Kinh nghiệm của cấp ủy địa phương trong lãnh đạo giải phóng mặt bằng, bảo đảm an dân

Chưa bao giờ địa bàn huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai lại trở thành “đại công trường” xây dựng sôi động như hiện nay, với hàng loạt dự án trọng điểm quốc gia đang triển khai thi công nhằm khẩn trương hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối đồng bộ Cảng hàng không quốc tế Long Thành (sân bay Long Thành) đi vào khai thác năm 2026. Để có mặt bằng sạch kịp thời phục vụ các dự án lớn, trước hết thuộc về vai trò lãnh đạo quan trọng của cấp uỷ Đảng huyện, xã nơi dự án đi qua.
Đồng chí Dương Minh Dũng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai, Bí thư Huyện ủy Long Thành.
Đồng chí Dương Minh Dũng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai, Bí thư Huyện ủy Long Thành.

Cuộc trao đổi của phóng viên Báo Nhân Dân với đồng chí Dương Minh Dũng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai, Bí thư Huyện ủy Long Thành sẽ nêu bật kinh nghiệm chỉ đạo, dẫn dắt, thúc đẩy khâu giải phóng mặt bằng tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân, đạt được tiến độ đề ra gắn với bảo đảm an dân lên hàng đầu, của cấp ủy địa phương.

Những kinh nghiệm giải phóng mặt bằng sân bay Long Thành

Phóng viên:Thưa đồng chí, giải phóng mặt bằng là khâu then chốt và luôn đòi hỏi phải đi trước một bước, tuy nhiên đây cũng là công việc khó khăn, nhạy cảm, phức tạp, tác động trực tiếp đến đối tượng sử dụng đất, nhất là ảnh hưởng lớn đời sống người dân vùng dự án. Vậy, đâu là những bài học kinh nghiệm mà Ban Chấp hành Đảng bộ huyện tâm đắc rút ra sau khi thực hiện thành công giải phóng mặt bằng phục vụ các dự án lớn, đặc biệt sân bay Long Thành với quy mô số hộ dân di dời chưa từng có tiền lệ?.

Đồng chí Dương Minh Dũng: Qua quá trình triển khai thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án sân bay Long Thành, đây là dự án trọng điểm quốc gia có quy mô lớn nhất cả nước từ trước đến nay. Do đó, cần phải có sự tham gia của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực thi nhiệm vụ, sự đồng lòng của toàn thể nhân dân. Sau quá trình thực hiện nhận thấy một số bài học kinh nghiệm đối với công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cụ thể như sau:

Một là, cần xác định công tác bồi thường, thu hồi đất, tái định cư là việc làm khó, phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của người dân và tiềm ẩn nguy cơ gây mất an ninh, trật tự. Do đó, cần có sự tập trung vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự quản lý điều hành của chính quyền, sự phối hợp của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp, triển khai một cách đồng bộ, nhất quán, kịp thời, nhất là trong công tác tuyên truyền vận động nhân dân phải đi trước một bước và tham gia xuyên suốt quá trình thực hiện dự án.

Hai là, thực hiện tích cực, linh hoạt các biện pháp, hình thức tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân là nhiệm vụ trọng tâm, với phương châm kiên quyết, kiên trì, bền bỉ, liên tục và xuyên suốt trong quá trình thực hiện; tăng cường đoàn kết, phát huy dân chủ, quan tâm bảo đảm bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân, đi đôi với nâng cao ý thức trách nhiệm, tạo sự đồng thuận cao của nhân dân đối với công tác giải phóng mặt bằng.

Ba là, để tạo lòng tin của nhân dân trong công tác bồi thường, thu hồi đất, tái định cư, phải bám sát thực tiễn, trọng dân, tin dân, lắng nghe ý kiến của dân; cần tăng cường kiểm tra, rà soát và xử lý nghiêm các vi phạm. Đồng thời, giải quyết thỏa đáng, kịp thời các vấn đề bức xúc của nhân dân, các đơn thư khiếu nại, tố cáo để đảm bảo an ninh nông thôn, trật tự an toàn xã hội.

