Kiến tạo không gian xanh cho đô thị

Đất chật người đông, bởi vậy, công viên, vườn hoa thật sự là những không gian quý báu với đời sống cộng đồng của Hà Nội. Đã có quãng thời gian không gian này chưa được quan tâm đúng mức khiến một số công viên bị bỏ hoang, dang dở, hay người dân ngại tới vì điều kiện vệ sinh không bảo đảm. Song, thời gian gần đây, thành phố đã nỗ lực cải tạo, nâng cấp khiến nhiều công viên, vườn hoa được “sống lại”, trở thành những “lá phổi xanh” trong lành, nhất là khi mùa hè đang đến gần.
0:00 / 0:00
0:00
Công viên Ngọc Thụy (quận Long Biên) góp phần tạo thêm những lá phổi xanh cho Thủ đô.
Công viên Ngọc Thụy (quận Long Biên) góp phần tạo thêm những lá phổi xanh cho Thủ đô.

Dù khu vực nội đô là nơi “tấc đất, tấc vàng”, thành phố Hà Nội vẫn nỗ lực nâng cấp, cải tạo và dành diện tích đất để xây dựng công viên, vườn hoa. Bên những con phố đông đúc, nhiều công viên, vườn hoa đang được thay áo mới, tạo những không gian trong lành cho Thủ đô.

Mở rộng và sống lại những không gian xanh

Đến Công viên Thiên văn học (phường Dương Nội, quận Hà Đông), tất cả đều ngỡ ngàng trước thiết kế hết sức mới lạ, hấp dẫn. Không chỉ là những không gian cây xanh, mặt nước, các chủ đề của công viên đều được thiết kế, xây dựng để giúp mọi người tìm hiểu, khám phá về thiên văn học.

Trong đó, quảng trường Big Bang là nơi mô phỏng vụ nổ hình thành vũ trụ với điểm nhấn là tháp Big Bang có phần chân đế nhỏ, càng lên cao càng mở rộng; quảng trường Zodiac hình tròn tượng trưng cho bầu trời, vòng tròn chứa 12 cung hoàng đạo. Khu vườn mang tên Dải ngân hà có hệ tường xây hình xoắn ốc, được xây dựng thành một khu vườn “mê cung” giúp mọi người thỏa thích vui đùa.

Trong khi đó, quảng trường Hệ mặt trời có biển chỉ dẫn thông tin để trẻ em và du khách có thể hiểu rõ hơn về các hành tinh chung quanh của Trái đất… Ngoài ra, khu vực sân chơi dành cho trẻ em có cấu trúc địa hình mô phỏng “lưới không gian” với các chỗ lồi lõm giống như kiến tạo địa chất trên bề mặt các hành tinh như Mặt trăng, sao Hỏa…

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Hà Đông Trần Thị Lương An, Công viên Thiên văn học được xây dựng mới trên diện tích hơn 12 ha, tổng vốn đầu tư 260 tỷ đồng theo hình thức hợp đồng BT, đã cơ bản hoàn thành từ năm 2020, nhưng chưa được đưa vào sử dụng do một số vi phạm về quy hoạch, trật tự xây dựng. Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, các cấp, các ngành quận Hà Đông quyết liệt vào cuộc và nhờ vậy, công viên cuối cùng đã chính thức mở cửa phục vụ nhân dân.

Cũng trên địa bàn quận Hà Đông, Công viên Cây đàn (phường Yên Nghĩa) đã mở cửa trở lại sau một thời gian dài để cỏ mọc và người dân không thể tiếp cận. Dù một số hạng mục đã bị xuống cấp và cần được tiếp tục cải tạo, nhưng người dân rất vui vì có thêm không gian mặt nước, cây xanh để nghỉ ngơi, đi dạo.

Trên địa bàn quận Long Biên, vườn hoa Ngọc Lâm, phường Ngọc Lâm là một trong số rất ít công trình công cộng được đầu tư xây dựng từ khoảng 60 năm trước. Mặc dù nằm ở trung tâm của quận, với quy mô hơn 2,4 ha, có hồ nước và nhiều cây xanh, nhưng trước đây, người dân rất ngại đến công viên, nhất là buổi tối do công viên xuống cấp, nhiều khu vực mất vệ sinh, nhếch nhác.

