Kinh nghiệm giải ngân vốn đầu tư công tại Lào Cai

Những năm gần đây, tỉnh Lào Cai luôn nằm trong nhóm những địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao. Năm 2023, Lào Cai giải ngân đạt 5.979 tỷ đồng, đứng thứ 12/63 các tỉnh, thành phố cả nước. Quý I/2024, tỷ lệ giải ngân của tỉnh đạt 21% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tiếp tục nằm trong nhóm các địa phương có tỷ lệ giải ngân cao.
0:00 / 0:00
0:00
Dự án hạ tầng kỹ thuật tiểu khu đô thị số 15, thành phố Lào Cai đang được triển khai thi công.
Dự án hạ tầng kỹ thuật tiểu khu đô thị số 15, thành phố Lào Cai đang được triển khai thi công.

Theo đồng chí Hoàng Quốc Khánh, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai, để đạt được thành công này, tỉnh đã tập trung tháo gỡ ba nút thắt chính gồm: hoàn thành sớm công tác chuẩn bị đầu tư; tập trung công tác giải phóng mặt bằng tại các địa bàn trọng điểm; giải quyết việc khan hiếm vật liệu xây dựng thông thường.

Tháo gỡ các nút thắt

Phân tích cụ thể hơn về vấn đề này, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lào Cai, Phan Trung Bá cho biết, Sở đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh tập trung giao kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn, kế hoạch đầu tư công hằng năm sớm cho các chủ đầu tư để các đơn vị chủ động triển khai.

Trong đó, yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương quyết liệt thực hiện các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công theo kế hoạch giải ngân tỉnh giao; đồng thời yêu cầu các đơn vị lập kế hoạch giải ngân đối với từng dự án, từng nguồn vốn theo từng tháng, bảo đảm tổng số giải ngân hoàn thành theo kế hoạch giải ngân được giao.

Sở Kế hoạch và Đầu tư hằng tháng công bố công khai tại Phiên họp thường kỳ Ủy ban nhân dân tỉnh về tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tất cả các cơ quan, đơn vị, địa phương. Kết quả giải ngân này là cơ sở đề xuất hình thức khen thưởng, kỷ luật phù hợp đối với người đứng đầu cơ quan, địa phương, đơn vị trong việc thực hiện nhiệm vụ.

Cùng với đó, Sở đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh đẩy nhanh tiến độ triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, bảo đảm đúng mục tiêu, nhiệm vụ của từng chương trình đã được Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh giao; bảo đảm sử dụng vốn tập trung, tiết kiệm, hiệu quả, thực chất, không để xảy ra tình trạng dàn trải, trùng lặp, lãng phí; không để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản. Sở thực hiện phân bổ và giao chi tiết kế hoạch đầu tư vốn cho các dự án ngay từ đầu năm, bảo đảm đúng thời gian quy định của Luật Đầu tư công.

Chính nhờ những nỗ lực xuyên suốt từ trên xuống dưới, công tác giải ngân vốn đầu tư công ở một số ngành, địa phương ở Lào Cai đạt kết quả ấn tượng. Huyện Bảo Thắng là địa phương điển hình. Năm 2023, công tác giải ngân vốn đầu tư công được triển khai một cách khẩn trương, quyết liệt. Tổng kế hoạch vốn được giao năm 2023 là 459 tỷ đồng, đến hết năm, huyện Bảo Thắng đã thực hiện giải ngân 449 tỷ đồng, đạt 98% kế hoạch và quý I/2024, huyện đã giải ngân đạt 196 tỷ đồng, đạt 39% kế hoạch năm...

Theo Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Bảo Thắng Đỗ Giang Nam, huyện đã tập trung phân bổ vốn bảo đảm đúng nguyên tắc, tiêu chí, thứ tự ưu tiên quy định tại Luật Đầu tư công, Nghị quyết của Quốc hội và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, ngành, lĩnh vực, địa phương và các quy hoạch đã được phê duyệt, đồng thời triển khai quyết liệt, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm. Trong đó, sẵn sàng điều chuyển nguồn vốn từ các dự án chậm giải ngân sang các dự án có khả năng giải ngân tốt hơn. Đồng thời, công tác nghiệm thu, thanh toán, giải ngân cho các dự án, công trình được thực hiện ngay khi có khối lượng, không để dồn việc thanh toán vào cuối năm...

