Ðiểm lại tình hình kinh tế bảy tháng năm 2023, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Ðầu tư Trần Quốc Phương nhắc đến kết quả tăng trưởng hai quý đầu năm ước chỉ đạt 3,72%, thấp hơn kịch bản đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ. Trong khu vực doanh nghiệp, hoạt động sản xuất, kinh doanh ở nhiều lĩnh vực gặp khó khăn khiến một bộ phận doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất, cắt giảm sản lượng vì sức chống chịu đã bị bào mòn sau đại dịch Covid-19.
Thách thức mức tăng trưởng 6,5%
Thách thức lớn hiện nay đặt ra cho doanh nghiệp là thị trường bị thu hẹp, dòng tiền khó khăn trong khi phát sinh nhiều thủ tục hành chính làm tăng thêm chi phí hoạt động. Mặt bằng lãi suất giảm nhưng doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn, dư nợ tín dụng đến ngày 27/7 tăng 4,28% (cùng kỳ năm 2022 tăng 9,44%); khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành giảm 78% so cùng kỳ. Thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực vẫn còn rườm rà, phức tạp; một số cơ chế, chính sách, quy định pháp luật chậm được sửa đổi.
Những khó khăn của doanh nghiệp, nền kinh tế đã tác động trực tiếp, làm gia tăng áp lực điều hành kinh tế vĩ mô: Thu ngân sách nhà nước bảy tháng giảm 7,8% so cùng kỳ; tỷ lệ nợ xấu nội bảng cao hơn mục tiêu đề ra; chỉ số lạm phát cơ bản vẫn ở mức cao. Bên cạnh đó là tình trạng cắt giảm lao động, giảm giờ làm diễn ra trong một số ngành công nghiệp chế biến, chế tạo như điện tử, da giày, may mặc, chế biến gỗ,... tại một số địa phương tập trung nhiều khu công nghiệp. Lao động bị mất việc làm có xu hướng chuyển dịch sang làm việc trong khu vực dịch vụ, chấp nhận công việc ít ổn định hơn.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Ðầu tư Trần Quốc Phương
Thực trạng này đang tạo thêm thách thức cho vấn đề rút bảo hiểm xã hội một lần và có thể tiềm ẩn rủi ro nhất định về an sinh xã hội cũng như an ninh, trật tự an toàn xã hội. Nhưng điểm tích cực là xu thế kinh tế đang dần khả quan hơn. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 7/2023 đã tăng 3,9% so với tháng trước và tăng 3,7% so cùng kỳ. Tính chung bảy tháng, Việt Nam xuất siêu hơn 16,5 tỷ USD; thu hút đầu tư nước ngoài bắt đầu tăng trở lại sau chuỗi giảm liên tiếp trong sáu tháng đầu năm.
Chính phủ cũng đã tiếp tục tập trung tháo gỡ các vấn đề tồn đọng, vướng mắc, nhất là về thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, dự án đầu tư,... bước đầu tạo chuyển biến tích cực, giúp khơi thông dòng tiền, khơi thông nguồn lực của nền kinh tế, củng cố thêm niềm tin của doanh nghiệp và nhà đầu tư. “Có được kết quả này là nhờ sự nỗ lực của toàn hệ thống chính trị, nhất là trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Từ đầu năm đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều giải pháp, điều hành quyết liệt, hiệu quả, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nói.
Nhận định nền kinh tế đang dần lấy lại đà tăng trưởng nhưng Bộ Kế hoạch và Ðầu tư cũng đánh giá những khó khăn, thách thức đặt ra trong những tháng còn lại của năm 2023 là rất lớn và tình hình không thể chuyển biến nhanh trong ngắn hạn. Tăng trưởng của nền kinh tế phụ thuộc khá nhiều vào xu hướng chung toàn cầu, gây sức ép lên công tác điều hành, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Cần thêm cơ chế đột phá
Nhìn vào tình trạng “sức khỏe” của doanh nghiệp đang suy giảm, có thể dự đoán năm nay rất khó để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 6%-6,5%. Sau đại dịch Covid-19 và những tác động tiêu cực kéo dài của tình hình thế giới, sức chống chịu của một bộ phận doanh nghiệp đã tới hạn.
