Sửa thuế để nông nghiệp thật sự là trụ đỡ của nền kinh tế

Sau 10 năm thực hiện, Luật Thuế giá trị gia tăng (Luật số 71/2014/QH13) đã nảy sinh nhiều bất cập, khó khăn cho nông nghiệp - ngành giữ vai trò bệ đỡ của nền kinh tế, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu, rộng hơn. Để tháo gỡ về phương diện pháp lý, trong dự thảo sửa đổi Luật số 71/2014/QH13, dự kiến trình Quốc hội xem xét tới đây, các mặt hàng nông nghiệp như phân bón được đưa vào diện chịu thuế giá trị gia tăng 5%, thay vì không chịu thuế như quy định hiện hành.
0:00 / 0:00
0:00
Việc áp thuế giá trị gia tăng với phân bón đã dẫn đến nhiều hệ lỵ cho cả nông dân và doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước. Ảnh: Đạm Cà Mau
Việc áp thuế giá trị gia tăng với phân bón đã dẫn đến nhiều hệ lỵ cho cả nông dân và doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước. Ảnh: Đạm Cà Mau

Trong tỷ trọng GDP của quốc gia, ngành nông nghiệp chiếm tỷ trọng ngày càng thấp, thể hiện quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá của đất nước, nhưng vai trò của nông nghiệp trong GDP lại rất cao, là bệ đỡ nền kinh tế. Trong bối cảnh này, có thể thấy bất cập của Luật số 71/2014/QH13 với nền kinh tế nói chung, với ngành nông nghiệp và bà con nông dân nói riêng, và gây hệ lụy tới sự phát triển đồng bộ của nền kinh tế.

Sửa thuế để nông nghiệp thật sự là trụ đỡ của nền kinh tế ảnh 1

Tọa đàm "Sửa thuế để thúc đẩy hoạt động doanh nghiệp do Báo Đầu tư tổ chức.

Người nông dân “thiệt đơn, thiệt kép”

Năm 2008, khi Quốc hội thông qua Luật Thuế giá trị gia tăng, phân bón, thuốc trừ sâu, nguyên vật liệu đầu vào của nông nghiệp nhưng là đầu ra của công nghiệp chịu thuế suất 5%,10%. Đặc biệt là phân bón và máy móc thiết bị chuyên dùng cho nông nghiệp đang áp dụng thuế 5%. Tuy nhiên, trong thời điểm đó, chúng ta trải qua khủng hoảng châu Á – Thái Bình Dương và kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn trong suốt giai đoạn 2012-2013. Nên yêu cầu đặt ra là cần có các chính sách khuyến khích, tháo gỡ cho ngành nông nghiệp.

Tại buổi tọa đàm “Sửa thuế để thúc đẩy hoạt động doanh nghiệp” do Báo Đầu tư tổ chức mới đây, ông Nguyễn Văn Phụng, nguyên Vụ trưởng Quản lý Thuế Doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế) chia sẻ, khi đó có nhiều hiệp hội ngành hàng kiến nghị đưa phân bón về thuế suất 0%, song với tư cách cán bộ làm chính sách của Bộ Tài chính, tôi đã khuyến cáo, không thể đưa về 0% được vì theo thông lệ quốc tế và cam kết quốc tế, chúng ta chỉ áp dụng cho hàng hoá và dịch vụ xuất khẩu, theo đúng nguyên tắc của thuế giá trị gia tăng. Thời điểm đó, Quốc hội cũng đã bàn và đưa ra ba mức thuế 0%, 5% và 10%, song các hiệp hội ngành hàng, các cơ quan nghiên cứu, các viện các trường không đủ thông tin dữ liệu để chứng minh trước Quốc hội rằng 5% có lợi hay không chịu thuế có lợi, với thời gian ngắn ngủi và số liệu thông tin cụ thể, nên đã đưa từ chịu thuế 5% về không chịu thuế.