Bên cạnh đó, ngăn chặn kịp thời các trường hợp lấn chiếm đất đai, xây dựng, tạo lập trái phép tài sản trên đất nhằm mục đích trục lợi khi Nhà nước thu hồi đất; thực hiện nghiêm việc cưỡng chế kiểm đếm, cưỡng chế thu hồi đất và bảo vệ thi công đối với các trường hợp cố tình chống đối, không chấp hành Quyết định thu hồi đất của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Bốn là, chú trọng tăng cường đối thoại trực tiếp đối với những khiếu kiện phức tạp liên quan đến công tác thu hồi đất, bồi thường, tái định cư, qua đó giải quyết hợp lý, hợp tình các khiếu kiện của nhân dân, hạn chế được khiếu kiện vượt cấp, khiếu kiện đông người

Năm là, chủ động, sáng tạo trong lãnh đạo, quyết liệt trong chỉ đạo, quản lý, điều hành, linh hoạt trong xử lý tình huống. Tăng cường trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, nhất là đối với người đứng đầu cấp; tích cực cải cách thủ tục hành chính, đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch trong thực hiện các chính sách bồi thường, tái định cư. Quan tâm đào tạo nghề, chuyển đổi nghề, giải quyết việc làm cho người lao động trong diện phải thu hồi đất.

Kinh nghiệm của cấp ủy địa phương trong lãnh đạo giải phóng mặt bằng, bảo đảm an dân ảnh 1

Bí thư Huyện ủy Long Thành Dương Minh Dũng tiếp nhận kiến nghị của người dân liên quan đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Phóng viên:Quan điểm xuyên suốt luôn đặt quyền hợp pháp, lợi ích chính đáng của người dân lên trên hết, nhưng chắc hẳn các đồng chí cũng phải đối mặt với những vấn đề phát sinh chưa gặp bao giờ, khi chỉ trong một thời gian ngắn phải đáp ứng tiến độ giải phóng mặt bằng kịp phục vụ một loạt dự án giao thông lớn. Huyện ủy Long Thành đã làm gì để nỗ lực hóa giải tình hình, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng tranh chấp, khiếu nại, tố cáo trong nhân dân đối với những trường hợp chưa đồng thuận ngay từ ban đầu?.

Đồng chí Dương Minh Dũng: Với áp lực thực hiện dự án trọng điểm quốc gia với diện tích giải phóng mặt bằng lớn, đồng thời các hạng mục hạ tầng cũng phải được triển khai thực hiện đồng bộ, cho nên trong quá trình triển khai thực hiện dự án ghi nhận có sự khó khăn, ban đầu là công tác nhân sự hiện có của Hội đồng bồi thường dự án so với quy mô dự án là quá lớn và Ủy ban nhân dân huyện đã kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai xem xét, bố trí nhân sự cho huyện Long Thành để triển khai thực hiện dự án.

Để giải quyết tình hình, được sự quan tâm của Ủy ban nhân dân tỉnh đối với dự án trọng điểm quốc gia, đã biệt phái 113 lượt công chức, viên chức từ các sở, ngành và các đơn vị có liên quan để tăng cường cho các phòng, ban của huyện Long Thành, Ủy ban nhân dân xã Bình Sơn thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Trên cơ sở đó, Ủy ban nhân dân huyện Long Thành đã phân công, bố trí nhiệm vụ, điều phối cán bộ, thành lập 8 tổ công tác thực hiện nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, 1 tổ tổng hợp thực hiện nhiệm vụ lập phương án, tổng hợp báo cáo và 1 tổ Tái định cư phụ trách tham mưu Hội đồng bồi thường công tác bố trí tái định cư....

Mặt khác, thời gian quy hoạch thực hiện dự án là khá dài, không rõ thời gian chính xác để triển khai công tác thu hồi đất. Trong khi đó nhu cầu về cuộc sống của hộ gia đình, cá nhân rất lớn, chuyển nhượng, cho tặng quyền sử dụng đất của người dân rất cao.

