Góc nhìn

Kinh tế phục hồi tích cực hơn

Xu hướng phục hồi rõ nét của nền kinh tế đang mở ra kỳ vọng tốc độ tăng trưởng sẽ tăng dần từ quý II, để đến cuối năm, tăng trưởng có thể đạt mức cao theo kịch bản đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024.
0:00 / 0:00
0:00
Một góc TP Hồ Chí Minh. (Ảnh: TRẦN MINH DŨNG)
Một góc TP Hồ Chí Minh. (Ảnh: TRẦN MINH DŨNG)

Điểm đáng lưu ý là kinh tế Việt Nam đang duy trì đà phát triển tích cực ở ba lĩnh vực chính là nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ. Sản xuất nông nghiệp ổn định, sản xuất công nghiệp phục hồi tốt, xuất khẩu tiếp tục tăng mạnh; tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu tháng 6 tăng cao so với cùng kỳ năm trước.

Yếu tố thuận lợi thì đã rõ nhưng tình hình thế giới đầy bất ổn, liên tục biến động phức tạp, khó lường, nằm ngoài dự báo của các nước và tổ chức nghiên cứu quốc tế đang tạo sức ép lớn lên công tác điều hành vĩ mô.

Các giải pháp, chính sách điều hành trong thời gian này đòi hỏi phải mang tính chủ động, kịp thời ứng phó với biến động của môi trường kinh tế vĩ mô bên ngoài, vừa phải thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng, hỗ trợ nền kinh tế cạnh tranh hiệu quả với các nước để không bị lạc hậu trong các xu thế lớn toàn cầu.

Theo nhận định của các cơ quan điều hành, nền kinh tế Việt Nam mặc dù đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ từ đầu năm đến nay, nhưng hiện đang phải đối mặt với nhiều vấn đề lớn.

Đó là các động lực tăng trưởng dù đã chuyển biến tích cực hơn nhưng khó tạo được bước đột phá cho tăng trưởng năm 2024; ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát còn đối mặt với nhiều thách thức và tiềm ẩn nhiều rủi ro; dư địa điều hành lạm phát cả năm không còn nhiều vì chỉ số giá tiêu dùng bình quân 5 tháng đã tăng 4,03% so với cùng kỳ và có nhiều yếu tố tác động lên lạm phát rất khó dự báo.

Bên cạnh đó, các thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp đã phát triển bền vững hơn nhưng còn nhiều vấn đề cần tháo gỡ như tăng trưởng tín dụng, xử lý nợ xấu, xử lý ngân hàng yếu kém, tháo gỡ khó khăn cho các dự án bất động sản...

Ngoài ra, thiên tai, dịch bệnh, tình trạng thiếu nước, xâm nhập mặn, biến đổi khí hậu, phát triển đô thị... vẫn là thách thức lớn đối với phát triển kinh tế-xã hội đất nước.

Trong bối cảnh đó, để đạt kết quả tăng trưởng cao hơn mục tiêu kế hoạch đề ra cho năm 2024, các giải pháp điều hành từ nay đến cuối năm cần đặt trọng tâm vào mục tiêu tiếp tục ưu tiên cho tăng trưởng, đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh cũng như sự phát triển của các ngành mới; thúc đẩy và làm mới các động lực tăng trưởng; theo dõi sát diễn biến lạm phát, làm tốt công tác phân tích, dự báo để kịp thời tham mưu với Chính phủ các giải pháp chỉ đạo, điều hành, quản lý giá cả, bảo đảm kiểm soát lạm phát cả năm.

Chặng đường phía trước còn gặp nhiều khó khăn nhưng điều quan trọng là bức tranh kinh tế đang sáng dần.