Chỉ ra những bất cập, ông Nguyễn Trí Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho rằng, kể cả những người không hiểu về các sắc thuế như người nông dân - những người “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” đã rất thấm thía sau 10 năm thực thi Luật số 71/2014/QH13 khi ngành nông nghiệp chịu “thiệt đơn, thiệt kép”. Cụ thể, mặt hàng phân bón thuộc đối tượng “không chịu thuế giá trị gia tăng” theo Luật số 71/2014/QH13. Vì vậy, các doanh nghiệp phân bón không được kê khai, khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào là hàng hóa, dịch vụ, thiết bị máy móc, đầu tư cho sản xuất phân bón. Chính vì không được khấu trừ nên các hoạt động sản xuất phân bón phải tính vào chi phí sản phẩm, tức là tính vào giá thành sản phẩm, tác động đẩy giá phân bón lên. Trong khi vật tư đó chiếm khoảng 40-60% giá thành của các sản phẩm nông nghiệp, mà nó là sản phẩm thiết yếu đầu vào không thể thiếu được. Nếu được khấu trừ, sản phẩm được khấu trừ thì giá thành giảm xuống.

Theo ông Nguyễn Trí Ngọc, một tác động nữa là giá thành phân bón sản xuất trong nước tăng thì bất lợi trong cạnh tranh với sản phẩm phân bón nhập khẩu. Mỗi năm, ngành nông nghiệp tiêu thụ 11-12 triệu tấn phân bón, trong đó sản phẩm sản xuất trong nước khoảng 8 triệu tấn, còn lại nhập khẩu bởi có những sản phẩm Việt Nam chưa sản xuất được. Nhập khẩu thì cạnh tranh bất bình đẳng vì bên nước họ chịu thuế giá trị gia tăng nên được khấu trừ và giá nhập vào thấp hơn so giá sản xuất trong nước.

Khó khăn đè nặng trên vai doanh nghiệp nội

Từ cuối năm 2014, Công ty Cổ phần DAP - Vinachem đã nhận thức được vấn đề khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp và năm 2015 đã có kiến nghị lên Tổng cục Thuế đề nghị xem xét, điều chỉnh quy định về Luật số 71/2014/QH13.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hoàng Trung, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần DAP – Vinachem, thời điểm đó Luật số 71/2014/QH13 vừa mới ban hành, nên cần thời gian để đánh giá. Qua thực tiễn 10 năm, chúng ta đã có đủ trải nghiệm, số liệu, căn cứ để đánh giá được kết quả như thế nào. Với DAP – Vinachem - đơn vị chuyên sản xuất phân bón DAP, một trong hai đơn vị sản xuất DAP tại Việt Nam, toàn bộ chi phí đầu vào phải tính vào giá thành sản xuất, hàng năm tính vào khoảng 7-8% chi phí sản xuất tăng thêm, ước tính mỗi năm mất khoảng 100 tỷ đồng, 10 năm nay thì lũy kế lên tới con số hàng nghìn. Khi giá thành sản xuất tăng, mà giá bán trên thị trường không điều chỉnh được, thì có sự cạnh tranh bất bình đẳng giữa hàng sản xuất trong nước và nhập khẩu. Phân bón nhập khẩu không phải chịu thuế. Người nhập khẩu phân bón về không phải chịu thuế giá trị gia tăng, có điều kiện để giảm giá bán và trong nước, hàng sản xuất lại bị tăng giá thành, nên ngành sản xuất phân bón trong nước thời gian qua không làm chủ và cũng không chi phối được thị trường, phải theo luật chơi của phân bón nhập khẩu. Phân bón nhập khẩu hình thành mặt bằng chung cho giá trên thị trường, chúng tôi bắt buộc phải chấp nhận theo. Giá thành tăng lên nhưng giá bán không thể điều chỉnh theo. Đó là khó khăn lớn nhất cho Công ty, cũng là nguyên nhân khiến sản xuất - kinh doanh sụt giảm.