Tuy nhiên, do khu vực đã quy hoạch để làm dự án trọng điểm quốc gia, nên quyền lợi của người dân theo Luật Đất đai cũng bị nhiều hạn chế như xây dựng nhà cho con khi lập gia đình (lấy vợ, chồng), tách thửa chuyển nhượng, cho tặng quyền sử dụng đất, xây dựng chuồng trại để chăn nuôi, thay đổi cơ cấu cây trồng để làm kinh tế gia đình,…dẫn đến phải đi ở trọ làm công nhân, mua bán chuyển nhượng quyền sử dụng đất bằng giấy tay (hơn 1.000 trường hợp), bằng hình thức ủy quyền, nhà cửa hư hại, xuống cấp không dám sửa chữa vì khó khăn về kinh tế trong khi chờ Nhà nước thực thi công tác thu hồi đất để triển khai dự án,…

Đây là khó khăn lớn nhất cho địa phương trong công tác xác nhận hồ sơ nguồn gốc đất, nguồn gốc nhà, tài sản trên đất và xét tái định cư cho các hộ gia đình, cá nhân có đất bị thu hồi để thực hiện dự án.

Kinh nghiệm của cấp ủy địa phương trong lãnh đạo giải phóng mặt bằng, bảo đảm an dân ảnh 2

Lãnh đạo huyện Long Thành gặp gỡ người dân trong vùng dự án sân bay Long Thành.

Được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai và các sở ngành liên quan, Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức đầy đủ trong nhân dân nhận thức về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư để người dân nhận thức rõ về quyền lợi, nghĩa vụ, nhằm tạo sự đồng thuận, nhất trí cao và góp sức tích cực, có hiệu quả cùng Nhà nước thực hiện.

Các ban ngành đoàn thể, cả hệ thống chính trị tham gia vận động, thuyết phục đến từng hộ gia đình, cá nhân chấp hành chủ trương, chính sách Pháp luật của Nhà nước đối với dự án trọng điểm quốc gia. Qua đó, phần lớn tạo được sự đồng thuận và ủng hộ của người dân bị thu hồi đất.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong việc thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, nhằm kịp thời phát hiện, kiến nghị điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách còn bất cập, không còn phù hợp thực tiễn; phát huy dân chủ cơ sở, kịp thời giải quyết các kiến nghị, khiếu nại của người dân; biểu dương, khen thưởng đơn vị, cá nhân có thành tích trong việc thực hiện.

Kiên quyết xử lý nghiêm, dứt điểm đối với các tổ chức, cá nhân có biểu hiện tiêu cực, thiếu tinh thần trách nhiệm trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; kịp thời chỉ đạo giải quyết những tồn tại, vướng mắc trong quá trình thực hiện để hạn chế tình trạng khiếu nại, tố cáo; nhất là khiếu kiện đông người, phát sinh điểm nóng.

Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và đoàn thể, tập trung phối hợp đồng bộ, chặt chẽ trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về bồi thường, giải phóng mặt bằng và hỗ trợ, tái định cư.

Cùng với đó, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, là cầu nối giữa Đảng, chính quyền các cấp với nhân dân, lắng nghe và nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân để phối hợp với chính quyền xem xét giải quyết thỏa đáng những nhu cầu, quyền lợi chính đáng của người dân.

Kinh nghiệm của cấp ủy địa phương trong lãnh đạo giải phóng mặt bằng, bảo đảm an dân ảnh 3

Đồng chí Dương Minh Dũng trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân.

“Đi từng ngõ, gõ từng nhà”

Phóng viên:Trong quá trình lãnh đạo nhiệm vụ giải phóng mặt bằng, việc đề cao trách nhiệm tiên phong, dám nghĩ, dám làm, chủ động vào cuộc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của cá nhân từng đồng chí Ủy viên Ban chấp hành, nhất là người đứng đầu và phát huy tinh thần gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên được chú trọng ra sao và thực tế điều này có ý nghĩa thế nào, thưa đồng chí?

Đồng chí Dương Minh Dũng: Được sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh và các sở ngành liên quan và sự động viên kịp thời của tập thể Ban Thường vụ Huyện ủy Long Thành, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân huyện đã lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp thực hiện dự án sân bay Long Thành một cách triệt để.

