Cùng suy ngẫm

Kiến tạo các động lực tăng trưởng mới

Kinh tế Việt Nam đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, đi lên từ đáy tăng trưởng, song khó khăn, thách thức trước mắt vẫn còn rất nhiều, rất khó tạo được chuyển biến trong ngắn hạn.
0:00 / 0:00
0:00
Sức tiêu dùng nội địa giảm đáng kể. Ảnh: HẢI ANH
Sức tiêu dùng nội địa giảm đáng kể. Ảnh: HẢI ANH

Từ cuối quý III/2023, dấu hiệu cải thiện của nền kinh tế đã rõ nét hơn, giữ được xu hướng tháng sau tích cực hơn tháng trước; sản xuất công nghiệp - động lực tăng trưởng chính trên đà vực dậy khá mạnh mẽ; sản xuất nông nghiệp duy trì nhịp độ tăng khá; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng; doanh nghiệp đăng ký thành lập mới khởi sắc; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng tiếp tục giảm,...

Thành công lớn nhất của Việt Nam trong quãng thời gian đầy biến động vừa qua là giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn. Đó là nền tảng quan trọng để Việt Nam có dư địa cho các chính sách điều hành, hướng đến phục hồi và tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, tránh được chi phí về thời gian và cũng như nguồn lực để khắc phục hậu quả suy thoái, lạm phát như bài toán khó đang đặt ra cho nhiều quốc gia trên thế giới. Đó cũng là lý do để các tổ chức trong và ngoài nước đều thống nhất nhận định Việt Nam vẫn là điểm sáng trong bức tranh xám màu của kinh tế toàn cầu.

Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức chưa từng có. Tăng trưởng nửa đầu năm 2023 chỉ đạt 3,72%, thấp nhất trong 12 năm trở lại đây, tạo áp lực rất lớn cho nhiệm vụ đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2023 cũng như giai đoạn 2021-2025. Đáng lo ngại là các động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế đang có dấu hiệu chậm lại, thậm chí suy giảm và đang chịu áp lực lớn từ bên ngoài. Xuất khẩu giảm mạnh do cầu từ các thị trường lớn suy giảm và doanh nghiệp trong nước chưa tận dụng tốt cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do.

Giải ngân vốn đầu tư công vẫn ách tắc, chưa trở thành “vốn mồi” dẫn dắt cho đầu tư xã hội, tạo tính lan tỏa thúc đẩy tăng trưởng như kỳ vọng. Tiêu dùng dù vẫn giữ đà tăng trưởng nhưng không còn mạnh mẽ như trước do không còn hỗ trợ bởi hiệu ứng “tiêu dùng trả thù” sau đại dịch Covid-19 và thu nhập của một số bộ phận dân cư cũng giảm. Tình thế đặt ra yêu cầu cấp bách phải kiến tạo, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới bên cạnh việc củng cố các động lực tăng trưởng truyền thống đang suy yếu.

Theo các chuyên gia kinh tế, động lực tăng trưởng mới được xác định là phát triển kinh tế số; tăng năng suất lao động và năng suất các yếu tố tổng hợp thông qua việc thành lập Ủy ban Năng suất quốc gia. Bên cạnh đó, cần phát triển khu vực kinh tế tư nhân qua các giải pháp cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư, sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh liên kết vùng nhằm thúc đẩy tăng trưởng của các đầu tàu kinh tế, tạo ra các trục tăng trưởng; chủ động chuyển đổi sang tăng trưởng xanh và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đó, thúc đẩy hợp tác với các quốc gia trong việc duy trì chuỗi cung ứng hiện có và nâng cao vị thế Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu; triển khai xây dựng đề án, chiến lược, giải pháp cụ thể nhằm tăng tính độc lập, tự chủ và nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế,... Đây là các vấn đề được xác định là vừa mang tính cấp bách nhằm giải quyết những khó khăn trước mắt, vừa mang tính dài hạn đối với nền kinh tế Việt Nam.

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều bất định, dự báo hành trình “ngược gió” của Việt Nam vẫn chưa dừng lại. Chặng đường phát triển tiếp theo vẫn rất cần các giải pháp đột phá về cơ chế, chính sách và chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị nhằm tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững.