Kỳ vọng lãi suất sắp đạt đỉnh hỗ trợ giá kim loại, năng lượng

NDO - Thông tin từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho biết, đóng cửa hôm qua, ngày 12/4, lực mua chiếm ưu thế trên thị trường hàng hóa hỗ trợ chỉ số MXV-Index tiếp tục tăng 0,46% lên 2.348 điểm. Giá trị giao dịch toàn Sở đạt mức trên 4.700 tỷ đồng.
0:00 / 0:00
0:00

Năng lượng và kim loại là hai nhóm dẫn dắt xu hướng thị trường với hầu hết các mặt hàng trong nhóm đồng loạt đóng cửa tăng giá. Trong đó có đến 4 mặt hàng ghi nhận mức tăng trên 2%, 5 mặt hàng chốt tăng hơn 1%.

Kỳ vọng lãi suất sắp đạt đỉnh hỗ trợ giá kim loại, năng lượng ảnh 1

Giá dầu phá vỡ khoảng đi ngang

Kết thúc phiên giao dịch ngày 12/4, giá dầu phá vỡ khoảng đi ngang, ghi nhận phiên tăng thứ 2 liên tiếp khi báo cáo lạm phát Mỹ tháng 3 có dấu hiệu hạ nhiệt, làm gia tăng kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ sớm tạm dừng tăng lãi suất. Tâm lý cho rằng áp lực của nền kinh tế giảm bớt đã kéo giá dầu WTI tăng hơn 2,12% lên mức 83,26 USD/thùng và dầu Brent tăng 2,01% lên mức 87,33 USD/thùng.

Kỳ vọng lãi suất sắp đạt đỉnh hỗ trợ giá kim loại, năng lượng ảnh 2

Giá dầu đã liên tục giằng co trong nửa phiên đầu tiên, trước khi phản ứng với tâm điểm của thị trường trong ngày hôm qua 12/4 - dữ liệu lạm phát của Mỹ. Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ đã tăng chậm lại ở mức 5% trong tháng 3 so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn khá nhiều so với mức tăng 6% trong tháng trước đó, và cũng thấp hơn so với dự báo 5,2% của thị trường, theo dữ liệu từ Bộ Lao động Mỹ.

Lạm phát tại Mỹ giảm tháng thứ 7 liên tiếp kể từ tháng 7/2022, cho thấy những dấu hiệu hạ nhiệt của nền kinh tế Mỹ từ tác động của chính sách thắt chặt tiền tệ. Điều này thúc đẩy hy vọng rằng, FED đang tiến gần hơn đến việc kết thúc chu kỳ tăng lãi suất.

Đồng USD suy yếu kéo chỉ số Dollar Index có phiên giảm mạnh thứ 2 liên tiếp với mức giảm 0,69%. Đồng bạc xanh yếu hơn khiến dầu được định giá bằng USD rẻ hơn đối với những người mua nắm giữ các loại tiền tệ khác, hỗ trợ cho dầu WTI phá vỡ khoảng đi ngang sau khi tăng vọt ngày 3/4, vượt lên trên kháng cự 82 USD/thùng.

Góp phần vào đà tăng của giá, Fatih Birol, Giám đốc Điều hành của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) phát biểu với báo giới rằng, thị trường dầu mỏ toàn cầu có thể chứng kiến ​​tình trạng khan hiếm trong nửa cuối năm 2023.

Các yếu tố vĩ mô đã giảm bớt tác động về một sự gia tăng nhỏ trong trữ lượng dầu thô của Mỹ trong tuần qua. Theo báo cáo của Cơ quan Quản lý thông tin năng lượng Mỹ (EIA), dự trữ dầu thô thương mại của Mỹ đã tăng 0,6 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 7/4 so với tuần trước đó, nâng tồn kho lên mức 470,5 triệu thùng.

Xuất khẩu dầu thô của Mỹ trong tuần trước cũng đã giảm rất mạnh gần 50% khi chỉ ghi nhận 2,73 triệu thùng/ngày từ mức 5,24 triệu thùng/ngày trong tuần cuối tháng 3. Mặc dù phản ánh nhu cầu dầu Mỹ suy yếu, nhưng mức trung bình 4 tuần vẫn cao hơn 37,6% so cùng kỳ 2022, và dữ liệu lạm phát trước đó đã làm lu mờ tác động từ báo cáo. Giá dầu hầu như không gặp sức ép đáng kể từ thông tin này.

Về nguồn cung tại Nga, xuất khẩu sản phẩm dầu vận chuyển bằng đường biển của Nga trong tháng 3 tăng 17,3% so tháng trước lên mức 12,37 triệu tấn, bất chấp giới hạn của châu Âu hồi tháng 2, dữ liệu tính toán từ Reuter cho biết.

Đà tăng của giá dầu gần như chững lại vào cuối phiên, khi Biên bản họp lãi suất tháng 3 của FED được công bố cho biết hậu quả của cuộc khủng hoảng ngân hàng Mỹ có khả năng đẩy nền kinh tế vào suy thoái vào cuối năm nay. Dòng tiền tháo chạy khỏi thị trường rủi ro như chứng khoán sau khi Biên bản được công bố, giá dầu cũng giằng co trở lại vào cuối phiên.

Kỳ vọng FED kết thúc chu kỳ tăng lãi suất hỗ trợ giá kim loại

Sức mua tiếp tục áp đảo giúp cho sắc xanh duy trì trên bảng giá kim loại trong phiên 12/4. Với nhóm kim loại quý, giá bạc tăng 1,08% lên 25,46 USD/ounce. Giá bạch kim tăng mạnh nhất nhóm, 2,23%, lên 1027,5 USD/ounce.