Sự nỗ lực, quyết tâm không ngại khó khăn của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hiện nhiệm vụ. Các ban ngành đoàn thể, cả hệ thống chính trị tham gia vận động, thuyết phục đến từng hộ gia đình, cá nhân chấp hành chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước đối với dự án trọng điểm quốc gia.

Với tinh thần quyết liệt lãnh đạo chỉ đạo, phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, hàng tuần từng đồng chí trong Ủy viên Ban chấp hành, cụ thể là các đồng chí Bí thư, Phó Bí thư, lãnh đạo đầu ngành phát huy tinh thần gương mẫu của đội ngũ vận động, giải thích, qua đó phần lớn tạo được sự đồng thuận và ủng hộ của người dân bị thu hồi đất.

Phóng viên: Chăm lo ổn định đời sống nhân dân ở khu tái định cư phải tốt hơn nơi ở cũ là nhiệm vụ chính trị trọng tâm mà Đảng bộ tỉnh Đồng Nai nhất quán thực hiện. Huyện ủy Long Thành đang nỗ lực cụ thể hóa tinh thần nhân văn này như thế nào, đặc biệt thông qua việc vận dụng đột phá nội dung Nghị quyết số 14-NQ/TU ngày 2/4/4024 về thúc đẩy công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và hỗ trợ tái định cư trên địa bàn tỉnh?

Đồng chí Dương Minh Dũng: Huyện ủy Long Thành đang nỗ lực cụ thể hóa tinh thần nhân văn này, đặc biệt thông qua việc vận dụng đột phá nội dung Nghị quyết số 14-NQ/TU ngày 2/4/2024 về thúc đẩy công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và hỗ trợ tái định cư trên địa bàn tỉnh. Trước đó, từ năm 2019 - 2020 đã tiến hành điều tra khảo sát nhu cầu đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người dân trong vùng dự án.

Về đào tạo nghề,năm 2022, Ủy ban nhân dân xã Bình Sơn đã tiếp nhận 908 hồ sơ đề nghị của người dân, qua rà soát phân loại hồ sơ có 346 hồ sơ đăng ký học nghề lái xe, 562 hồ sơ không có nhu cầu học nghề và giải quyết việc làm.

Sau khi rà soát trong số 346 trường hợp trên chỉ có 96 trường hợp đủ điều kiện hỗ trợ chính sách học nghề theo quy định của Đề án 2281, sau đó tiến hành mời các trường hợp trên để tiến hành làm hồ sơ học nghề lái xe thì người dân không đồng ý học với lý do hỗ trợ theo đề án là 3 triệu đồng/người là quá ít. Từ đầu năm 2023 đến nay, các đơn vị liên quan vẫn đang tiếp tục tiếp nhận nhu cầu đăng ký của người dân.

Kinh nghiệm của cấp ủy địa phương trong lãnh đạo giải phóng mặt bằng, bảo đảm an dân ảnh 4
Một góc khu tái định cư Lộc An-Bình Sơn, huyện Long Thành.

Đối với giới thiệu việc làm, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đồng Nai tổ chức 4 sàn giao dịch việc làm. Kết quả có 43 đơn vị đăng ký với nhu cầu tuyển dụng là 9.473 lao động. Có 3 trường tham gia tư vấn việc làm cho 725 lượt lao động, tiếp nhận 576 hồ sơ.

Khẩn trương giải quyết tái định cư cho các hộ tạm cư, không để tình trạng tạm cư kéo dài, gây bức xúc trong nhân dân. Ủy ban nhân dân huyện tích cực lãnh đạo chỉ đạo các cơ quan chuyên môn áp dụng chính sách hỗ trợ y tế cho người dân bị thu hồi đất. Đồng thời, đang tích cực phối hợp các sở ngành liên quan vận dụng hỗ trợ chi phí học tập, đào tạo cho học sinh, sinh viên của gia đình thuộc diện thu hồi đất nhằm bảo đảm an sinh xã hội, đồng thuận và ủng hộ của người dân bị thu hồi đất.