Theo ông Nguyễn Văn Phụng, nguyên lý của thuế giá trị gia tăng tác động trực tiếp đến giá bán, trong một nền kinh tế đóng khác mà mở khác, việc áp dụng phân bón không chịu thuế giá trị gia tăng trong 10 năm qua là chúng ta đang ở tình trạng cháy nhà hai đầu ở cả ba phương diện: Nhà nước, doanh nghiệp và nhà nông. Nhà nước thỏa thuận Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) không phân biệt hàng nội và hàng ngoại. "Hàng trong nước không chịu thuế thì hàng nhập khẩu cũng không chịu thuế, do đó doanh nghiệp nước ngoài có cơ hội tấn công vào thị trường Việt Nam, phân bón nhập khẩu vào chịu thuế giá trị gia tăng 0% nên doanh nghiệp nhà nước luôn có lợi thế so sánh với doanh nghiệp trong nước về không chịu thuế, về chi phí thấp hơn và nhà nước bị thất thu một khoản tiền lẽ ra phải thu được nếu duy trì thuế 5%", ông Phụng nhìn nhận.

Như vậy, ông Phụng cho rằng, đầu tiên Nhà nước bị mất 5% đối với phân bón nhập khẩu. Đối với nhà sản xuất là các doanh nghiệp, khó khăn ở vật tư nguyên liệu đầu vào, chi phí đầu tư mua sắm trang thiết bị, chuyển đổi công nghệ không được áp dụng chế độ khấu trừ thuế giá trị gia tăng cho nên tất cả các khoản thuế đầu vào mà doanh nghiệp đã trả, đã cộng vào giá bán, cộng vào chi phí cố định, làm tăng giá sản phẩm khiến nhiều doanh nghiệp hóa chất phân bón bị lỗ. Từ câu chuyện tính thuế cho phân bón, chúng ta cần đứng trên quyền lợi của nhà nước, của doanh nghiệp và người tiêu dùng, kết quả cuối cùng là nền kinh tế hiệu quả cao hơn. Do đó, cần mở rộng nghiên cứu thêm các ngành khác liên quan đến nông nghiệp, nông thôn để có đề xuất phù hợp giúp nền kinh tế phát triển tốt hơn.

Sửa thuế để nông nghiệp thật sự là trụ đỡ của nền kinh tế ảnh 2
Ông Nguyễn Văn Phụng, nguyên Vụ trưởng Quản lý Thuế Doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế).

Hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững

Dẫn số liệu áp thuế của các nước trên thế giới, ông Phụng cho biết, Trung Quốc áp dụng hai thuế suất, thuế suất tối thiểu và thuế suất tối đa, nên mặt hàng phân bón chịu thuế suất 11%, Nga áp dụng thuế giá trị gia tăng phân bón 20%. Phân bón làm từ nguyên liệu hóa thạch như dầu mỏ, dầu thô, khí thiên nhiên qua quá trình chế biến phức tạp thì việc áp thuế liên quan đến cả ngành công nghiệp phía sau. Thái Lan, Malaysia, Singapore đều áp dụng thuế giá trị gia tăng cho phân bón, không có nước nào không áp thuế giá trị gia tăng phân bón như Việt Nam.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Trung chỉ ra, các số liệu quốc tế cũng công khai, minh bạch. Thế giới coi phân bón là mặt hàng phục vụ sản xuất nông nghiệp. Việt Nam cũng vậy nhưng cách ứng xử thì chưa được như thế giới. Thực tế, Việt Nam đã bắt đầu hình thành ngành công nghiệp sản xuất phân bón. Cho tới thời điểm này, Việt Nam có vài trăm nhà máy sản xuất phân bón các loại từ nhỏ cho tới lớn, rất lớn. Đấy là thực tế tạo ra sản lượng phân bón các loại vài trăm triệu tấn. Trong nông nghiệp sử dụng hàng năm vào khoảng 11-12 triệu tấn phân bón các loại. Con số này để nói lên rằng, phân bón là hàng sản xuất nông nghiệp, mà nông nghiệp trong chính sách của các quốc gia coi mặt hàng là mặt hàng cần được ưu tiên khác với các loại hàng hoá khác.

