Số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, trong vòng 1 tháng qua, giá bạc trên Sở COMEX đã tăng gần 12,47% lên 25,26 USD/ounce, còn giá bạch kim niêm yết trên Sở NYMEX tăng 11,87% lên mức 1097,3 USD USD/ounce. Đáng chú ý, giá bạc đã có lúc chạm mức cao nhất trong 1 năm và giá bạch kim cũng cao nhất trong vòng 1 quý.
Rủi ro suy thoái thúc đẩy vai trò trú ẩn an toàn
Các mặt hàng kim loại quý, vốn được biết đến với vai trò hàng đầu là các loại tài sản trú ẩn an toàn, đã được hưởng lợi theo nhiều cách khác nhau dưới do sự biến động của môi trường kinh tế vĩ mô.
“Hiện rủi ro suy thoái đang là sức ép lớn nhất đối với nền kinh tế toàn cầu nói chung và thị trường tài chính nói riêng. Trong bối cảnh đó, dòng tiền đầu tư có xu hướng rời khỏi các loại tài sản rủi ro và dịch chuyển sang các loại tài sản có vai trò trú ẩn như bạc và bạch kim”, ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Tin tức Hàng hóa Việt Nam đánh giá.
Báo cáo của Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai Mỹ (CFTC) cho biết các quỹ đầu tư lớn đã nâng vị thế mua đối với bạc và bạch kim trong 2 tuần gần đây lên mức cao nhất trong vòng 3 tháng.
Hiện rủi ro suy thoái đang là sức ép lớn nhất đối với nền kinh tế toàn cầu nói chung và thị trường tài chính nói riêng. Trong bối cảnh đó, dòng tiền đầu tư có xu hướng rời khỏi các loại tài sản rủi ro và dịch chuyển sang các loại tài sản có vai trò trú ẩn như bạc và bạch kim.
Giám đốc Trung tâm Tin tức Hàng hóa Việt Nam Phạm Quang Anh
Bên cạnh đó, Công cụ theo dõi của CME cho biết, có tới 81,6% khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ kết thúc chu kỳ tăng tăng lãi suất với một đợt tăng thêm 25 điểm cơ bản trong cuộc họp tháng 5 sắp tới. Điều này đồng nghĩa với việc lãi suất đỉnh của Mỹ sẽ nằm trong khoảng 5,00-5,25%, khiến cho dư địa tăng trưởng của đồng USD không còn nhiều. Chỉ số Dollar Index hiện đang ở mức 101,75 điểm.
Bạc và bạch kim vốn được niêm yết và giao dịch bằng đồng USD, nên sự suy yếu của đồng bạc xanh đã khiến cho các mặt hàng kim loại quý trở nên hấp dẫn hơn đối với những người mua không ở Mỹ.
Kim loại quý ngày càng thiết yếu do nhu cầu “xanh hóa”
Nếu như những lo ngại về suy thoái đang hỗ trợ cho giá bạc và bạch kim theo tính chất chu kỳ của dòng tiền, thì triển vọng trong trung và dài hạn của nhóm kim loại quý phụ thuộc vào ngành năng lượng tái tạo. Bên cạnh việc bảo đảm an ninh năng lượng, tình trạng biến đổi khí hậu và hiện tượng nóng lên trên toàn cầu đang khiến cho các quốc gia đẩy mạnh xúc tiến các hoạt động chuyển đổi năng lượng xanh.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) nhận định, năng lượng mặt trời và năng lượng gió sẽ có mức tăng trưởng mạnh nhất trong giai đoạn 5 năm tới. Tỷ trọng đóng góp của năng lượng sinh học, thủy điện, than đá và khí tự nhiên sẽ giảm xuống.
IEA ước tính tới năm 2027, tỷ trọng điện gió và điện mặt trời sẽ chiếm khoảng 35% tổng lượng điện được sản xuất. Châu Á là khu vực đang tăng tốc nhanh chóng với 3 nhà sản xuất điện gió và mặt trời lớn nhất là Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ.
Trong bối cảnh đó, nhu cầu đối với các kim loại có tính ứng dụng cao như bạc và bạch kim trong các ngành sản xuất ô-tô điện, các tấm pin mặt trời và tua-bin gió, được kỳ vọng sẽ gia tăng mạnh mẽ.
Viện Bạc Quốc tế dự báo tiêu thụ bạc trong lĩnh vực công nghiệp sẽ tăng 2,6% trong năm 2023 lên 550 triệu ounce vào năm nay, và nhu cầu tiêu thụ bạc toàn cầu ước tính đạt 1,15 tỷ ounce.
Nhu cầu bạch kim trong lĩnh vực ô-tô dự kiến sẽ tăng vào năm 2023 khi mà các quy định về khí thải của phương tiện hạng nặng ở Trung Quốc và Ấn Độ thắt chặt hơn.
Doanh số bán ô-tô điện toàn cầu vào tháng 2 năm 2023 đã tăng 49% so cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, nguồn cung bạch kim vẫn đang có nguy cơ thâm hụt sâu bởi hoạt động sản xuất tại Nam Phi, nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới, bị gián đoạn do các đợt mất điện kéo dài.
Tại Việt Nam, chuyển đổi xanh cũng là một mục tiêu quan trọng đối với sự phát triển bền vững của nền kinh tế nước ta. Mới đây, Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) cũng đã tiến hành ký kết thỏa thuận hợp tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP). Đây là cơ hội để nước ta tiếp cận nguồn vốn, kinh nghiệm, từ đó đẩy nhanh quá trình “xanh hóa” nền kinh tế.
Xu hướng chuyển đổi xanh là điều tất yếu, và tốc độ chuyển đổi cũng sẽ nhanh hơn khi nền kinh tế bước vào giai đoạn tăng trưởng mạnh hơn. Đối với nhóm kim loại quý, bạc và bạch kim được kỳ vọng vẫn sẽ là những nguyên vật liệu thiết yếu trong quá trình này, nên giá 2 mặt hàng có khả năng sẽ vẫn neo ở mức cao trong năm nay, ông Phạm Quang Anh nhận định.