Hoàn thiện pháp luật về chăm sóc sức khỏe nhân dân

Trong rất nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước rất quan tâm công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, đã có nhiều chỉ thị, nghị quyết của Đảng được ban hành, cụ thể hóa trong hệ thống pháp luật và được tổ chức thực hiện đạt kết quả tốt. Tuy nhiên, lĩnh vực quan trọng này cần tiếp tục nâng cao chất lượng thông qua những quy định pháp luật phù hợp.
0:00 / 0:00
0:00
Bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện đa khoa khu vực Hóc Môn.
Bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện đa khoa khu vực Hóc Môn.

Trong các kỳ họp Quốc hội, các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các hội nghị, hội thảo về Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội, nhiều ý kiến các chuyên gia thống nhất việc cần khẩn trương nghiên cứu và ban hành các quy định pháp luật với mục tiêu cao nhất là không ngừng nâng cao chất lượng, điều kiện chăm sóc sức khỏe người dân.

Trong đó, nhiều ý kiến nhấn mạnh việc tiếp tục nghiên cứu làm rõ chính sách ưu tiên của Nhà nước đối với công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; đề nghị bổ sung trách nhiệm của Nhà nước trong bảo đảm kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, nguồn nhân lực y tế, dịch vụ khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế tuyến tỉnh, huyện, xã, nhất là vùng miền núi có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn.

Đây là lĩnh vực đã được Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành địa phương quan tâm, đầu tư nhưng cần tiếp tục được triển khai tốt hơn nữa trong thực tế cuộc sống. Bởi người dân miền núi, vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn, vất vả khi tiếp cận các cơ sở y tế để khám bệnh, chữa bệnh. Nhiều đại biểu Quốc hội mong muốn, Luật sửa đổi lần này cần tạo ra những quy định đột phá để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Hoàn thiện pháp luật về chăm sóc sức khỏe nhân dân ảnh 1

Phiên họp Quốc hội (sáng ngày 13/6) thảo luận ở hội trường về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Ảnh: quochoi.vn

Một trong những nội dung quan trọng được một số đại biểu Quốc hội, cử tri đề cập là chăm sóc sức khỏe trẻ em nói chung và trẻ bị suy dinh dưỡng nói riêng. Theo các đại biểu, hiện nay tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em Việt Nam đang được cải thiện đáng kể, tuy nhiên vẫn phải lưu ý hơn đến các em nhỏ dưới 5 tuổi. Suy dinh dưỡng là bệnh có thể ngăn ngừa và điều trị được nếu được nhận biết sớm... nhưng hiện nay chưa có chính sách và nguồn tài chính cho việc can thiệp quản lý suy dinh dưỡng cấp tính ở trẻ em.

Để can thiệp và điều trị kịp thời vấn đề suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi, cần có khung pháp lý và cơ chế cấp kinh phí cho việc quản lý và điều trị. Bệnh này cần được điều trị như các bệnh khác và có cơ chế chi trả điều trị từ Quỹ Bảo hiểm y tế. Vì suy dinh dưỡng cấp tính nặng chỉ có thể được điều trị hiệu quả bằng cách sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng chuyên biệt được kê đơn theo hướng dẫn của ngành y tế. Theo các chuyên gia, đây là giải pháp đơn giản nhưng bền vững, sẽ đem lại hiệu quả rất lớn, góp phần thực hiện an sinh xã hội và đạt mục tiêu chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045.

Hiện nay, chúng ta đang có chính sách cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí cho trẻ dưới 6 tuổi, nhưng Quỹ Bảo hiểm y tế không có danh mục chi điều trị bệnh suy dinh dưỡng cho trẻ, vì sản phẩm suy dinh dưỡng chuyên biệt không phải là thuốc cho nên không có trong danh mục được Bảo hiểm y tế chi trả. Vì vậy, đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế phối hợp Bảo hiểm xã hội Việt Nam tính toán, đánh giá nếu áp dụng chi trả điều trị suy dinh dưỡng cấp tính cho trẻ em dưới 5 tuổi trên toàn quốc thì mỗi năm kinh phí sẽ chiếm bao nhiêu phần trăm trong tổng chi của Quỹ Bảo hiểm y tế, từ đó có chính sách phù hợp.

Dự thảo luật đã có những quy định chính sách chung về dinh dưỡng tiết chế trong điều trị. Theo đó, đối với người bệnh ngoại trú thì được khám sàng lọc, đánh giá và tư vấn về dinh dưỡng; đối với người bệnh điều trị nội trú được chỉ định sử dụng dinh dưỡng sớm và điều trị bằng chế độ ăn bệnh lý. Cần xác định rõ trong điều trị suy dinh dưỡng cho trẻ em cả điều trị nội trú và điều trị ngoại trú thì phải được khám sàng lọc, đánh giá, tư vấn về dinh dưỡng và chỉ định dùng sản phẩm dinh dưỡng chuyên biệt, vì điều trị cho một trẻ suy dinh dưỡng phải mất rất nhiều thời gian và tương đối dài. Việc điều trị suy dinh dưỡng cấp tính ở trẻ em dưới 5 tuổi cần được nghiên cứu và được quy định cụ thể trong dự thảo luật, bảo đảm có quy định pháp lý rõ ràng, làm cơ sở chi trả từ Quỹ Bảo hiểm y tế.

Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) năm 2009 sau hơn 11 năm triển khai đã nảy sinh một số vướng mắc, bất cập, những vấn đề phát sinh trong thực tiễn chưa có cơ chế pháp lý để giải quyết. Vì vậy, việc nghiên cứu, sửa đổi lần này đang được các cơ quan chức năng triển khai theo hướng “lấy người bệnh làm trung tâm” thông qua quy định đồng thời các giải pháp về nâng cao kỹ năng hành nghề, tăng cường quản lý hoạt động của người hành nghề; nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ của người dân với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; tăng cường phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính trong khám bệnh, chữa bệnh...