Thí dụ, có tới 60% lượng phân bón Việt Nam nhập khẩu là từ Nga và Trung Quốc. Nga có chính sách thuế giá trị gia tăng 20%, Trung Quốc là 11% dự kiến giảm xuống 9%. Các nước xung quanh ta như Malaysia, Indonesia, Thái Lan đều coi phân bón là mặt hàng chịu thuế giá trị gia tăng (khoảng 8%).

Theo ông Nguyễn Hoàng Trung, điều này cho thấy, phần lớn các nước trên thế giới đều áp thuế với quan điểm của họ là sản xuất nông nghiệp - đối tượng cần được ưu tiên, cần được phát triển một cách bền vững để tạo nền tảng cho xã hội. Còn Việt Nam, chúng ta coi trọng nông nghiệp, có rất nhiều nghị quyết, nhiều chủ trương, nhưng những chính sách cụ thể thì chúng ta phải học tập, nghiên cứu vì hội nhập ngày càng sâu. Mỗi năm, Việt Nam xuất khẩu xấp xỉ 55 tỷ USD, mà là xuất siêu. Phải thừa nhận là nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh Hàng triệu hộ nông dân rất cần được quan tâm để họ đầu tư, phát triển nông nghiệp bền vững theo chủ trương hiện nay là phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp bền vững, sinh thái.

Dẫn những nghiên cứu cho thấy, sẽ có hiệu quả được mang lại khi đưa thuế giá trị gia tăng với phân bón về mức 5%, ông Nguyễn Văn Phụng chỉ rõ, lợi ích thứ nhất là tăng thu ngân sách đối với thuế nhập khẩu trong khi vẫn giữ mặt bằng giá bán trong nước. Đối với nông dân có cơ hội yêu cầu doanh nghiệp bán giá mới thấp hơn, yêu cầu doanh nghiệp phân bón thực hiện nguyên tắc đúng theo Luật, được khấu trừ đầu vào cần hạ mặt bằng giá bán. Thứ hai, chúng ta đang hướng đến kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, tiến tới kinh tế nông nghiệp nông thôn. Quy định khấu trừ thuế đầu vào chặt chẽ hơn, tránh gian lận, chúng ta có hóa đơn điện tử, kiểm soát, quản lý rủi ro, đảm bảo minh bạch trong kê khai VAT đầu vào. Thứ ba, có những doanh nghiệp chuyên sản xuất mặt hàng chịu thuế 5% nhưng đầu vào 10%, trước đó phân bón thuốc trừ sâu, ngành dược, thiết bị… thuế đầu ra thấp hơn đầu vào, nhà nước hoàn lại cho doanh nghiệp, tránh doanh nghiệp bị mất vốn. Hiện nay, có gần 100.000 tỷ đồng thuế giá trị gia tăng đầu vào không được khấu trừ, đang nằm ở các doanh nghiệp hạch toán ghi nợ tài khoản kế toán - tài khoản 133, thuế giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ nhưng không được khấu trừ, sẽ là một khoản mất vốn. Với quy định này của Luật thuế giá trị gia tăng, doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi thiết thực.

Chiến lược cải cách thuế tầm nhìn năm 2030 hướng tới một thuế suất thống nhất, không thể là 5% sẽ là 10% hoặc cao hơn. Trước đây, Nhật Bản chỉ áp thuế 3% giá trị gia tăng sau điều chỉnh lên 5%-10%. Việt Nam điều chỉnh như thế nào tùy thuộc vào “sức khỏe” của nền kinh tế, sức mua của thị trường, với quan điểm nhất quan của Đảng và Nhà nước là do dân và vì dân.