Xin ông cho biết nội dung chính của khuyến nghị sớm đưa nền kinh tế phục hồi?
Trước hết, chúng tôi khuyến nghị cần chuyển chiến lược “mục tiêu kép” thành chiến lược “đa mục tiêu”: vừa phòng chống dịch, vừa phục hồi và phát triển kinh tế, bảo đảm năng lực y tế, an sinh, an ninh tâm lý và xã hội, tăng năng lực chống chịu các cú sốc bên ngoài và tâm thế phục hồi, tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức trong và sau đại dịch. Để làm được điều này, các kế hoạch, chiến lược phòng chống dịch và phục hồi, phát triển kinh tế cần được cùng họp bàn, tích hợp, tính toán nhằm bảo đảm tính tối ưu, cân bằng và phù hợp hơn.
Mặt khác, chúng tôi muốn nhấn mạnh: Phải nhất quán mô hình sống chung an toàn với virus. Nhất quán từ Trung ương đến địa phương, ở địa phương phải nhất quán từ khu vực này sang khu vực kia. Nhất quán ở đây là về quan điểm, cách làm, cách ứng phó chủ động, tối ưu, phù hợp, chứ không cứng nhắc, cát cứ, giấy phép con hay bảo thủ... Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ ban hành quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” được một tháng nay nhưng vẫn còn địa phương thực hiện chưa đúng, vẫn cảm tính, thiếu khoa học, chủ động.
Mới đây tôi có nghe 15 Hiệp hội chia sẻ tình hình thực hiện Nghị quyết 128 hơn ba tuần qua. Nhiều doanh nghiệp cho biết một số lao động chưa thể quay lại làm việc, vì vẫn còn tỉnh này tỉnh kia yêu cầu lao động phải đi xét nghiệm, cách ly không nhất quán. Nhiều lao động quay lại TP Hồ Chí Minh chưa được tiêm vắc-xin, vẫn chưa được xem xét ưu tiên tiêm ngay, rõ ràng là còn thiếu sự phối hợp giữa TP Hồ Chí Minh và các địa phương khác.
Mô hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp vẫn còn áp dụng khá cứng nhắc. Nhiều địa phương vẫn yêu cầu sản xuất “3 tại chỗ”, có ca nhiễm yêu cầu đóng cửa...
Tất nhiên mỗi địa phương có đặc thù khác nhau, nhưng các địa phương phải cùng doanh nghiệp tìm ra phương pháp tối ưu để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh chứ không chỉ bảo đảm mỗi mục tiêu “zero Covid-19”, không lây lan dịch bệnh. Mục tiêu đó quan trọng, nhưng bây giờ phải hài hòa hơn, cân bằng hơn, chú trọng nhiều hơn đến những tiêu chí về số ca nhiễm nặng, số ca tử vong và độ phủ vắc-xin như đúng nghĩa của chiến lược “sống chung an toàn với Covid” mà nhiều nước tương đồng Việt Nam đang áp dụng.
Các doanh nghiệp cho biết, hiện khó khăn lớn nhất là vấn đề thiếu lao động. Vì vậy, điều quan trọng là dứt khoát không để xảy ra hiện tượng đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi lao động. Cần xử lý nghiêm những trường hợp gây khó dễ, làm đứt gãy chuỗi sản xuất, chuỗi lao động một cách vô lý. Đồng thời, cần có kế hoạch, phương án cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp về việc tuyển dụng, đi lại và giữ lao động. Việc này đòi hỏi nỗ lực, sự phối hợp ăn ý của bốn bên: Chính phủ, chính quyền địa phương, doanh nghiệp và người lao động.
Một trong những khuyến nghị mà ông và nhóm tác giả đưa ra là sớm ban hành Chương trình phục hồi kinh tế. Xin ông phân tích cụ thể hơn về nội dung này?