Sự suy yếu của đồng USD tiếp tục là yếu tố thúc đẩy đà tăng của nhóm kim loại quý. Chỉ số Dollar Index giảm về 101,5 điểm, mức thấp nhất trong vòng một tuần. Đồng bạc xanh giảm giá sau khi chỉ số giá tiêu dùng CPI của Mỹ trong tháng 3 được công bố cho thấy lạm phát đã hạ nhiệt rõ ràng hơn. Cụ thể, chỉ số CPI chỉ tăng 0,1% so với tháng 2, và cao hơn 5% so cùng kỳ năm trước, và đều thấp hơn dự báo. Chỉ số CPI lõi (loại trừ giá năng lượng và thực phẩm) tăng 0,4% theo tháng và 5,6% theo năm. Các chỉ số này cũng không cao hơn so với dự báo. Thu nhập thực tế của người dân Mỹ giảm 0,1% so tháng 2.

Các số liệu lạm phát tích cực của Mỹ khiến cho thị trường kỳ vọng FED sẽ ngừng chu kỳ tăng lãi suất.

Các số liệu lạm phát tích cực của Mỹ khiến cho thị trường kỳ vọng FED sẽ ngừng chu kỳ tăng lãi suất. Công cụ theo dõi của CME cho thấy, xác suất cho kịch bản FED không tăng lãi suất trong kỳ họp tháng 3 đã tăng vọt lên 70,4%, hoàn toàn áp đảo so với kịch bản tăng 25 điểm cơ bản. Điều này đồng nghĩa với việc triển vọng tăng của đồng USD không còn nhiều, đồng thời, giá các mặt hàng kim loại nói chung, và kim loại quý nói riêng đều được hưởng lợi khi mà chi phí đầu tư và kinh doanh hàng vật chất đều giảm.

Bên cạnh đó, sức mua cũng gia tăng trên thị trường kim loại quý khi mà dòng tiền rời khỏi thị trường đầu tư rủi ro như chứng khoán và tiền điện tử. Biên bản cuộc họp tháng 3 được công bố cũng cho thấy các thành viên của FED cảnh báo về khả năng rủi ro suy thoái nhẹ vào cuối năm nay ở Mỹ do ảnh hưởng tiêu cực của ngành ngân hàng.

Kỳ vọng lãi suất sắp đạt đỉnh hỗ trợ giá kim loại, năng lượng ảnh 3

Đối với nhóm kim cơ bản, giá đồng tiếp tục tăng 1,53% lên 4,08 USD/pound. Bên cạnh sự hỗ trợ từ đà giảm của đồng USD, sức mua được củng cố trên thị trường trước những lo ngại về tồn kho giảm trên Sở LME. Theo trang tin Reuters, Công ty giao dịch hàng hóa Trafigura đã tiến hành nhận một khối lượng đồng lớn từ các kho dự trữ của Sở LME. Hiện mức dự trữ trên Sở LME đã giảm về 56.800 tấn, mức thấp nhất kể từ tháng 10/2005 đến nay. Dự trữ đồng giảm tại một trong những Sở Giao dịch có hoạt động giao nhận hàng thực lớn trên thế giới làm gia tăng rủi ro về nguồn cung trong ngắn hạn, và giúp cho giá đồng tăng lên mức cao nhất trong vòng một tuần.

Trái lại, giá quặng sắt trên Sở Giao dịch Singapore, giảm 1,27%, về 118,23 USD/tấn. Sức ép kép từ việc nhu cầu tiêu thụ vẫn yếu ở Trung Quốc, cùng với việc các nhà chức trách có thể vào cuộc để hạ nhiệt giá sắt thép khiến cho thị trường quặng sắt kém sôi động, và nhận được ít sức mua hơn.

Giá thép xây dựng nội địa giảm lần thứ 2 trong vòng 1 tuần

Cùng chung xu hướng giảm trên thế giới, giá thép xây dựng trong nước tiếp tục được điều chỉnh giảm sâu lần thứ 2 liên tiếp chỉ trong vòng 1 tuần qua, sau 6 lần tăng liên tiếp từ đầu năm đến nay. Theo SteelOnline.vn, thương hiệu thép Hòa Phát điều chỉnh giảm giá bán dòng thép cuộn CB240 thêm 460 đồng, hiện ở mức 15.200 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 giảm 310 đồng, có giá 15.580 đồng/kg.

Nguyên nhân từ đà giảm này là do bức tranh tiêu thụ khá yếu của nhà sản xuất thép hàng đầu Trung Quốc, khiến giá nguyên liệu đầu vào và giá thép đều chung xu hướng giảm.

Nhập khẩu quặng sắt của Trung Quốc được Reuters ước tính là 94,17 triệu tấn trong tháng 3, tương đương với tốc độ hằng ngày là 3,04 triệu tấn. So sánh với dữ liệu chính thức của hải quan, con số này thấp hơn so với mức 3,29 triệu tấn mỗi ngày trong 2 tháng đầu năm.

Giá nguyên liệu sản xuất thép như quặng sắt, than cốc trong thời gian qua liên tục suy yếu, góp phần hạ nhiệt giá thép thành phẩm trong nước.

Tuy nhiên, nguyên nhân chủ yếu còn là do trong thời gian này, nhu cầu tiêu thụ thép xây dựng trong nước giảm, nhất là khi bất động sản vẫn còn gặp khó khăn. Khảo sát từ các đại lý cho biết tiêu thụ hiện chỉ bằng khoảng 40% cùng kỳ năm trước.

Theo MXV, nhu cầu thép trong quý II vẫn sẽ là thách thức và giá thép có thể còn dư địa giảm. Tuy nhiên, kỳ vọng đầu tư công và các dự án nhà ở xã hội được thúc đẩy nhiều khả năng sẽ hỗ trợ ngành thép khởi sắc trong nửa cuối năm.