng cao chất lượng tăng trưởng, cải cách thể chế hướng tới chuyển đổi số và tăng trưởng xanh”, ông Cường cho biết.

Nhấn mạnh đến mục tiêu tăng trưởng xanh, ông Nguyễn Minh Cường khẳng định, Việt Nam đang là nền kinh tế nhận được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư về lĩnh vực chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Có rất nhiều nguồn lực từ bên ngoài đang muốn hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam trong các lĩnh vực này nhưng để một bộ, ngành nào đó tiếp cận được cũng phải mất một thời gian khá dài.

Do đó, vấn đề khả năng hấp thụ vốn là rất quan trọng, thể chế của Việt Nam cần tạo ra những điều kiện để hấp thụ được nguồn lực này. Trong bối cảnh thị trường vốn đang tắc nghẽn, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công là giải pháp then chốt để tăng trưởng kinh tế bền vững, giảm gánh nặng vốn vào hệ thống ngân hàng và thị trường tiền tệ.