Linh hoạt điều chỉnh nguồn vốn

Mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực, tuy nhiên, theo các chuyên gia và cơ quan chuyên môn, năm 2024, Lào Cai vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức để hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công. Trước hết, về khách quan, một số cơ chế, chính sách, quy định pháp luật chậm ban hành, sửa đổi; còn tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo, áp dụng thiếu thống nhất của một số quy định; phân cấp, phân quyền còn vướng mắc (như: chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng; tách giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập...).

Đơn cử là Dự án nâng cấp tỉnh lộ 156 (Kim Thành-Ngòi Phát) đoạn từ cầu Quang Kim đến nút giao với đường BV32 và BV28, có tổng mức đầu tư 780 tỷ đồng. Hiện nay, các gói thầu của dự án đang triển khai đồng loạt và bảo đảm tiến độ, tuy nhiên, dự án đang gặp vướng mắc về giải phóng mặt bằng khi phần lớn các hộ đều ủng hộ đất để làm đường chính, nhưng phần mở rộng mỗi bên 25m thì nhiều hộ không đồng ý cho thu hồi đất.

Ngoài ra, dự án này cũng rất khó xác định ranh giới giải phóng mặt bằng của dự án tỉnh lộ 156 cũ, do việc giải phóng mặt bằng giai đoạn trước đo thủ công, không có tọa độ và trong quá trình sử dụng các hộ dân tái lấn chiếm, dẫn đến không xác định được ranh giới đã thu hồi.

Đồng chí Vũ Trung Kiên, Phó trưởng Ban Quản lý dự án ODA và Đầu tư xây dựng tỉnh Lào Cai cho biết, mặc dù Ban đã phối hợp các bên liên quan (Phòng Tài nguyên và Môi trường, các xã, đơn vị đo đạc bản đồ địa chính) tuyên truyền, vận động, tổ chức đối thoại với người dân, nhưng tiến độ vẫn chậm. Vì vậy, Ban đã đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh quan tâm chỉ đạo các ban, sở, ngành cung cấp đầy đủ hồ sơ có liên quan đến nội dung này để có căn cứ làm việc cụ thể với từng hộ dân.

Về mặt chủ quan, một số đơn vị chưa thật sự sát sao trong công tác kiểm tra, đánh giá tiến độ thi công các dự án do đơn vị mình làm chủ đầu tư để đôn đốc, nhắc nhở kịp thời, cũng như chủ động xử lý khó khăn, vướng mắc. Một số chủ đầu tư chưa thực hiện hết chức năng, nhiệm vụ trong công tác kiểm tra, giám sát các nhà thầu thi công xây dựng, phối hợp các đơn vị liên quan để kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thi công...

Để tháo gỡ những khó khăn, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2024 và các năm tiếp theo, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lào Cai đã tham mưu cho lãnh đạo tỉnh những nhóm giải pháp cụ thể như: giao kế hoạch chi tiết giải ngân vốn theo từng tháng, quyết liệt điều chỉnh kế hoạch vốn từ các dự án, công trình giải ngân chậm sang các dự án giải ngân tốt hơn...

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai Hoàng Quốc Khánh nhấn mạnh, lãnh đạo tỉnh đã giao cấp ủy các cấp, đảng bộ trực thuộc; đồng chí bí thư các huyện, thị xã, thành phố, bí thư cấp xã và bí thư đảng ủy các sở, Ban Quản lý dự án tập trung chỉ đạo, chịu trách nhiệm trước Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh về chất lượng, tiến độ, khối lượng, an toàn, môi trường các dự án.

Thường trực huyện ủy, thành ủy, thị ủy thường xuyên lắng nghe, chỉ đạo, phân công thường vụ, thường trực ủy ban nhân dân cấp huyện trực tiếp chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng, có đăng ký giải ngân riêng công tác giải phóng mặt bằng. Đồng thời, các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Thường vụ, Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh phụ trách địa bàn, hằng tháng xuống địa bàn nắm bắt, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tại cơ sở nhằm bảo đảm tiến độ thực hiện các dự án..., từ đó góp phần bảo đảm kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công.