Kinh nghiệm và bài học từ huy động các nguồn lực xã hội

Theo kế hoạch, kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV sẽ xem xét Báo cáo kết quả giám sát của Quốc hội và thông qua Nghị quyết về chuyên đề giám sát "Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng". Đây là những nội dung quan trọng mà dư luận xã hội rất quan tâm, sẽ được Đoàn giám sát báo cáo đầy đủ trước đông đảo cử tri và nhân dân cả nước.
0:00 / 0:00
0:00
Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội về “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng” làm việc với Chính phủ. (Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội)
Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội về “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng” làm việc với Chính phủ. (Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội)

Tại cuộc họp gần đây của Đoàn giám sát, nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội, đại diện các cơ quan hữu quan cho rằng, yêu cầu đặt ra là qua quá trình giám sát, các cơ quan của Chính phủ, của Quốc hội từ thực tiễn cần đánh giá kết quả đạt được, bất cập, hạn chế, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm trong huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Yêu cầu nữa là qua giám sát, cần đưa ra đề xuất, kiến nghị, giải pháp vừa căn cơ, lâu dài nhằm khắc phục những bất cập về cơ chế, chính sách để triển khai công tác chỉ đạo điều hành lĩnh vực này. Một số ý kiến chỉ rõ hệ thống pháp luật hiện hành thiếu các quy định về tình huống khẩn cấp, do vậy qua kết quả giám sát lần này cần sửa nhiều luật và ban hành các quy định phù hợp, hiệu lực, hiệu quả hơn.

Qua thảo luận, các đại biểu thống nhất nhận định đánh giá: Từ thực tiễn cho thấy, việc huy động, sử dụng và phân bổ nguồn lực phòng, chống dịch Covid-19 được thực hiện trong bối cảnh khủng hoảng y tế toàn cầu, tính chất phức tạp, ở nước ta và các nước chưa có tiền lệ.

Từ thực tiễn cho thấy, việc huy động, sử dụng và phân bổ nguồn lực phòng, chống dịch Covid-19 được thực hiện trong bối cảnh khủng hoảng y tế toàn cầu, tính chất phức tạp, ở nước ta và các nước chưa có tiền lệ.

Bên cạnh đó, cần khẳng định rằng, qua công tác phòng, chống dịch cho thấy sức mạnh tổng hợp của cộng đồng, sự vào cuộc khẩn trương, đạt nhiều kết quả quan trọng của cả hệ thống chính trị. Trước diễn biến dịch bệnh phức tạp chưa từng có tiền lệ, theo báo cáo, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Tiểu ban vận động huy động xã hội kịp thời phát động, kêu gọi vận động toàn dân, trong đó có đồng bào tôn giáo, người Việt Nam ở nước ngoài đồng lòng tham gia công tác phòng, chống dịch, góp phần bổ sung kịp thời nguồn lực cho quỹ vắc-xin của Chính phủ. Dịch bệnh diễn ra rất nghiêm trọng, trải qua 4 giai đoạn, chúng ta ứng phó rất kịp thời, chủ động, quyết liệt, từ đó mang lại những kết quả thành công.

Các đại biểu Quốc hội đề nghị trong dự thảo nghị quyết về kết quả giám sát sắp tới cần nêu rõ giải pháp nhằm tháo gỡ vướng mắc tồn tại trong rất nhiều khâu, từ chi trả, thanh toán, hoàn trả trong trường hợp vay mượn từ các nhà cung cấp mà chưa thực hiện đấu thầu; trong đặt hàng xét nghiệm; thực hiện trợ cấp chính sách cho lực lượng phòng, chống dịch; vấn đề đầu tư cho y tế cơ sở, y tế dự phòng cả về nhân lực, trang thiết bị, qua đó dành nguồn lực xứng đáng cho lĩnh vực này trong kế hoạch đầu tư công trong thời gian tới.

Yêu cầu khác là qua giám sát của Quốc hội, cần có kết quả phân tích, đánh giá cặn kẽ thực trạng đáng báo động khi nhiều trường hợp cán bộ y tế không muốn làm việc tại y tế cơ sở. Những đánh giá, nhận định trong báo cáo thẩm tra đưa ra Quốc hội phải vừa mang tính kế thừa, thống nhất với các chủ trương, chính sách, nghị quyết đã được ban hành; vừa nêu rõ bất cập, tồn tại, đề ra các giải pháp trước mắt và giải pháp cơ bản lâu dài.

Nhiều ý kiến của cử tri và đại biểu Quốc hội đề nghị Quốc hội yêu cầu việc hoàn thành việc khắc phục các hạn chế, bất cập trong công tác thanh toán, quyết toán, thanh tra, kiểm tra về huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực phòng, chống dịch Covid-19 theo Nghị quyết 30/2021/QH15 của Quốc hội tại kỳ họp bất thường lần thứ nhất và Nghị quyết số 80/2023/QH15 của Quốc hội trong năm nay.

Hiện nay, Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội tiếp tục lắng nghe, tiếp thu, tổng hợp các kiến nghị từ các bên liên quan, từ đó xem xét báo cáo Quốc hội sớm xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành các quy định pháp luật liên quan công tác chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh cho nhân dân, cho lĩnh vực đầu tư y tế dự phòng, y tế cơ sở; rà soát các văn bản quy định pháp luật về phòng, chống dịch bệnh, là cơ sở để các cấp, các ngành chủ động đối phó tốt hơn các sự cố thiên tai, sự cố bất thường sau này.

Về huy động nguồn lực xã hội, có thể thấy rằng, vừa qua cơ chế, chính sách trong việc thu hút, sử dụng và quản lý nguồn lực xã hội mới chỉ dừng ở văn bản cấp nghị định; trong khi đó, đối với nguồn lực Nhà nước thì đã được quy định trong Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công và các văn bản luật khác.

Trước yêu cầu của thực tiễn cuộc sống, việc huy động nguồn lực xã hội trong những trường hợp cấp bách khi thiên tai, địch họa xảy ra, rất cần phải có văn bản pháp luật có giá trị pháp lý cao hơn để áp dụng hiệu lực, hiệu quả trong thời gian tới.