Tuy nhiên, sau khi thành phố phân cấp bàn giao cho chính quyền quận Long Biên quản lý, UBND quận Long Biên tiến hành nâng cấp vườn hoa, với nhiều hạng mục, như cải tạo hệ thống đường dạo, sân chơi trẻ em, quảng trường trung tâm; cắt tỉa cây xanh, lắp đặt thiết bị vui chơi, thể dục thể thao ngoài trời, lắp đặt hệ thống chiếu sáng, đèn trang trí quanh hồ… nơi đây như được hồi sinh, thu hút đông đảo người dân mọi lứa tuổi đến thư giãn. Đặc biệt vào buổi tối, công viên trở thành nơi tập trung rất đông trẻ em tham gia các trò chơi được lắp đặt.

Ngoài vườn hoa Ngọc Lâm, thời gian qua quận Long Biên cũng rất quan tâm dành quỹ đất và nguồn lực để đầu tư xây dựng các công viên, cây xanh, vườn hoa, hồ nước, công trình công cộng, trong đó riêng năm 2023 đã đầu tư xây dựng mới ba vườn hoa; xây dựng và nâng cấp hai công viên-hồ nước trung tâm; cải tạo và sửa chữa 15 vườn hoa, cây xanh.

Trong đó, nổi bật nhất là Công viên Long Biên có diện tích lên tới gần 16 ha, Công viên Ngọc Thụy có diện tích gần 7 ha. Đến năm 2025, quận Long Biên tiếp tục cải tạo nâng cấp thêm 14 vườn hoa, công viên từ nguồn ngân sách quận. Ông Lương Hữu Huyên (phường Việt Hưng, quận Long Biên) cho biết: “Tôi rất vui vì trên địa bàn ngày càng có nhiều công viên, vườn hoa. Những không gian này rất hữu ích, nhất là với trẻ em và người già như chúng tôi khi có nơi đi dạo, tập luyện”.

Khu vực nội đô của Hà Nội đất chật, người đông, lượng phương tiện cơ giới lớn nên không khí thường trong tình trạng ô nhiễm. Công viên, vườn hoa là những không gian rất đáng quý với người dân.

Tuy nhiên, có thời gian, các công viên, vườn hoa chưa được quan tâm đúng mức dẫn đến tình trạng xuống cấp, hoặc bỏ hoang, điển hình như Công viên Thiên văn học, vườn hoa Ngọc Lâm... Từ thực tế này, tháng 12/2021, UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 332/KH-UBND về cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới các công viên, vườn hoa trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025, trên cơ sở đó, các quận, huyện đã chủ động rà soát và triển khai thực hiện phù hợp tình hình thực tế từng địa phương.

Sau hơn hai năm thực hiện, thành phố, các quận đã hoàn thành cải tạo 14 vườn hoa, công viên, trong đó một số địa phương tích cực triển khai, như quận Ba Đình hoàn thành 6/8 vườn hoa; quận Hai Bà Trưng hoàn thành cải tạo 3/4 vườn hoa. Năm 2024, các quận tiếp tục hoàn thành 16 công viên, vườn hoa và năm 2025 dự kiến hoàn thành 11 công viên, vườn hoa. Việc cải tạo, nâng cấp vườn hoa, công viên trên địa bàn sẽ còn tiếp tục sôi động khi các quận, huyện đề xuất cải tạo, xây dựng 111 công viên, vườn hoa ngoài kế hoạch chung của thành phố.

Mặc dù vậy, việc cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới các vườn hoa, công viên trên địa bàn thành phố Hà Nội còn không ít hạn chế, đặc biệt là những công viên lớn nằm trong khu vực nội đô. Một số công viên vẫn đang “tắc” trong quá trình thực hiện theo Kế hoạch số 332/KH-UBND.

