Quyết liệt giữ vững quy mô tăng trưởng nền kinh tế

Nhiều tổ chức kinh tế quốc tế lớn như ADB, Standard Chartered, HSBC, UOB… công bố dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam là 6%, thuộc nhóm 5 quốc gia tăng trưởng nhanh nhất châu Á. Chỉ số niềm tin kinh doanh quý I/2024 của nước ta theo EuroCham đạt 52,8 điểm, cao nhất từ năm 2022.
0:00 / 0:00
0:00
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4 tháng năm 2024 tăng 3,93% so cùng kỳ năm 2023. Ảnh: HẢI NAM
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4 tháng năm 2024 tăng 3,93% so cùng kỳ năm 2023. Ảnh: HẢI NAM

Dù bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường với nhiều khó khăn, thách thức, tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội trong nước vẫn đạt những kết quả tích cực, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các giải pháp đồng bộ tiếp tục được triển khai nhằm nỗ lực giữ vững quy mô tăng trưởng nền kinh tế.

Đà tăng trưởng đồng đều

Năm 2024, các bất ổn địa chính trị, xung đột quân sự leo thang tại một số quốc gia, khu vực khiến những nguy cơ tiềm tàng đe dọa sự ổn định, phát triển toàn cầu không giảm bớt mà có xu hướng tăng thêm. Thiên tai, biến đổi khí hậu tiếp tục có những diễn biến khó lường. Nhiều nền kinh tế lớn, đối tác thương mại, đầu tư chủ yếu của nước ta phục hồi chậm. Hầu hết các quốc gia tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ, tỷ giá đồng USD và giá vàng tăng mạnh, giá dầu thô, hàng hóa cơ bản, dịch vụ vận tải… liên tục biến động mạnh.

Tuy nhiên trong bối cảnh đó, vẫn xuất hiện một số dấu hiệu khả quan hơn đối với triển vọng kinh tế, thương mại toàn cầu. Nhiều tổ chức quốc tế lớn đã điều chỉnh mức tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2024 cao hơn so dự báo từ đầu năm. Tháng 5/2024, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) dự báo, GDP toàn cầu năm 2024 đạt 3,1%; tăng 0,2% so dự báo vào tháng 2. Tháng 4/2024, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo GDP toàn cầu năm 2024 tăng 3,2%; tăng 0,1% so dự báo từ đầu năm của tổ chức này.

Đây được xem như cơ hội tốt cho Việt Nam tiếp tục phục hồi, tăng trưởng nền kinh tế. Theo Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2024 của Chính phủ tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đang diễn ra, tình hình chung có nhiều chuyển biến tích cực. Tăng trưởng GDP quý I/2024 đạt 5,66%, cao nhất trong giai đoạn 2020-2023.

Nền kinh tế duy trì đà phát triển tích cực ở cả 3 khu vực gồm nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Sản xuất nông nghiệp tăng trưởng khá, tiếp tục là trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế. Xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả khả quan. Sản xuất công nghiệp phục hồi tích cực, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo. Sản xuất và cung ứng điện, xăng, dầu được bảo đảm, đáp ứng đủ nhu cầu cho sản xuất và sinh hoạt. Thương mại, dịch vụ tiếp tục có bước phát triển khá. Hoạt động dịch vụ vận tải được cải thiện, nhất là vận tải đường sắt có nhiều đổi mới. Du lịch tiếp tục phục hồi nhanh với gần 6,2 triệu lượt khách quốc tế, tăng 1,6 lần so cùng kỳ năm 2023 và tăng 3,9% so cùng kỳ năm 2019.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4 tháng năm 2024 tăng 3,93% so cùng kỳ năm 2023. Trong 4 tháng đầu năm 2024, thu ngân sách nhà nước đạt 43,1% dự toán, tăng 10,1%; kim ngạch xuất khẩu tăng 15%; xuất siêu đạt 8,4 tỷ USD, tăng 740 triệu USD so cùng kỳ năm trước. Giải ngân vốn đầu tư công đạt 17,46% kế hoạch, cao nhất trong 4 năm trở lại đây. Tổng vốn FDI đăng ký đạt 9,27 tỷ USD, tăng 4,5%, trong đó vốn FDI đăng ký mới đạt 7,11 tỷ USD, tăng 73,2%; FDI thực hiện đạt 6,28 tỷ USD, tăng 7,4%, cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Nhiều tập đoàn lớn đã cam kết đầu tư vào Việt Nam trong các ngành điện tử, chíp bán dẫn, năng lượng tái tạo.

Phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội được đẩy mạnh, nhất là các công trình hạ tầng giao thông, năng lượng quan trọng, trọng điểm quốc gia. Trong đó có việc khởi công dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh, Hữu Nghị-Chi Lăng, mở rộng Nhà ga T2-Cảng hàng không quốc tế Nội Bài; đưa vào khai thác các đoạn cao tốc Diễn Châu-Bãi Vọt (30 km), Cam Lâm-Vĩnh Hảo (79 km), nâng tổng số km đường bộ cao tốc đưa vào khai thác lên hơn 2.000 km.