Phóngviên: Cá nhân đồng chí còn trăn trở điều gì liên quan đến phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn, đô thị và cả những câu chuyện dân sinh vùng dự án, ở bối cảnh hiện nay cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân Long Thành năng động, quyết liệt phấn đấu hoàn thành các tiêu chí nâng tầm trở thành thị xã vào năm 2025?

Đồng chí Dương Minh Dũng: Huyện Long Thành có diện tích tự nhiên là 431 km2, trong đó có 5.000 ha đất xây dựng sân bay Quốc tế Long Thành. Với lợi thế địa lý nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía nam, có các trục giao thông chiến lược quan trọng về đường bộ, đường thủy và đường hàng không với sân bay Long Thành.

Về hạ tầng giao thông ngoài các tuyến đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành-Dầu Giây, đường cao tốc Bến Lức-Long Thành, đường cao tốc Biên Hoà-Vũng Tàu qua địa bàn huyện. Còn lại là các tuyến đường giao thông liên huyện, giao thông nông thôn.

Tuy nhiên, hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật nông thôn, đô thị trên địa bàn huyện bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Nhiều tuyến đường giao thông nhỏ hẹp, không có hệ thống thoát nước, không có phần lề đường cho người đi bộ cũng như bố trí hạ tầng kỹ thuật khác. Hầu hết hệ thống giao thông nông thôn chưa có hệ thống thoát nước hoàn chỉnh, chưa bảo đảm tiêu chuẩn đường đô thị khi địa phương phát triển lên đô thị trong giai đoạn hiện nay.

Chính vì vậy, đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn, đô thị, nâng chất các tuyến đường giao thông theo chuẩn đô thị để đưa huyện Long Thành phát triển lên thị xã Long Thành là rất cần thiết và được quan tâm hàng đầu. Hiện nay huyện cũng đang xây dựng và hoàn thiện dần từng tiêu chí theo hướng xã thành phường để tập trung cân đối nguồn ngân sách hàng năm để đầu tư.

Kinh nghiệm của cấp ủy địa phương trong lãnh đạo giải phóng mặt bằng, bảo đảm an dân ảnh 5
Quốc lộ 51, đoạn qua địa bàn huyện Long Thành.

Về kinh tế-xã hội; hiện nay, nguồn lực của con người đang tập trung về Long Thành để sinh sống, điều kiện phát triển nhà ở hằng năm đều tăng, giá bất động sản tăng; trong khi nguồn lực về kinh tế của địa phương còn hạn chế để thực hiện đầu tư các công trình hạ tầng giao thông, dự án đầu tư khó khăn nhất là nguồn kinh phí bồi thường.

Trong những năm gần đây thị trường bất động sản bị lắng đọng, điều kiện đầu tư về hạ tầng đô thị để phát triển dự án bị vướng vào các cơ chế, chính sách đối với các luật đang thịnh hành dẫn đến không thể tiếp tục đầu tư; điều này làm kìm hãm sự phát triển của địa phương. Nguồn thu của ngân sách chưa đáp ứng kịp thời, dẫn đến hạn chế trong việc phân bổ nguồn vốn đầu tư công cho các công trình hạ tầng giao thông.

Địa phương chưa thực hiện được công tác kêu gọi đầu tư đối với các dự án gắn kết với việc phát triển thương mại, dịch vụ, logistic…..và các hạ tầng thiết yếu khác. Tuy nhiên, hiện nay còn vướng về công tác quy hoạch mà huyện cùng với các sở, ngành của tỉnh tập trung thực hiện công tác thi ý tưởng quy hoạch, dự kiến đến cuối tháng 11/2024 mới có kết quả.

Khi quy hoạch đô thị huyện được Chính phủ phê duyệt thì từ đó mới được lập chương trình phát triển đô thị, quy hoạch phân khu đối với khu vực dự kiến lên phường…., quy hoạch chi tiết thì mới là nền tảng để kêu gọi nhà đầu tư thực hiện. Hiện nay, còn đang vướng vấn đề này nên cũng là nguyên nhân hạn chế đến việc phát triển kết cấu hạ tầng trên địa bàn huyện.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí về cuộc trao đổi này!