Lộ diện những khó khăn trong nền kinh tế

Theo báo cáo mới được Tổng cục Thống kê công bố, GDP quý I ước tính tăng 3,32% so với cùng kỳ năm trước, chỉ cao hơn tốc độ tăng 3,21% của quý I/2020 trong giai đoạn 2011-2023.
0:00 / 0:00
0:00
Sức tiêu dùng nội địa giảm đáng kể. Ảnh | HẢI ANH
Sức tiêu dùng nội địa giảm đáng kể. Ảnh | HẢI ANH

GDP quý I tăng 3,32%, thấp thứ 2 trong 13 năm qua

Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,52%, đóng góp 8,85% vào mức tăng trưởng chung của nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 0,4%, làm giảm 4,76%; khu vực dịch vụ tăng 6,79%, đóng góp 95,91%.

Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp quý I ước tính giảm 0,82% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 0,37%, làm giảm 0,1 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế.

Chỉ số IIP ước tính giảm 2,2% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 6,8%). Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 1/3 tăng 0,8% so với cùng thời điểm tháng trước và giảm 2,2% so với cùng thời điểm năm trước.

Đáng chú ý, những vấn đề khó khăn trên thị trường trong nền kinh tế lộ diện rõ hơn. Số doanh nghiệp gặp khó khăn, phải đóng cửa, ngừng hoạt động trong 3 tháng đầu đã lên đến 60.200 doanh nghiệp, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, bình quân một tháng có gần 20.100 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Trong khi đó, trung bình năm ngoái mỗi tháng chỉ khoảng 11.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động. Điều này có nghĩa là các doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn.

Khách quốc tế đến Việt Nam tháng 3 ước đạt 895.400 lượt người, giảm 4% so với tháng trước và gấp 21,5 lần cùng kỳ năm trước, nhưng vẫn chỉ bằng 60% so với cùng kỳ năm 2019 - năm chưa xảy ra dịch Covid-19.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 3 ước đạt 29,57 tỷ USD, tăng 13,5% so với tháng trước và giảm 14,8% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 79,17 tỷ USD, giảm 11,9% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 3 ước đạt 28,92 tỷ USD, tăng 24,4% so với tháng trước và giảm 11,1% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 75,1 tỷ USD, giảm 14,7% so với cùng kỳ năm trước.

Nhiều ngành nghề sụt giảm doanh thu

Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh Nguyễn Phước Hưng cho biết, nhiều ngành nghề vẫn đang chật vật tìm lối đi trong việc tăng trưởng. Như ngành dệt may ghi nhận kim ngạch xuất khẩu giảm khoảng hơn 8% so với cùng kỳ.

Nhiều doanh nghiệp đang phải giảm giờ làm để duy trì và giữ chân người lao động. Khó khăn phổ biến mà doanh nghiệp đang gặp phải đến từ việc thiếu hụt dòng tiền, không tiếp cận được vốn vay, nhiều doanh nghiệp không được giải ngân, chuyển nợ xấu.

Đáng chú ý, ngành vật liệu xây dựng hiện có khoảng 40% doanh nghiệp trong tình trạng không hoạt động được, khả năng đến cuối năm 2023 sẽ có nhiều doanh nghiệp phá sản nếu không có gì thay đổi. Cũng trong tình trạng tương tự, trong nhiều tháng qua ngành bất động sản đã đóng băng, điều này kéo theo các nhà cung cấp cũng bị ảnh hưởng.

Theo báo cáo của Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh, có tới 41,2% doanh nghiệp được khảo sát đang gặp khó khăn do thị trường bị thu hẹp, 17,6% bị ảnh hưởng do giá nguyên liệu đầu vào tăng, 11,2% thiếu nguồn nhân lực phù hợp, 17,6% thiếu vốn kinh doanh, 5,9% thiếu mặt bằng sản xuất, kinh doanh và các khó khăn khác chiếm 6,5%.

Các doanh nghiệp gần như không tiếp cận được gói 120.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất từ 1,5-2%. Tài sản thế chấp là đất nông nghiệp được định giá rất thấp và giá trị tài sản bảo đảm nói chung giảm đến 30%, đòi hỏi phải bổ sung tài sản thế chấp trong khi doanh nghiệp gần như cạn kiệt tài sản. Theo các doanh nghiệp, các gói hỗ trợ về vốn tỷ lệ thụ hưởng chỉ khoảng dưới 10%.

Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, chủ một doanh nghiệp trên địa bàn cho biết, trên thực tế, các doanh nghiệp nhỏ và vừa luôn thiếu vốn kinh doanh. Trong khi đó, doanh nghiệp đã vay ngân hàng để đầu tư máy móc, thu mua nguyên liệu... và đã thế chấp hết tài sản có quyền sở hữu hợp pháp. Nay muốn vay thêm nhưng không còn tài sản nào để thế chấp, nhà xưởng thì ngân hàng không chấp nhận làm tài sản bảo đảm, nên công ty gặp nhiều khó khăn.