Với Chương trình phục hồi kinh tế, tôi có hai kiến nghị muốn nhấn mạnh. Trước hết, Chương trình phục hồi kinh tế phải lồng ghép, gắn kết với chương trình phòng, chống dịch bệnh. Ngoài ra, Chương trình phục hồi cũng cần gắn với Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm, đề án cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 nhằm bảo đảm nhất quán mục tiêu, sắp xếp thứ tự ưu tiên, huy động và phân bổ nguồn lực hiệu quả.
Vì vậy, ngoài việc lo phòng, chống dịch như hiện tại, sắp tới phải quan tâm nhiều hơn đến đầu tư phát triển năng lực y tế, nhất là y tế dự phòng, y tế cơ sở, chú trọng đào tạo lực lượng y tế, nghiên cứu sản xuất và chuyển giao công nghệ vắc-xin, đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, thông tin - dữ liệu y tế gắn với bảo hiểm y tế, cơ chế lương - thù lao gắn với kết quả hoàn thành nhiệm vụ của đội ngũ y tế, phải huy động lực lượng y tế tư nhân vào cuộc theo cơ chế thị trường; rồi ưu tiên ngân sách, nguồn lực cho những chương trình này. Rõ ràng là đã đến lúc chúng ta cần ưu tiên xây dựng Chiến lược nâng cao năng lực y tế như là một đột phá chiến lược mới.
Tôi cho rằng Chính phủ cần ban hành khung chương trình phục hồi kinh tế để các bộ, ngành, địa phương nhất quán xây dựng và thực hiện. Tránh hiện tượng mỗi địa phương có một chương trình, kế hoạch kinh tế riêng, dẫn tới 63 tỉnh thành có 63 nền kinh tế. Như thế, sẽ xảy ra hiện tượng cát cứ, mạnh ai người ấy làm, không có tính liên kết vùng, giảm tính lan tỏa, vai trò của các cực tăng trưởng, của các đầu tàu. Nhiều cơ hội đang xuất hiện từ tình hình dịch bệnh, như cơ hội thúc đẩy xuất khẩu khi thế giới đang phục hồi nhanh, nhu cầu hàng hóa, dịch vụ thiết yếu lớn. Cơ hội để thúc đẩy đầu tư khi nền kinh tế đang khát nguồn lực. Đây là dịp tuyệt vời để thúc đẩy đầu tư công, dù đang bị nghẽn, nhưng nghẽn cũng là cơ hội để giải quyết. Đây cũng là cơ hội để kinh tế tư nhân thể hiện tính chủ động, thích ứng, linh hoạt, năng động và nhất là đổi mới, sáng tạo.
Phải kích cầu tiêu dùng và kích cầu thị trường trong nước. Sau dịch bệnh, tiêu dùng sẽ bật như chiếc lò xo bị nén, như chúng ta đã thấy các số liệu về bán lẻ, một số dịch vụ đang phục hồi từ đầu tháng 10.
Đại dịch cũng là cơ hội để thúc đẩy nhanh hơn chuyển đổi số. Muốn thế, Đảng và Nhà nước cần hết sức quan tâm đển xây dựng thể chế, hành lang pháp lý cho chuyển đổi số, chú trọng hơn về dữ liệu, về an ninh mạng và nhân sự số. Theo đó, thay đổi tư duy quản lý, cách tiếp cận, cách làm của các cơ quan chức năng, của lãnh đạo doanh nghiệp là then chốt.
Phải đẩy nhanh cơ cấu lại nền kinh tế, tăng trưởng phải có chiều sâu hơn, gắn với chất lượng, đổi mới sáng tạo, trên nền tảng năng suất lao động. Đồng thời, cũng cần chú trọng gia cố, tăng sức chống chịu, sức đề kháng của nền kinh tế đối với những cú sốc cả bên trong và bên ngoài.
Ông có thể đánh giá về các gói hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vừa được ban hành? Trong tình hình hiện nay, cần thêm gói hỗ trợ nào và như thế nào?
Tôi và nhóm tác giả cũng đã đưa ra khuyến nghị cần khẩn trương, quyết liệt thực hiện các gói hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đã ban hành và tiến hành tháo gỡ ngay những vướng mắc trong quá trình thực hiện (đến nay, một số gói hỗ trợ còn triển khai chậm).