PGS, TS Trần Ðình Thiên, nguyên Viện trưởng Kinh tế Việt Nam
Từ cuối năm 2022 đến nay, số lượng doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động tăng nhanh, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Chỉ số sử dụng lao động giảm mạnh nhất ở các tỉnh có lợi thế về công nghiệp chế biến chế tạo như Bình Dương, Ðồng Nai, Thái Nguyên, Bắc Ninh đặt ra nhiều thách thức với triển vọng công nghiệp của Việt Nam.
Bên cạnh đó, thu hút đầu tư nước ngoài cũng chưa phục hồi như trước đại dịch cũng làm giảm một trong những động lực tăng trưởng của nền kinh tế. PGS, TS Trần Ðình Thiên cho rằng đây là thời điểm đặc biệt khó khăn đối với nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam, cần nhận diện lại cấu trúc kinh tế để có thêm những giải pháp “khác thường” phù hợp bối cảnh mới mang tính bất định, khó dự đoán. Việc đạt được mục tiêu tăng trưởng năm 2023 khoảng 6,5% là thách thức rất lớn, đòi hỏi sự nỗ lực, quyết tâm rất cao của các cấp, các ngành.
Theo PGS, TS Nguyễn Ðức Trung, Hiệu trưởng Trường đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh, trong hai quý còn lại của năm 2023 phải có những giải pháp đột phá hỗ trợ nền kinh tế. Cụ thể là khơi thông các nguồn lực, thúc đẩy đầu tư tư nhân vào những lĩnh vực quan trọng. Trong đó có vấn đề bảo đảm ổn định hệ thống ngân hàng, xử lý nợ xấu, nhất là giữ ổn định tỷ giá để tránh nhập khẩu lạm phát và tạo ra nền tảng vĩ mô ổn định.
Theo Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, thời gian tới, nền kinh tế có nhiều triển vọng cải thiện tốc độ tăng trưởng qua vấn đề thúc đẩy đầu tư công, tiêu dùng, du lịch; đồng thời gia tăng đóng góp của số hóa, công nghệ cao vào tăng trưởng, đẩy mạnh quá trình chuyển đổi xanh, tận dụng xu hướng chuyển dịch dòng vốn đầu tư nước ngoài,... Trong các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần thực hiện từ nay đến cuối năm, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư kiến nghị Chính phủ giao các bộ, ngành, địa phương tập trung rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách, quy định của pháp luật để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, tạo công ăn việc làm và sinh kế cho người dân.
Vấn đề mấu chốt được chỉ ra là cơ quan quản lý phải quyết liệt cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh. Trước tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức sợ sai không dám giải quyết công việc trong thẩm quyền, Bộ Kế hoạch Ðầu tư đề nghị các bộ, ngành cần khẩn trương tham mưu, trình cấp có thẩm quyền ban hành quy định cụ thể, đủ thẩm quyền để thể chế hóa chủ trương bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách niệm vì lợi ích chung.
Bộ cũng nhấn mạnh đến nhiệm vụ thúc đẩy các động lực tăng trưởng gồm tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ người lao động,...
Nhiệm vụ đặt ra cho năm 2023 rất nặng nề vì nếu tăng trưởng không đạt mục tiêu sẽ ảnh hưởng đến việc thực hiện Kế hoạch 5 năm 2021-2025, Chiến lược 10 năm 2021-2025, thậm chí xa hơn là các mục tiêu 2030-2045 như Nghị quyết Ðại hội Ðảng lần thứ XIII đã đề ra. Ngay cả khi năm nay đạt mức 6,5%, bình quân hai năm 2024-2025, tăng trưởng GDP phải đạt 7,76%/năm mới đạt tăng trưởng bình quân 5 năm là 6,5%, cận dưới mục tiêu 6,5-7% theo Nghị quyết Ðại hội Ðảng lần thứ XIII đề ra. Còn nếu năm nay chỉ đạt 6%, bình quân hai năm 2024-2025 phải đạt 8%/năm. Ðây là mức rất cao, quá khó để đạt được nếu như không có cơ chế, chính sách đột phá.
TRẦN QUỐC PHƯƠNG
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Ðầu tư