Thách thức trong những quý tới

Theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, những thách thức trong năm 2023 đối với nền kinh tế đó là sự trì trệ của các hoạt động sản xuất, kinh doanh do thị trường nội địa và quốc tế bị thu hẹp. Các nước trên thế giới đều trong tình trạng phải kiểm soát lạm phát, hầu hết các nước phương Tây đều tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát. Do đó, sức tiêu thụ của các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu bị giảm đi.

Điều này khiến thu hẹp thị trường xuất khẩu, làm cho nền kinh tế bị trì trệ. Sức tiêu dùng nội địa cũng đã giảm đáng kể, đặc biệt trong lĩnh vực như du lịch chưa lấy lại được sự phát triển như trước khi đại dịch diễn ra.

Trong thời gian vừa qua, nhu cầu hạ lãi suất của thị trường là rất lớn vì chỉ có hạ lãi suất, chi phí vốn cho các doanh nghiệp mới giảm. Từ đó, doanh nghiệp mới vay được tiền và sản xuất, kinh doanh mới có thể có lãi. Doanh nghiệp hoạt động tốt, đương nhiên nền kinh tế cũng phát triển tốt theo.

Chính vì vậy, giảm lãi suất là vấn đề cốt yếu phải thực hiện, nhưng lãi suất có giảm được hay không lại là một vấn đề khác. Vì giảm lãi suất có thể khiến lạm phát tăng lên.

Trên thế giới, nhiều quốc gia vẫn đang ở trong xu hướng tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát, trong khi đó, Việt Nam lại giảm lãi suất. Đây là một bài toán rất khó cho Ngân hàng Nhà nước. Bởi khi giảm lãi suất, xu hướng vay tiền sẽ nhiều hơn và khi vay tiền nhiều hơn thì sẽ đẩy lượng tiền vào trong lưu thông, từ đó làm tăng lạm phát. Hơn nữa, khi giảm lãi suất có thể làm tăng tỷ giá, tăng tỷ giá làm tăng giá nhập khẩu hàng hóa.

Điều chỉnh lãi suất ở mức phù hợp sẽ giúp kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá và tạo sự ổn định, bền vững cho cả nền kinh tế. Chính phủ và ngân hàng cần phối hợp chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ để có những chính sách quốc gia phù hợp hỗ trợ các doanh nghiệp.

Cũng theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, một trong những động lực cho tăng trưởng kinh tế rõ ràng nhất là đầu tư công. Tất cả những chương trình đầu tư công cần được triển khai một cách đồng loạt, mạnh mẽ mới tạo ra động lực cho nền kinh tế. Điều quan trọng nữa cần phải làm là mở rộng thị trường xuất khẩu. Với tất cả những động lực này, hy vọng là nửa năm sau của 2023 nền kinh tế sẽ tốt lên.

Công ty cổ phần Gang thép Cao Bằng quan tâm chăm lo người lao động

Lộ diện những khó khăn trong nền kinh tế ảnh 1

Sản phẩm phôi thép của Công ty cổ phần Gang thép Cao Bằng.

Năm 2022, Công ty cổ phần Gang thép Cao Bằng đã bám sát các kế hoạch, mục tiêu sản xuất-kinh doanh, tổ chức các phong trào thi đua, tập hợp, đoàn kết người lao động nỗ lực nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ được giao. Đồng thời, quan tâm chăm lo, cải thiện điều kiện làm việc, thực hiện tốt công tác an toàn lao động và bảo đảm thu nhập, chế độ đãi ngộ của lao động.

Kết quả, tập thể cán bộ, nhân viên, người lao động đơn vị đã đoàn kết, vững vàng vượt qua một số khó khăn, thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra. Tổng doanh thu của Công ty đạt hơn 2.000 tỷ đồng; nộp ngân sách Nhà nước trên 60 tỷ đồng.

Thu nhập bình quân người lao động hơn 10 triệu đồng/người/tháng, tạo công ăn việc làm cho 780 lao động, trong đó, lao động là người Cao Bằng chiếm 95,7%. Trong năm, Công ty ủng hộ các hoạt động xã hội, từ thiện hơn 600 triệu đồng.

Năm 2023, trên cơ sở tính toán các điều kiện thuận lợi phục vụ phát triển sản xuất-kinh doanh, Công ty đã thông qua kế hoạch tăng trưởng sản xuất-kinh doanh. Trong đó, phấn đấu doanh thu đạt 3.413 tỷ đồng, tiền lương người lao động bình quân đạt 11,7 triệu đồng/người/tháng, nộp ngân sách Nhà nước 91 tỷ đồng. Đồng thời, tích cực ủng hộ các hoạt động xã hội từ thiện tại địa phương và chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động.