Công tác quy hoạch tiếp tục được chú trọng triển khai; có 110/111 quy hoạch đã hoàn thành việc lập, thẩm định, phê duyệt; hầu hết quy hoạch ngành, lĩnh vực, tỉnh được phê duyệt, công bố và tổ chức thực hiện, đặc biệt, Quốc hội đã phê duyệt toàn bộ 6 vùng kinh tế-xã hội theo quy hoạch tổng thể quốc gia và đang xem xét phê duyệt Quy hoạch không gian biển quốc gia.

Quyết liệt giữ vững quy mô tăng trưởng nền kinh tế ảnh 1

Tuyến đường cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt tại nút giao Diễn Cát (Diễn Cát, Diễn Châu, Nghệ An). Ảnh: DƯƠNG HÓA

Tiếp tục duy trì quy mô tăng trưởng

Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đang diễn ra, cử tri và nhân dân đánh giá cao những kết quả đạt được trong những tháng đầu năm của kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội trong nước. Cử tri đặc biệt đánh giá cao việc tổng sản phẩm trong nước quý I/2024 tăng hơn 5,6% so cùng kỳ năm 2023, cao nhất trong 4 năm trở lại đây; các cân đối lớn được bảo đảm, cơ bản giữ được giá trị đồng tiền Việt Nam; các công trình trọng điểm quốc gia về giao thông, điện, nhất là các dự án đường cao tốc được đẩy nhanh tiến độ.

Bên cạnh đó, trong 12 dự án lớn đầu tư thua lỗ, nay đã có 5 dự án được khắc phục và có lãi, 7 dự án còn lại cũng có nhiều tín hiệu tích cực. Kết quả thu ngân sách đạt và vượt kế hoạch, giải ngân vốn đầu tư công chuyển biến tích cực. Trong khi sản xuất công nghiệp, dịch vụ gặp khó khăn, một số chuỗi cung ứng hàng hóa đứt gãy thì khu vực nông nghiệp tăng trưởng gần 3% so cùng kỳ, giữ vững vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế trong bối cảnh nhiều biến động. Đây là kết quả đáng ghi nhận.

Đông đảo người dân đã bày tỏ sự tin tưởng với sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của Đảng và Nhà nước đối với quản lý, vận hành nền kinh tế, trực tiếp là Chính phủ. Thời gian qua, Thủ tướng và các Phó Thủ tướng Chính phủ thường xuyên trực tiếp kiểm tra, đôn đốc các công trình, dự án quan trọng, trọng điểm quốc gia theo tinh thần “ba ca, bốn kíp”, “vượt nắng, thắng mưa”, “làm việc xuyên ngày nghỉ, ngày lễ, ngày Tết”, “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, quyết tâm hoàn thành sớm nhất với chất lượng cao nhất. Chính phủ luôn quan tâm giải quyết kịp thời, hài hòa những vấn đề mới phát sinh, liên quan quyền lợi của nhân dân, tạo sự đồng thuận cao trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an sinh xã hội.

Tuy nhiên trong dư luận vẫn còn những băn khoăn, lo lắng trước tình trạng số doanh nghiệp giải thể, tạm ngưng hoạt động chưa có chiều hướng giảm; có những thời điểm số doanh nghiệp giải thể cao gấp 3 lần số doanh nghiệp thành lập mới. Cụ thể, trong tháng 1/2024, cả nước có 13.500 doanh nghiệp thành lập mới, trong khi có tới 43.900 doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh có thời hạn và khoảng 2.100 doanh nghiệp giải thể.

Tình trạng công nhân lao động bị ngừng việc, nghỉ việc, rút bảo hiểm xã hội một lần có xu hướng tăng. Tại Công ty TNHH May mặc KVAT (TP Tân Uyên, Bình Dương), đã có khoảng 350 công nhân ngừng việc tập thể do phía công ty chưa chi trả tiền thưởng tháng 13. Gần 300 công nhân lao động của Công ty TNHH Sein Together Vinh Vina (xã Thanh Khê, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An) cũng ngừng việc tập thể để yêu cầu doanh nghiệp trả lương tháng 1/2024…

Đặc biệt trong những tháng gần đây, việc quản lý giá vé máy bay và giá vàng còn gặp nhiều khó khăn, bất cập. Thị trường có sự tăng giảm đột ngột, biên độ cao, gây hoang mang dư luận trong một số thời điểm.

Nhưng về cơ bản, các vấn đề đều được mổ xẻ và Chính phủ đã có những biện pháp cụ thể để tháo gỡ vướng mắc trong các lĩnh vực đang gặp khó khăn. Tin tưởng trong thời gian tới, khi những chính sách mới đi vào cuộc sống, cùng với sự điều hành linh hoạt của Chính phủ, kinh tế vĩ mô tiếp tục duy trì quy mô tăng trưởng ổn định. Đặc biệt, việc quy mô nền kinh tế Việt Nam vượt ngưỡng 430 tỷ USD, bước vào nhóm các nước thu nhập trung bình cao được xem là dấu mốc, động lực to lớn để chúng ta vững bước trên hành trình sắp tới.