Hiện nay, Việt Nam có khoảng 7-8 gói hỗ trợ, cả tài khóa, tiền tệ và an sinh xã hội. Với những gói hỗ trợ đã ban hành, cái gì vướng mắc, phải tháo gỡ ngay, đây là việc cấp bách, không thể chậm trễ. Để thực hiện nhanh các gói hỗ trợ, cần phải tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin. Tôi đã kiến nghị hơn một năm nay rồi, khi hỗ trợ người dân nên khuyến khích dùng dịch vụ mobile money. Đây là cơ hội nghìn năm có một để thúc đẩy chuyển đổi số. Tám tháng vừa qua mặc dù đã có quyết định của Thủ tướng Chính phủ về thí điểm dịch vụ mobile money, có sẵn cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, có sẵn khách hàng nhưng triển khai còn chậm.
Trong tình hình hiện nay, chúng tôi đề xuất một gói hỗ trợ mới hơn, lớn hơn, dài hơi hơn, kéo dài khoảng hai năm, ít nhất là khoảng 2% GDP (GDP đã điều chỉnh, gói này tương đương 160 nghìn tỷ đồng). Gói hỗ trợ này sẽ hỗ trợ người lao động, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn, hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp. Với tiềm lực, dư địa tài khóa và chính sách tiền tệ hiện nay, khéo thu xếp ta vẫn còn dư địa để làm.
Chúng ta cần gói hỗ trợ mới, đủ lớn, đủ dài để hà hơi, tiếp sức cho doanh nghiệp, nuôi dưỡng nguồn thu, phục hồi nền kinh tế. Gói hỗ trợ mới không nên làm đại trà. Nền kinh tế đang phục hồi theo hình chữ K, có một số ngành phát triển rất tốt nhưng nhiều ngành lâm vào tình trạng cực kỳ khó khăn như dịch vụ vận tải, du lịch, lưu trú-ăn uống, giáo dục-đào tạo, nghệ thuật-giải trí...; cần ưu tiên để những ngành này tiếp cận gói hỗ trợ mới.
Theo ông trong tình hình hiện nay, Ngân hàng Nhà nước có nên tiếp tục giảm lãi suất điều hành?
Lãi suất điều hành (tái cấp vốn) của Ngân hàng Nhà nước hiện nay đang là 4%. Tôi cho rằng Ngân hàng Nhà nước không nên giảm lãi suất điều hành nữa. Nếu giảm tiếp sẽ đưa ra tín hiệu với thị trường là lãi suất tiền gửi giảm, như vậy người dân sẽ không gửi tiền vào ngân hàng. Và thực tế thời gian vừa qua người dân đã gửi ít đi. 10 tháng đầu năm, tiền gửi vào tổ chức tín dụng từ doanh nghiệp, từ người dân chỉ bằng hơn một nửa năm ngoái, còn lại người ta đem đầu tư chứng khoán, bất động sản, kể cả tiền kỹ thuật số.
Lãi suất cho vay hiện nay đang ở mức cực kỳ thấp, thấp nhất trong vòng 20 năm qua và cũng không phải là điểm nghẽn, bởi vì tín dụng vẫn tăng 8,7% trong 10 tháng đầu năm.
Ảnh hưởng vì dịch bệnh, giãn cách xã hội kéo dài, 18% doanh nghiệp châu Âu (EU) tại Việt Nam được khảo sát có ý định sẽ chuyển đi nước khác. Đây là vấn đề đáng lo ngại nhưng cũng là một áp lực để Việt Nam phải có mô hình phòng chống dịch phù hợp, chương trình phục hồi kinh tế hiệu quả. Bởi vì chúng ta đang lỡ nhịp phục hồi so với toàn cầu và đâu đó cũng chưa tận dụng được cơ hội dịch chuyển chuỗi cung ứng thời gian vừa qua. Chúng ta vẫn còn cơ hội để ổn định và tiến lên.
Xin trân trọng cảm ơn ông!