Kinh tế TP Hồ Chí Minh nỗ lực vượt qua khó khăn

Tăng trưởng kinh tế TP Hồ Chí Minh quý I năm 2023 đạt 0,7%, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 4%, bốn trong số chín ngành dịch vụ trọng yếu có mức tăng trưởng âm; số vốn đăng ký doanh nghiệp thành lập mới giảm (39,26%), số doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động tăng (22,81%), thị trường bất động sản, thị trường tài chính gặp nhiều khó khăn; doanh nghiệp cắt giảm lao động vì thiếu đơn hàng, nguồn vốn; sức mua của người tiêu dùng giảm mạnh…
0:00 / 0:00
0:00
Một góc đô thị Thành phố Hồ Chí Minh hôm nay. (Ảnh: THẾ ANH)
Một góc đô thị Thành phố Hồ Chí Minh hôm nay. (Ảnh: THẾ ANH)

Theo đánh giá của các chuyên gia, từ năm 1982 đến nay, tăng trưởng kinh tế thành phố hiện đang ở mức báo động “đèn đỏ”. Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, Nguyễn Văn Nên thẳng thắn thừa nhận, kinh tế thành phố đã có “trận thua đậm”.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên thì có thể rất nhiều và cũng đã được mổ xẻ, nhưng có một nguyên nhân thật sự đáng lo ngại, đó là hệ thống chính trị quá tải, thậm chí một số nơi không đáp ứng yêu cầu. Sâu xa hơn, một bộ phận cán bộ cầu an, đùn đẩy, sợ trách nhiệm. Tâm lý e ngại, sợ sai đang kéo đầu tàu kinh tế cả nước đi thụt lùi.

Tại buổi làm việc của Thường trực Chính phủ với Ban Thường vụ Thành ủy TP Hồ Chí Minh ngày 16/4, nhiều ý kiến các bộ, ngành chỉ rõ hiện tượng sợ hoặc đùn đẩy trách nhiệm của một bộ phận không nhỏ cán bộ công chức tại thành phố.

Đơn cử, năm 2022, TP Hồ Chí Minh có 584 văn bản hỏi ý kiến và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có 604 văn bản trả lời. Tuy nhiên, hầu hết các vấn đề được hỏi đều thuộc thẩm quyền của thành phố. Đây là điều rất vô lý.

Hay có những việc đáng lẽ đã quyết theo thẩm quyền và quy chế, nhưng cán bộ vẫn thận trọng quá mức, lấy ý kiến rất nhiều ban, sở, ngành rồi chờ đợi. Thời gian chờ để nhận đủ ý kiến của các bên không khác gì kiểu đẽo cày giữa đường, gây lãng phí thời gian, công sức, ảnh hưởng đến hiệu quả công việc.

Để khơi gợi tinh thần tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong phát triển kinh tế không chỉ là khẩu hiệu, lời nói suông, TP Hồ Chí Minh cần hành động mạnh mẽ thông qua chính sách cụ thể cho từng lĩnh vực, dự án.

Để khắc phục lỗi này, người đứng đầu TP Hồ Chí Minh đưa ra thông điệp cả cứng rắn và mềm mỏng liên quan đến công tác cán bộ. Thông điệp cứng rắn là ai chậm trễ, trì trệ, thiếu trách nhiệm, sai phạm, không dám làm, cầu an, thận trọng quá mức thì đều báo cáo để thay thế.

Tuy nhiên, đây là việc bất đắc dĩ mới phải làm, không ai mong muốn. Biện pháp mềm mỏng là khơi gợi tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong phát triển kinh tế. Thành phố Hồ Chí Minh không đổ lỗi, tự nhận diện mọi khó khăn và phải nỗ lực vượt qua chính mình.

Tuy nhiên, để khơi gợi tinh thần Võ Văn Kiệt không chỉ là khẩu hiệu, lời nói suông, TP Hồ Chí Minh cần hành động mạnh mẽ thông qua chính sách cụ thể cho từng lĩnh vực, dự án.

Chẳng hạn, trong lĩnh vực đất đai, những ách tắc về pháp lý vượt thẩm quyền nhưng đã được Trung ương hướng dẫn thì thành phố phải mạnh dạn triển khai ngay, tránh tình trạng văn bản đi lại lòng vòng văn phòng ủy ban và các sở.

Hay như dự án tuyến Metro số 1, dù hoàn thành 94% số hạng mục nhưng công ty vận hành lại thiếu kinh phí, không có tiền trả lương khiến nhân viên lần lượt nghỉ việc, ảnh hưởng tới việc đào tạo và vận hành khi dự án hoàn thành.

Một vướng mắc nhỏ về cơ chế nhưng thành phố đã mất nhiều thời gian kiến nghị lên trên, nhưng trong trường hợp này, thành phố có thể mạnh dạn tự giải quyết với tinh thần vì lợi ích chung mà không phải chờ Trung ương đồng ý.

Thông điệp TP Hồ Chí Minh đang triển khai là tinh giản, phá bỏ những rào cản kìm hãm sự phát triển kinh tế. Nhưng muốn thực hiện thành công, thành phố cần những cán bộ dám nghĩ, dám làm.

Đồng thời, để bảo vệ được những cán bộ này, thành phố cũng cần xây dựng cơ chế phân minh trong việc đánh giá công-tội dựa trên hiệu quả kinh tế-xã hội từ quyết định của cán bộ đó mang lại cũng như sự vô tư, trong sáng của những cán bộ đó trong quá trình thực thi nhiệm vụ.

Chống tham nhũng là cần thiết, nhưng điều quan trọng hơn, chống tham nhũng phải song hành với cải cách. Vì một trong những mục tiêu chống tham nhũng là tạo ra môi trường kinh doanh trong sạch, công bằng.