Gỡ vướng mắc trong cải tạo các công viên

Để chủ động bố trí nguồn vốn, tháng 9/2023, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội phê duyệt chủ trương đầu tư 30 dự án đầu tư công, trong đó có ba dự án cải tạo, nâng cấp Công viên Thống Nhất, Thủ Lệ và Bách Thảo, với số tiền gần 890 tỷ đồng. Đây đều là những công viên lớn trong nội đô. Cụ thể, Hà Nội dành hơn 408 tỷ đồng để cải tạo Công viên Thống Nhất, gần 330 tỷ đồng để cải tạo Công viên Thủ Lệ và gần 149 tỷ đồng để cải tạo Công viên Bách Thảo. Song tiến độ đầu tư cải tạo lại đang chậm trễ.

Theo báo cáo của Sở Xây dựng, các công viên, vườn hoa đã được phê duyệt chủ trương đầu tư, không có vướng mắc lớn. Song, bốn công viên lớn nằm trong kế hoạch cải tạo nâng cấp, gồm Thủ Lệ, Thống Nhất, Bách Thảo và Hòa Bình chậm tiến độ do thay đổi phân cấp quản lý, từ thành phố (Sở Xây dựng trực tiếp quản lý) sang quận. Việc thay đổi cấp quản lý kéo theo những thay đổi trong tổ chức đầu tư, đấu thầu các phương án thiết kế, xây dựng… Do chỉ chuyển đổi quản lý từ ngày 1/1/2024 nên các quận mới đang triển khai bước đầu quá trình đầu tư, cải tạo.

Trong các dự án xây dựng mới, Công viên Khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An diện tích 40 ha, do UBND huyện Thanh Trì làm chủ đầu tư chưa thể triển khai do khó khăn trong giải phóng mặt bằng. Công viên hồ điều hòa khu đô thị Tây Nam Hà Nội, quy mô 11 ha đã hoàn thành khoảng 80%.

Song việc xây dựng lại vướng mắc về giải phóng mặt bằng và điều chỉnh quy hoạch. Một số công viên lớn khác cũng đang chậm tiến độ như: Công viên hồ Phùng Khoang, quy mô hơn 11 ha; Công viên văn hóa, du lịch vui chơi giải trí Kim Quy (huyện Đông Anh) quy mô 101 ha… ngoài những nguyên nhân khách quan liên quan trách nhiệm chủ đầu tư, thì có chung vướng mắc là đều chưa hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng.

Một số công viên khác cũng chậm tiến độ như Công viên Văn hóa vui chơi giải trí, thể thao Hà Đông, quy mô 95 ha, hiện mới đang tổ chức thi tuyển kiến trúc sau khi thành phố công bố quy hoạch chi tiết năm 2023; Công viên Hữu Nghị, Bắc Từ Liêm, gần 16 ha vẫn chưa được triển khai, đất bỏ trống... Các dự án xây mới công viên đều có quy mô trung bình, thuộc quy hoạch các khu đô thị. Tuy nhiên tiến độ thực hiện các dự án còn chậm so với yêu cầu. Một công viên nằm ngay tại trung tâm nhưng là điểm nóng suốt những năm qua là Công viên Tuổi trẻ, nhưng hiện cũng bỏ hoang đã hàng chục năm…

Trước thực tế việc nâng cấp, cải tạo, xây mới công viên, vườn hoa là nhu cầu bức thiết, đáp ứng nhu cầu của người dân Thủ đô, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, thành phố sẽ làm việc với các bên liên quan, nhất là các đơn vị quản lý, chủ đầu tư của các công viên để tháo gỡ vướng mắc.

Đối với Công viên Tuổi trẻ, thành phố sẽ chỉ đạo quận Hai Bà Trưng phối hợp các sở, ngành khẩn trương xử lý các công trình vi phạm, điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 và nghiên cứu thực hiện dự án xây dựng mới. Đối với các công viên lớn tại khu vực trung tâm như: Công viên Thủ Lệ, Công viên Bách Thảo, Công viên Thống Nhất, thành phố sẽ yêu cầu các quận, huyện, các đơn vị quản lý hoàn thiện việc điều chỉnh quy hoạch chi tiết làm cơ sở triển khai dự án.

Với 111 công viên, vườn hoa lớn, nhỏ do các quận, huyện đề xuất thực hiện ngoài kế hoạch chung của thành phố, các quận, huyện cần tập trung sớm hoàn thành công tác đầu tư từ nay đến năm 2025 để phục vụ người dân, mở rộng thêm những không gian xanh cho Thủ đô.